Tên gọi, chức năng của các bộ phận trên ô tô

Phạm Duy 13/04/2024 10:01

Để có thể điều khiển ô tô an toàn và bảo dưỡng đúng cách, mỗi tài xế cần phải biết tên gọi các bộ phận trên xe và hiểu rõ quy trình hoạt động của chúng.

Cần khoảng 30.000 chi tiết máy để có thể cấu tạo nên một chiếc ô tô hoàn chỉnh. Dưới đây là một số bộ phận cơ bản cũng như chức năng và tên gọi.

Các bộ phận ngoại thất

Ngoại thất xe ô tô bao gồm các bộ phận nằm bên ngoài chúng ta có thể nhìn thấy ngay khi một chiếc xe xuất hiện.

Lưới tản nhiệt

Lưới tản nhiệt là một trong những bộ phận của ô tô khá quan trọng, được thiết kế với mục đích cho phép luồng không khí, gió vào bên trong xe giúp làm mát và giảm nhiệt độ khi các động cơ hoạt động. Đồng thời, lưới tản nhiệt còn là nơi bảo vệ bộ tản nhiệt xe ô tô và động cơ bên trong.

Một chiếc xe ô tô hoàn chỉnh được cấu thành từ các bộ phận khác nhau. Ảnh minh họa: baohaauto.vn

Hầu hết các mẫu xe hiện này đều đặt lưới tản nhiệt ở vị trí trên cản trước đối với các xe có động cơ đặt ở phía trước và trên cản sau đối với xe đặt động cơ ở phía sau. Ngoài ra, một số hãng xe thiết kế lưới tản nhiệt nằm ở phía trước bánh xe để làm mát hệ thống phanh.

Cản xe ô tô

Cản xe ô tô được lắp đặt ở vị trí trước và sau xe với mục đích giảm thiểu các rủi ro về tai nạn cho người ngồi trên xe khi có lực va chạm mạnh tác động vào cũng như hạn chế hư hại bộ phận khác của xe.

Nắp ca-pô

Nắp ca-pô chính là phần khung kim loại được đặt ở vị trí đầu xe với mục đích bảo vệ khoang động cơ bên trong xe. Nắp ca-pô có thiết kế đóng mở dễ dàng để hỗ trợ chủ xe bảo dưỡng và sửa chữa khi bị hư hỏng hoặc cần trang bị thêm phụ tùng xe nào đó.

Đèn pha

Không một chiếc xe nào trên thị trường thiếu cụm đèn pha dành cho xe ô tô. Vì đây là một trong các bộ phận quan trọng, được trang bị giúp chiếu sáng, dẫn đường cho tài xế khi đi vào cung đường có ánh sáng yếu hoặc ban đêm hay trở thành tín hiệu xin đường khi cần thiết.

Cụm đèn pha ô tô được đặt ở hai vị trí trái và phải của đầu xe, nối liền với nắp ca-pô. Hầu hết các đèn pha được thiết kế bắt buộc phải tạo ra được luồng sáng tập trung mạnh, chiếu theo chiều ngang của mặt đường và đặc biệt phải có khả năng chiếu sáng tối thiểu 100 mét.

Bên cạnh đó, đèn pha sẽ được tối ưu hơn khi kết hợp với đèn cốt - loại đèn có khả năng chiếu gần, chống chói đối với người đi ngược hướng. Thông thường đèn cốt sẽ được lắp đặt chung chóa đèn với đèn pha hoặc lắp rời, tùy theo mẫu xe và nhu cầu của người dùng.

Kính chắn gió

Kính chắn gió chính là khung kính to được đặt phía trước xe, ngay trên nắp ca-pô có tác dụng bảo vệ tài xế và hành khách trước gió, mưa, bụi hoặc thời tiết xấu, cũng như hạn chế rủi ro về tai nạn khi có va chạm mạnh.

Gương chiếu hậu

Gương chiếu hậu được lắp đặt ở hai bên trái và phải nối liền với kính chắn gió ở phía trước xe, giúp tài xế quan sát làn đường hai bên khi di chuyển hoặc xin đường.

Tùy theo từng mẫu xe, gương chiếu hậu có thể gập thủ công hoặc gập tự động hoặc có thêm hệ thống sưởi để mặt kính thông thoáng khi đi vào cung đường có độ ẩm cao.

Tên gọi các bộ phận nội thất

Nội thất xe ô tô là nơi tài xế và hành khách sẽ ngồi trong suốt quá trình di chuyển trên đường.

Vô lăng

Vô lăng là một trong những bộ phận thuộc hệ thống buồng lái, gắn liền với tài xế để di chuyển hướng đi của xe. Tùy theo quy định luật giao thông của từng quốc gia mà vô lăng sẽ được lắp đặt bên trái hay bên phải. Ở Việt Nam, chiều di chuyển thuận là bên phải nên vô lăng sẽ được thiết kế nằm ở bên trái buồng lái.

Bảng táp-lô

Bảng đồng hồ: là một hệ thống thông báo thông tin gồm màn hình, đèn báo và các loại đồng hồ như đồng hồ số, đồng hồ xăng, vận tốc xe…được thể hiện dưới dạng kim chỉ và số.

Bảng điều khiển: Bao gồm các công tắc điều khiển các thiết bị tiện ích trong xe như: điều khiển âm thanh, quạt gió, máy lạnh, điều khiển gạt nước, điều khiển đèn…

Công tắc chính (khóa điện): được thiết kế ở trục tay lái, bao gồm 4 nấc như sau:

+ LOCK: Khóa tay lái, đồng thời chìa khóa chỉ có thể đưa vào hoặc rút ra ở nấc LOCK này.

+ ACC: Chỉ cấp điện cho một số thiết bị cần thiết.

+ ON: Chỉ cấp điện lúc máy đã hoạt động xong

+ START: Vị trí khởi động máy, sau khi vặn khóa đến vị trí này và máy bắt đầu khởi động, chìa khóa sẽ tự động trả về nấc ON.

Biết các tên gọi của những bộ phận trên xe ô tô và cách vận hành của chúng giúp chủ xe di chuyển đúng cách. Ảnh minh hoạ: baohaauto.vn

Bàn đạp phanh

Bàn đạp phanh là bộ phận ô tô được thiết kế với mục đích dừng chuyển động của xe và giữ vị trí cố định. Bộ phận đạp phanh ô tô bao gồm:

Bàn đạp phanh chân: được thiết kế nằm ở bên phải trục vô lăng lái và nằm giữa trục côn và trục ga, có tác dụng hãm tốc độ xe và dừng chuyển động của xe.

Phanh tay: được gắn trên giá đỡ bên phải trục tay lái, có tác dụng cố định xe khi dừng hoặc đỗ xe tại một vị trí nào đó.

Bàn đạp ly hợp (xe số sàn)

Bàn đạp ly hợp xe số sàn là bộ phận ô tô có thiết kế nằm phía bên trái của trục lái, có nhiệm vụ đóng hoặc ở ly hợp, ngắt truyền động từ động cơ của hộp số đến hệ thống truyền động phía sau. Điều này có nghĩa là bàn đạp ly hợp được sử dụng để khởi động, chuyển số hoặc phanh dừng xe.

Bàn đạp ga

Bàn đạp ga xe ô tô được lắp đặt ở vị trí bên phải của trục vô lăng ngay cạnh bàn đạp phanh, có tác dụng điều khiển lượng cung cấp nhiên liệu cho hệ thống động cơ.

Cần điều khiển số

Cần điều khiển số xe ô tô được lắp đặt vị trí bên phải của người lái với mục đích điều khiển sự ăn khớp của các bánh răng trong hộp số để thay đổi tốc độ chuyển động của xe.

Ghế ngồi dành cho tài xế và hành khách

Để tài xế có thể lái xe an toàn, không mệt mỏi, hành khách thoải mái nghỉ ngơi trên xe thì hệ thống ghế ngồi trên xe là không thể thiếu.

Tùy theo mẫu xe và phân khúc xe ô tô là sedan, hatchback, SUV, MPV, xe bán tải hay mui trần, coupe mà sẽ thiết kế số chỗ ngồi tương ứng. Hiện nay xe có số chỗ ngồi thấp nhất là xe 2 chỗ ngồi, thông dụng nhất là xe 7 chỗ ngồi, 5 chỗ ngồi và 4 chỗ ngồi.

Ngoài ra, nội thất và ngoại thất xe còn bao gồm các nút chức năng và nhiều tiện ích thiết kế khác được trang bị tùy theo hãng, phân khúc xe hạng sang hoặc hạng trung, nhóm đối tượng hướng đến. Trong bài viết này chỉ giới thiệu một số tên gọi bộ phận trên xe ô tô thông dụng và cơ bản.

Các bộ phần gầm

Bộ phận khung gầm xe ô tô được thiết kế với mục đích nâng đỡ tất cả các bộ phận trên xe, là nơi kết nối mạch lạc các liên kết để các bộ phận hoạt động được đồng bộ nhất. Hiểu nôm na, khung gầm xe được xem là bộ xương của toàn bộ chiếc xe, giúp nâng đỡ mọi sức nặng của các bộ phận khác. Đồng thời, khung gầm tốt, xe sẽ di chuyển êm ái hoặc khi có va chạm mạnh, khung gầm sẽ bảo vệ an toàn cho hành khách.

Riêng về các bộ phận gầm ô tô hay khung gầm xe ô tô đang được sử dụng trên thị trường gồm 2 loại: loại khung rời vỏ và khung liền vỏ. Trong đó:

Khung liền vỏ: sẽ được sản xuất gắn liền với các chi tiết vỏ xe như nắp ca-pô, cánh cửa, phần đuôi xe…

Khung rời vỏ: vỏ xe và khung xe được sản xuất ở hai dây chuyền hoàn toàn khác nhau và được kết nối với nhau từ bộ phận khung đỡ lực với khung đỡ vỏ xe.

Theo vtcnews.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Tên gọi, chức năng của các bộ phận trên ô tô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO