Tết Độc lập nghe chuyện lập mường

Hữu Vi 01/09/2021 12:36

(Baonghean.vn) - Đang giãn cách xã hội, ngày Tết Độc lập ở miền núi không thể tổ chức sum vầy. Tuy nhiên, với những cao niên vùng cao, đây lại là dịp nhớ về những tháng năm cách mạng, nhớ về nguồn cội bản mường.

Bản làng miền Tây Nghệ An. Ảnh: Đình Tuân
Bản làng miền Tây Nghệ An. Ảnh: Đình Tuân

Đối với người miền núi, dịp Quốc khánh mồng 2 tháng 9 hằng năm là một hội vui. Bà con dân bản vẫn gọi ngày này là “Tết Độc lập”.

Những năm trước, hễ đến ngày này, nhiều làng bản vui như hội. Ở các huyện như: Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn…, bà con còn tổ chức những lễ hội nhỏ cấp thôn, bản. Có nơi, còn chứng kiến lễ gọi vía, buộc chỉ cổ tay cho trẻ em để cầu sức khỏe, mong các cháu sẽ giỏi giang hơn trong năm học mới. Đó là những thêm thắt cho phù hợp với xu thế thời đại của từng nơi.

Tết Độc lập năm 2021 này đặc biệt hơn vì dịch Covid -19 bùng phát, kéo dài; nhiều địa phương trong toàn tỉnh, trong đó có các huyện vùng cao đang thực hiện Chỉ thị 15,16 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, việc tổ chức hội hè như nhiều năm trước buộc phải dừng lại. Và ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) cũng thế. Làng bản cũng trang hoàng cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, nhưng vẫn thiếu không khí thực sự của ngày hội lớn. Nhịp sống nơi đây vẫn bình lặng và chậm rãi như thường nhật. Trong buổi sáng trước ngày Tết Độc lập, những phụ nữ vẫn mang gùi ra bãi sông hái dâu. Những cụ ông chống gậy chậm rãi tản bộ trong làng.

Cụ bà người Thái ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Hải Vương
Cụ bà người Thái ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Hải Vương

Đã bước qua tuổi 85, chân tay đều đã yếu, nhưng ông Sầm Văn Kiêm vẫn rất minh mẫn khi nhớ được những bài dân ca, chuyện lập bản, lập mường... Ông thường đi đến nhà hàng xóm uống nước chè vào mỗi sáng. Nhờ đó mà nhiều người có thể nghe được nhiều sự tích lập mường và cả những câu chuyện về Cách mạng Tháng Tám cũng như Tết Độc lập. Ông Kiêm được xem là “cái kho” chuyện kể ở bản Hoa Tiến. Tôi tìm đến ông trong ngày Tết Độc lập. Ông bảo: “Ta cứ giữ khoảng cách mà chuyện trò nhé”.

Ông Sầm Kiên. Ảnh: Hữu Vi
Ông Sầm Kiêm kể chuyện lập mường và Cách mạng Tháng Tám trên vùng đất Quỳ Châu. Ảnh: Hữu Vi

Tôi hỏi ông về chuyện lập mường và những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám diễn ra nơi đây. Ông bắt đầu bằng mấy câu thơ dân gian kể về bản mường được truyền tụng từ lâu nói rằng, xã Châu Tiến và Châu Bính (Quỳ Châu) xưa thuộc mường Chiêng Ngam. Dòng họ Lo Căm về sau gọi là họ Sầm. Dòng họ nghe đâu có 17 đời làm quan tri phủ Quỳ Châu. Riêng họ Sầm ở Hoa Tiến thì có 3 người làm tri phủ. Ông Sầm Viên là tri phủ cuối cùng. Theo sự tích dân gian ông Sầm Kiêm kể lại thì họ Lo đến từ mường Ca Da ở miền Tây tỉnh Thanh Hóa. Sau đó họ di cư đến huyện Quế Phong. Đây là điểm dừng chân đầu tiên ở Nghệ An. Qua hàng trăm năm, dòng họ này đã di cư khắp phủ Quỳ Châu. Một bộ phận về mường Chiêng Ngam, số ít khác đến Mường Choọng, nay thuộc huyện Quỳ Hợp. Và hiện nay dòng họ Sầm (Lo Căm) đã tỏa đi nhiều nơi. Có những người sống mãi tận nước Pháp, Mỹ…

Mùa gặt ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Hải Vương

“Chiêng Ngam” có nghĩa là vùng đất tươi đẹp, yên bình. Nơi đất lành chim đậu là mơ ước ngàn đời của con người. Từ thời kháng chiến chống Pháp là những năm tháng ấu thơ của ông Sầm Kiêm, đất này người ta đã có nghề trồng dâu, nuôi tằm. Trong mường, trừ một số gia đình người miền xuôi lên làm ăn ở nhà vách đất và nhà xây theo kiến trúc người Pháp của quan phủ thì mọi người dân bản địa đều ở nhà sàn.

Di ảnh của tri phủ
Di ảnh ông Sầm Văn Viên - tri phủ cuối cùng của phủ Quỳ Châu và vợ. Ảnh: Hữu Vi

Cứ vào mùa Thu, khi lúa đã gặt về nhà cho đến hết năm là mùa hội hè. Quan phủ khi rỗi việc công cũng đến vui cùng dân bản. Khi về bản, quan cũng giữ lễ nghĩa. Trong quan hệ họ hàng, nhiều khi quan cũng là bậc em, con cháu của nhiều người trong bản. Gặp người bậc trên, quan cũng phải cúi chào.

Thế rồi Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Ông Kiêm nhớ lại ngày ấy mình mới gần 10 tuổi. Lúc đó, việc cướp chính quyền ở quê ông diễn ra tại phủ lỵ, nay là thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu). Ông vẫn nhớ hồi đó người ta về cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc nhà quan phủ trong bản. Vậy là từ nay cách mạng đã thắng lợi. Người dân đã làm chủ. Không có quan phủ nữa, chỉ còn chính quyền cách mạng.

Những ngôi nhà sàn bản Thái cổ ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An). Ảnh: Đức Anh
Những ngôi nhà sàn ở bản Thái cổ Mường Đán, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An). Ảnh: Đức Anh

Cũng từ đó, ngày Tết Độc lập ra đời. Hàng năm, ngoài lễ “Cắm Phạ” vào tháng 8 âm lịch, lễ “Pủ Xừa” vào tháng 9 thì người dân còn mổ gà ăn mừng ngày Quốc khánh. Đó cũng là một ngày hội lớn để nhớ về ngày đất nước có chính quyền, chính phủ. Vào sáng ngày Quốc khánh, dù không thể quây quần cùng bản làng mở hội, nhưng ông Sầm Kiêm cũng đã cho con cháu mổ gà cúng tổ tiên. Ngày Tết Độc lập, chẳng thể thiếu một nghi lễ tâm linh để nhớ về nguồn cội.

Mới nhất

x
Tết Độc lập nghe chuyện lập mường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO