Tên lửa bắn rơi tiêm kích Su-25 của Nga có nguồn gốc từ đâu?

Hồng Anh 06/02/2018 09:43

Vụ máy bay Su-25 của Nga bị bắn rơi tại Syria hôm 3/2 vừa qua đã đặt ra nhiều câu hỏi về nguồn gốc cũng như chủng loại của tên lửa bắn hạ máy bay này.

Nga quyết điều tra đến cùng vụ máy bay Su-25 bị bắn hạ

Các nhà nhà lập pháp Nga hôm 4/2 kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ và toàn diện về nguồn gốc tên lửa phòng không vác vai MANPADS mà phiến quân Syria đã sử dụng để bắn hạ chiếc máy bay Su-25 của Nga trước đó một ngày.

Mảnh vỡ của máy bay Su-25 bị bắn hạ tại Syria. Ảnh: Daily mail

Trả lời phỏng vấn Hãng tin Interfax, ông Frants Klintsevich, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng - an ninh Thượng viện Nga cho biết: “Chúng tôi sẽ điều tra và cuộc điều tra này bao gồm rất nhiều vấn đề, từ loại tên lửa MANPADS được sử dụng đến bối cảnh máy bay Su-25 bị bắn hạ”.

Ông Klintsevich bày tỏ hy vọng, cơ quan điều tra có thể thu thập bằng chứng một cách dễ dàng nhờ “sự linh hoạt của thiết bị bay không người lái và thiết bị giám sát không gian trong khu vực”.

Các nghị sỹ Nga cho rằng, về mặt quân sự, việc quân đội Nga mất đi một chiếc Su-25 không phải là vấn đề quá to lớn. Tuy nhiên, về mặt chính trị, vụ tấn công mang ý nghĩa rất nghiêm trọng và sẽ gây hậu quả nặng nề.

Hãng tin RiA dẫn lời nghị sĩ Nga Vikotor Volodarsky khẳng định: “Nga rất muốn biết làm thế nào loại tên lửa này rơi vào tay phiến quân tại Syria. Lực lượng không quân Nga hiện đang phối hợp với lực lượng đặc nhiệm Syria tiến hành điều tra ngay tại hiện trường để tìm kiếm phụ tùng tên lửa, từ đó lần ra số hiệu tên lửa. Sau đó chúng tôi sẽ liên hệ với nhà máy sản xuất tên lửa này cũng như quốc gia bán chúng để tìm hiểu làm thế nào tên lửa tới được tay khủng bố ở Syria.”

Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Duma Quốc gia Nga, ông Dmitry Novikov cũng đã đề xuất việc chuyển kết quả hoạt động điều tra vụ bắn rơi chiếc Su-25 lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ngay sau vụ máy bay S5-25 bị bắn rơi, lực lượng không quân Nga đã dồn dập không kích nhằm vào sào huyệt của tổ chức khủng bố Jabhat al-Nursa tại thành phố Saraqeb, tỉnh Idlib, Tây Bắc của Syria, tiêu diệt 30 tên khủng bố.

Nhiều giả thiết về nguồn gốc tên lửa

Hãng tin Interfax dẫn nguồn tin từ nghị sỹ Nga Dmitry Sablin cho biết, hệ thống MANPADS mà các phiến quân sử dụng để bắn rơi máy bay Su-25 của Nga được đưa vào Syria từ một nước láng giềng cách đây vài ngày”. Ông khẳng định, các quốc gia xuất khẩu những thứ vũ khí này sang Syria dùng cho mục đích chống lại Nga phải hiểu rằng họ sẽ bị trừng phạt.

Ông Igor Morozov – một thành viên của Hội đồng Liên bang Nga cho biết hệ thống tên lửa vác vai (MANPADS) được sử dụng trong vụ bắn rơi chiếc Su-25 của Nga ở Syria nhiều khả năng có nguồn gốc từ kho vũ khí Vinnytsia ở Ukraine.

Theo ông, vào tháng 9/2017 đã xảy ra một vụ cháy lớn tại kho vũ khí này, phá hủy 32.000 tấn đạn pháo và không loại trừ khả năng đây là hành vi cố ý để đánh cắp vũ khí mà chính quyền Ukraina không hay biết.

Thông qua nhiều đường dây buôn lậu những loại vũ khí này đã rơi vào tay khủng bố Syria. Tuy nhiên, ông Igor Morozov cũng không bác bỏ khả năng MANPADS đã bị đánh cắp từ các kho lưu trữ vũ khí của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặt tại một trong số các quốc gia thành viên ở Đông Âu.

Trong khi đó, ông Frants Klintsevich, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng - An ninh Thượng viện Nga cho rằng, phiến quân Syria đã nhận được loại vũ khí này từ Mỹ thông qua một nước thứ 3. “Nếu không có sự hỗ trợ và bảo đảm từ bên ngoài, phiến quân Syria không thể có tên lửa MANPADS. Và quốc gia cung cấp chỉ có thể là Mỹ”, ông nói.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngay lập tức bác bỏ giả thiết trên. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Eric Pahon cho rằng, Mỹ không cung cấp tên lửa vác vai MANPADS cho bất cứ lực lượng đồng minh nào tại Syria tên lửa và không có ý định làm điều này trong tương lai.

Hoạt động của Mỹ chỉ tập trung vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria. Mỹ sẽ đánh giá mức độ xác thực của các thông tin được đưa ra để bảo vệ đồng minh tại Syria và cũng sẽ cung cấp cho chính phủ Nga các thông tin liên quan về sự cố này.

Theo đạo luật chi tiêu quốc phòng năm 2017, được ký dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Bộ Quốc phòng Mỹ được phép trang bị cho phiến quân Syria hệ thống tên lửa vác vai MANPADS. Tại thời điểm đó, Nga đã rất tức giận trước động thái của Mỹ, cho rằng động thái này sẽ làm phức tạp thêm cuộc xung đột ở Syria và đe dọa trực tiếp đến hoạt động của lực lượng không quân Nga tại Syria.

Ông Theodore Karasik, giám đốc nghiên cứu tại Viện Phân tích Cận Đông và Vùng Vịnh của Mỹ cho biết, sở dĩ phiến quân có thể dễ dàng tiếp cận loại tên lửa MANPADS vì tên lửa này có sẵn ở Trung Đông từ nhiều nguồn khác nhau. Liên Xô, sau này là Nga đã chuyển giao loại tên lửa này cho quân đội Syria vì mục đích quốc phòng, ước tính có số lượng lên đến 16.000 chiếc từ năm 1970 đến năm 2010.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua công ty Rocketsan, không chỉ sản xuất MANPADS để bán trên thị trường quốc tế mà còn chuyển giao những loại vũ khí này cho các phe đối lập tại Syria, trong đó có Quân đội Tự do Syria hiện diện xung quanh Idlip.

Nguy cơ tiềm ẩn đối với máy bay quân sự Nga hoạt động tại Syria

Vụ máy bay Su-25 bị bắn hạ đã đặt ra thách thức về an ninh với lực lượng không quân Nga khi hoạt động chống khủng bố trên chiến trường Syria.

Ông Konstantin Sivkov một chuyên gia quân sự Nga cho biết, sở dĩ máy bay Su-25 dễ bị tấn công là bởi hệ thống radar của nó không thể nhận diện được tên lửa phòng không vác vai như Stinger hay Igla vì những loại tên lửa này được trang bị đầu đạn dẫn đường tự động.

Tên lửa vác vai như Igla có tầm bắn khoảng 3km. Phi công lái Su-25 khi đó có thể đã bay ở độ cao thấp vì nghĩ rằng đang hoạt động trong vùng giảm leo thang căng thẳng, ông Sivkov nhận định. Theo ông Sivkov, khủng bố có thể có được tên lửa MANPADs trên thị trường chợ đen hoặc qua các kho vũ khí tại Syria hay Iraq.

Dù chủng loại Su-25 chưa được công bố, song theo các chuyên gia quân sự, mẫu máy bay Nga gặp nạn là Su-25 đời cũ, không phải phiên bản Su-25SM3 được trang bị tổ hợp phòng thủ điện tử tiên tiến Vitbsk.

Chuyên gia quân sự Michael Kofman thuộc Trung tâm phân tích hải quân Wilson của Mỹ nhấn mạnh, Nga đã triển khai nhiều dòng máy bay Su đến căn cứ quân sự của nước này tại Syria, trong đó bao gồm Su-25, Su-24M2, Su-30 SM và Su-34.

Trong số này Su-25 có khả năng hỗ trợ bám sát mặt đất và tấn công các mục tiêu rất tốt. Tuy nhiên loại máy bay này có nhiều điểm yếu và dễ bị bắn hạ bởi tên lửa vác vai MANPADS – vốn được dùng để tiêu diệt các loại máy bay tầm thấp.

Đây không phải là lần đầu tiên máy bay Nga hoạt động trên vùng trời Syria bị bắn hạ. Trước đó vào tháng 11/2015, chiếc máy bay ném bom chiến thuật Su-24 của Nga đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong lãnh thổ Syria, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị máy bay chiến đấu F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn. Vụ việc đã để lại hệ lụy căng thẳng kéo dài trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ./.


Theo vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Tên lửa bắn rơi tiêm kích Su-25 của Nga có nguồn gốc từ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO