Tết đến, về nhà

Những ngày cuối cùng của năm dương lịch, một đợt không khí lạnh tràn về. Giờ đang là giữa đông. Hơn một tháng nữa sẽ là tết cổ truyền. Thường thì mỗi một năm qua đi người ta hay ngoái lại để cảm nhận cho thật đầy đủ về mười hai tháng mà mình đã đi qua. Có vui, có buồn, có thành công và đương nhiên cả thất bại. Nhưng có lẽ hiếm có năm nào mà cảm giác về những ngày cuối cùng của năm lại im ắng tĩnh lặng như năm nay. Không thấy bồn chồn, háo hức, không sốt ruột xoắn xuýt thu thu vén vén trong tháng củ mật như mọi năm. Đâu phải thời gian ngừng trôi nhỉ. Những tờ lịch vẫn rơi xuống đều đặn mỗi ngày và vài tờ cuối cùng đang sắp cất lên lời tạm biệt. Điều đáng nói có lẽ chỉ nằm ở trong lòng người, trong tâm thế mỗi người.

Đại dịch ảnh hưởng tới toàn cầu, không chừa ra một quốc gia nào. Ở ta, Cao Bằng là tỉnh cuối cùng không thoát khỏi đại dịch. Cách đây chừng non tháng, khi tôi đang ở Cao Bằng và mỗi buổi sáng nhìn thấy lũ trẻ tung tăng đến trường trong bộ đồng phục tôi đã nghĩ: Ồ, phải lâu lắm rồi mình mới thấy hình ảnh ấy. Toàn bộ học sinh, sinh viên Hà Nội đã gần như trọn vẹn một học kì không đến trường. Nhưng chuyến đi của tôi còn chưa kết thúc thì cả tỉnh Cao Bằng xôn xao thảng thốt vì những ca nhiễm mới không biết bắt nguồn từ đâu. Tôi đành phải bỏ dở chuyến đi vì người địa phương không còn tâm trí nào tiếp nhận cánh văn nghệ sĩ lơ mơ thích lang thang nữa.

Cụm từ “sống chung” bắt đầu thấy quen tai. Có lẽ nhiều người sẽ thêm một lần nữa không thể về quê ăn tết. Cái tết xa nhà năm ngoái còn khiến người ta rất khổ tâm vì nhớ nhung, lo lắng, sốt ruột. Năm nay có lẽ đã phần nào quen đi rồi. Những cửa ngõ thành phố sẽ không còn kẹt cứng xe cộ vào ngày đầu tiên công chức được nghỉ việc, và thành phố cũng sẽ bớt hoang vu vì hàng triệu người đi vắng.

Tôi thường nghĩ, thích nghi chính là khả năng tuyệt vời nhất mà con người có được. Sự thích nghi được tạo lập bởi trí thông minh và khát vọng tồn tại. Bằng mọi giá phải tồn tại. Và càng khó khăn thì sức chịu đựng cùng với ý chí của con người dường như càng phi thường, vượt bậc. Cũng chỉ là một cái tết thôi mà. Rồi chúng ta sẽ cùng chờ đợi những ngày yên bình, cuối cùng thế nào nó cũng đến, để trở về.

Cô bạn tôi sống ở Đức cùng chồng và hai con gái, nói như khóc qua điện thoại: Thêm một cái tết nữa em không thể về rồi. Cô ấy chỉ còn một bà mẹ già là người thân duy nhất ở lại Việt Nam vì bà nhất định không chịu rời Việt Nam sang Đức định cư cùng con cháu. Bà đã ốm nhiều tháng liền và chỉ trông vào sự chăm sóc của một đứa cháu ở quê lên. Tôi chỉ biết nói vài lời động viên bạn cố gắng. Tất cả chúng ta, 7 tỉ người trên thế giới này cùng phải cố gắng để đi qua cơn cuồng phong này.

Nhưng dù nói gì đi nữa thì tôi rất hiểu, “về nhà” là hai chữ khiến người ta đau nhói nhất mỗi khi năm hết tết đến mà không thể dịch chuyển.

Ảnh minh họa: Quốc Khánh – Thành Cường – Xuân Hoàng – Lâm Tùng