Tàu cá trên 400 CV ở Nghệ An 'đánh đâu trúng đó'

13/05/2017 08:34

(Baonghean) - Theo thống kê, đội tàu xa bờ của Nghệ An từ 848 chiếc (năm 2010) tăng lên khoảng 1.400 chiếc (năm 2016), chiếm 35% tổng số tàu thuyền.

Chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi. Ảnh: C.L
Chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi. Ảnh: C.L

Tuy nhiên, số lượng tàu thuyền từ 90-250CV vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chủ yếu đánh bắt ở vùng lộng. Điều này gây nên những bất cập trong cơ cấu tàu thuyền, gia tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy, hải sản gần bờ.

Tàu đánh bắt gần bờ còn 68,5%

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 3.900 tàu cá, trong đó tàu xa bờ công suất 90 - 250 CV hiện có 515 chiếc, tàu công suất từ 250 - 400 CV hiện có 352 chiếc, tuy nhiên, tàu “khủng” trên 400 CV mới chỉ có khoảng 500 chiếc.

Tuy đội tàu xa bờ ở Nghệ An tăng nhanh, song đội tàu chất lượng, hiệu quả khai thác cao chưa nhiều, chủ yếu là tàu 90-250CV đánh bắt ở vùng lộng. Tỷ lệ đánh bắt vùng gần bờ và vùng lộng của đội tàu hiện chiếm 68,5% (gồm 2.655 chiếc). Điều này gây nên những bất cập trong cơ cấu tàu thuyền, gia tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy, hải sản gần bờ.

Trong khi đó, tàu trên 400 CV đánh bắt vùng biển xa “đánh đâu thắng đó”. Tàu của anh Đào Hùng ở xóm 9, xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) mang số hiệu NA 94439 TS mua ở Bình Định, có công suất 900 CV trị giá 6 tỷ đồng, do mua ở tỉnh khác nên anh Hùng không được hưởng chính sách vay vốn tàu xa bờ. Anh cho biết, chuyến ra khơi nào của anh cũng có lãi, chuyến lãi ít thì 100 triệu đồng, có chuyến tàu anh lãi 1 tỷ đồng, nhờ vậy mới 2 năm anh đã trả được 2/3 vốn vay. Nhờ đánh bắt được nên mỗi năm bạn thuyền có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cá về trên bến Lạch Quèn. Ảnh: C.L
Cá về trên bến Lạch Quèn. Ảnh: C.L

Phát triển đội tàu công suất lớn

Những năm qua, Nghệ An có trên 101 tàu công suất lớn được đóng theo chương trình hỗ trợ Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Cùng đó, nhận thấy lợi ích của những chiếc tàu công suất lớn, rất nhiều ngư dân góp vốn đầu tư đóng tàu lớn vươn khơi. Điều đó góp phần nâng đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh từ 848 chiếc (năm 2010) tăng lên khoảng 1.400 chiếc (năm 2016).

Tàu cá biển hiệu 96767 của anh Lâm ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) có công suất 950 CV cũng vậy, đóng hết 6 tỷ đồng với 12 phần vốn góp. Anh Lâm cho hay: Tàu lớn nên lao động đánh bắt an toàn hơn, khoang tàu hầm rộng nên di chuyển dễ, dễ sắp xếp cá và khi gặp luồng cá lớn vẫn đánh được hết, không để phí. Tàu lớn nên cả đội có thể ở lại trên biển dài ngày hơn. Mỗi chuyến biển trừ chi phí 70 triệu đồng, còn lãi hàng trăm triệu đồng. Có chuyến lãi 500 triệu đồng, thu nhập bạn thuyền đạt 8-10 triệu đồng/tháng.

Đóng tàu lớn trên 400 CV là giải pháp quan trọng nhất đối với đội tàu để tăng hiệu quả đánh bắt, đồng thời bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần bờ. Hiện 67 tàu đã được vay vốn đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của ngư dân.

Theo chiến lược phát triển đội tàu khai thác hải sản tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2030, toàn tỉnh sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp để tăng tàu lớn và giảm dần các tàu nhỏ, trong đó giải bản, cải hoán tàu cá là nhiệm vụ quan trọng.

Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết thêm: Các loại nghề khai thác có khả năng phát triển mạnh trong những năm tới như: Rê thu ngừ, rê 3 lớp, câu mực, câu vàng, chụp mực, lưới vây rút chì… Ngoài ra, có thể phát triển một số nghề khai thác gần bờ có chọn lọc như nghề rê 3 lớp, nghề câu, nghề bẫy ghẹ,... Đặc biệt là nghề câu khơi và rê khơi có tính chọn lọc cao, đánh bắt các loại có giá trị xuất khẩu mà chi phí đầu vào cho sản xuất thấp. Do đó, việc phát triển tàu có công suất lớn và giảm các tàu công suất nhỏ là giải pháp tất yếu”.

» Nghệ An: 4 tháng ngư dân khai thác đạt giá trị hơn 800 tỷ đồng

Châu Lan

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tàu cá trên 400 CV ở Nghệ An 'đánh đâu trúng đó'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO