Tàu sân bay hạt nhân, vũ khí thay đổi cuộc chơi của Mỹ

13/02/2017 15:26

Việc phát triển thành công tàu sân bay năng lượng hạt nhân đầu tiên, USS Enterprise, tạo tiền đề cho các siêu hàng không mẫu hạm về sau, giúp Hải quân Mỹ thống trị đại dương.

Hải quân Mỹ sẽ ngưng hoạt động vĩnh viễn USS Enterprise (CVN-65), tàu sân bay năng lượng hạt nhân đầu tiên của thế giới sau hơn 50 năm sử dụng. Tạp chí National Interest nhận định, Enterprise là một trong những tàu sân bay nổi tiếng nhất thế giới.

Con tàu được thiết kế làm nòng cốt của lực lượng đặc nhiệm, có thể di chuyển khắp các đại dương mà không cần lo lắng về nhiên liệu. USS Enterprise đã thiết lập tiêu chuẩn cho các siêu hàng không mẫu hạm Mỹ hiện nay.

Chỉ cần 2 năm để hoàn thành

Tháng 8/1950, Đô đốc Forrest Sherman - Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ yêu cầu nghiên cứu tính khả thi về một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các nhà khoa học đã phát triển một lò phản ứng hạt nhân trên bờ để thử nghiệm. Lò phản ứng A1W thử nghiệm thành công và được cấp phép. Kinh phí cho việc chế tạo tàu sân bay hạt nhân được phê duyệt trong năm 1958.

USS Enterprise trên đường trở về Mỹ sau cuộc di tản khỏi Sài Gòn, Việt Nam năm 1975. Ảnh: Hải quân Mỹ
USS Enterprise trên đường trở về Mỹ sau cuộc di tản khỏi Sài Gòn, Việt Nam năm 1975. Ảnh: Hải quân Mỹ

Nhà sản xuất Newport News Shipbuilding chỉ mất 2 năm để hoàn thiện tàu sân bay dài nhất từng được chế tạo. USS Enterprise được bàn giao cho Hải quân Mỹ vào tháng 10/1961. Tàu dài 342 m, rộng lớn nhất 78,4 m, lượng choán nước 93.248 tấn.

Tàu được trang bị 8 lò phản ứng hạt nhân A2W ( phiên bản cải tiến của A1W), cung cấp năng lượng cho 4 tuabin hơi nước với tổng công suất 280.000 mã lực, truyền động cho chân vịt 4 trục, tốc độ tối đa 35 hải lý/giờ. Tàu được vận hành bởi thủy thủ đoàn 5.500 người, bao gồm cả nhân viên hàng không.

Enterprise có thiết kế tương tự các tàu sân bay trước đó như Kitty Hawk và Constellation. Tàu có 4 máy phóng hơi nước, 4 thang máy. Cấu trúc thượng tầng độc đáo của tàu được ví von là “tổ ong”. Tàu được gọi với biệt danh “Big E”.

Con tàu của những cái “nhất”

USS Enterprise là tàu sân bay đầu tiên được trang bị radar quét mảng pha hoạt động theo từng giai đoạn cùng hệ thống tác chiến điện tử tinh vi. Enterprise cũng là tàu sân bay đầu tiên hạ thủy mà không có vũ khí tự vệ. Đến năm 1967, 2 bệ phóng Mk25 sử dụng tên lửa Sea Sparrow mới được lắp đặt. Năm 1980, 3 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Mk15 Phalanx 20 mm được bổ sung thêm.

USS Enterprise cùng tuần dương hạm USS Long Beach và tàu khu trục USS Bainbridge trong chiến dịch đi vòng quanh thế giới năm 1964. Ảnh: Hải quân Mỹ
USS Enterprise cùng tuần dương hạm USS Long Beach và tàu khu trục USS Bainbridge trong chiến dịch đi vòng quanh thế giới năm 1964. Ảnh: Hải quân Mỹ

Enterprise là sân bay của nhiều loại máy bay trên hạm nổi tiếng như F-4 Phantom, F-14 Tomcat, A-1 Skyraiders, A-3 Skywarrior, máy bay ném bom A-4 Skyhawk, A-7 Crusaders. Tiêm kích trên hạm cuối cùng hoạt động trên CVN-65 là 4 phi đôi F/A-18 E/F Super Hornet.

CVN-65 bắt đầu triển khai hoạt động từ năm 1962, khi tàu tham gia vào cuộc phong tỏa trong cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Năm 1964, Enterprise cùng với tàu tuần dương tên lửa USS Long Beach, tàu khu trục USS Bainbridge, 3 tàu năng lượng hạt nhân thực hiện chuyến vòng quanh thế giới, vượt qua quãng đường 49.189 km trong 65 ngày, còn gọi là chiến dịch Sea Orbit.

Chiến dịch đã chứng minh đội tàu năng lượng hạt nhân có thể di chuyển nhanh để đáp ứng các mối đe dọa trên toàn cầu.

Năm 1988, Enterprise được triển khai ở vịnh Ba Tư trong Chiến tranh Iran-Iraq. Các tiêm kích trên tàu đã đánh chìm một tàu hộ tống của Iran. Những năm 1990, CVN-65 thực thi vùng cấm bay ở Iraq, Bosnia. Đầu năm 2000, Enterprise tiến hành các cuộc không kích chống phiến quân Taliban và tổ chức khủng bố Al Qaeda.

Tháng 12/2012, CVN-65 được rút khỏi các nhiệm vụ để chuẩn bị ngưng hoạt động. USS Enterprise sẽ chính thức ngưng hoạt động vĩnh viễn trong tháng 2. Một buổi lễ long trọng dự kiến sẽ được tổ chức tại nhà máy đóng tàu Newport News, Virginia.

Trong suốt 50 năm hoạt động, USS Enterprise đã thiết lập nhiều kỷ lục, con tàu từng đi vòng quanh thế giới 3 lần, thực hiện 25 sứ mệnh trên khắp thế giới, 400.000 lượt máy bay cất hạ cánh thành công trên tàu. Hàng trăm nghìn lượt thủy thủ thay nhau làm nhiệm vụ trên tàu.

CVN-65 sẽ ngưng hoạt động nhưng cái tên Enterprise sẽ tiếp tục tồn tại. Năm 2012, Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus, tuyên bố siêu tàu sân bay lớp Ford thứ 3 sẽ được đặt tên USS Enterprise (CVN-80).

Theo Zing

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tàu sân bay hạt nhân, vũ khí thay đổi cuộc chơi của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO