Tết là gì?

Thật khó để định nghĩa thế nào là Tết hay cái gì làm nên Tết. Bất chấp việc Tết là một trong số những nét văn hoá cổ truyền có lẽ sẽ không bao giờ mai một, Tết trong cảm nhận của mỗi người chẳng hề giống nhau.

Với trẻ nhỏ, Tết tức là được nghỉ học (nhưng vẫn phải làm bài tập Tết), là nổ pháo (mặc dù bị cấm nhưng sự thật là chẳng năm nào xóm tôi được yên tĩnh với lũ tiểu yêu và khổ sở nhất có lẽ là mấy con chó), là tiền lì xì (đây mới là cái tụi nó mong chờ nhất)… Có lẽ không có đứa trẻ nào lại không thích Tết, khác chăng là đứa nào thích nhiều hơn đứa nào mà thôi.

Lớn thêm chút nữa, Tết vẫn vui nhưng cũng bớt đi phần nào rồi. Vì sẽ có những người hỏi “Thi được mấy điểm?”, “Trong lớp thứ hạng xếp thứ bao nhiêu?”, “Năm nay liệu có được học sinh giỏi không?”… hay lớn hơn nữa thì “Thế định thi vào trường gì?”, rồi thì “Con nhà ông A, bà B, cô C giỏi lắm” vân vân và mây mây…

Lớn hơn nữa, Tết đến đã bắt đầu biết mừng mừng, tủi tủi. Có khi vội vàng mua vé tàu về Tết từ trước cả hơn tháng trời. Có khi sát Tết mới nhảy chuyến xe chật ních người để về nhà. Về với những bữa cơm có thịt, có rau sau những ngày làm bạn với mỳ tôm. Về để nghe mẹ cằn nhằn “Ăn uống kiểu gì mà gầy thế này?” và gắp cho cơ man nào bánh chưng, nào thịt đông, nào chân giò hầm măng, trong khi tất cả những gì bản thân tâm niệm là “Tết này không được béo!”. Nhưng cũng có những bạn du học sinh Tết đang miệt mài trên giảng đường, hoặc đang đi rửa bát thuê trong một nhà hàng. Tết là mấy cặp bánh chưng, bò khô nhà gửi sang, tụ tập với nhau nấu một bữa ăn cũng gọi là ấm cúng. Rồi khi đồng hồ điểm 12 giờ ở Việt Nam, mỗi đứa tìm một góc gọi điện cho người nhà, có khi chỉ im lặng khóc thôi chứ chẳng nói thành lời.

Tết với những người đã đi làm thì càng muôn hình, muôn vẻ. Có người Tết chạy vạy vay tiền để về nhà tay xách, nách mang quà cáp, tiền biếu gia đình. Có người tiền tiêu không phải nghĩ, nhưng Tết sát sạt mới thoát khỏi công việc để về nhà. Có người lại đón Tết trong những ca trực ở các chốt giao thông, bệnh viện, nhà máy… Có người đón Tết trên chiếc xe cứu thương sau khi chúc tụng hăng say tại các cuộc tất niên, họp lớp đầu Xuân.

Tết với những người đã lập gia đình chẳng khác gì cuộc chạy marathon từ bên nội sang bên ngoại. Ở gần nhau còn đỡ, chứ thử hai nhà ở hai đầu Tổ quốc thì tránh sao khỏi vắng lạnh một bề.

Tết với những người già có lẽ cũng giống như một canh bạc. Con cháu về đông đủ thì vui, mà vắng vẻ đứa nào thì quạnh hiu chừng đó. Vì chẳng biết còn lại bao nhiêu cái Tết đoàn viên nữa trước khi chính họ là người vắng mặt đây?

Sao cũng cùng một cái Tết mà muôn hình muôn vẻ, kẻ buồn, người vui? Sao vẫn là ta thôi, mà lúc bé từng trông mong háo hức mỗi khi Tết về, lớn rồi chỉ thấy lo toan bộn bề?

Có lẽ nếu định nghĩa Tết chỉ trong một từ, tôi sẽ nói đó là Trách Nhiệm. Trách nhiệm của trẻ con là vui vẻ, bởi vì niềm vui của chúng là điểm tựa tinh thần cho người lớn, rằng những gì họ đang làm, đang hy sinh, đang đánh đổi là hoàn toàn xứng đáng. Khi chúng ta lớn lên, trách nhiệm cũng theo đó mà lớn lên. Bắt đầu từ việc tự lo cho bản thân, rồi sau đó là chăm lo cho những người thân yêu của ta như cái cách họ từng chăm lo cho ta khi bé. Cái gánh trách nhiệm ấy đôi khi (hoặc cũng khá thường xuyên) khiến ta mệt mỏi mà quên đi rằng Tết đã từng vui biết bao. Người lớn thường nói với nhau “Đang yên đang lành tự dưng Tết” như thể nói về một loại thiên tai không ai trông đợi cũng chẳng được hoan nghênh. Tết là một cái gì đó tách biệt hoàn toàn khỏi thời gian thường nhật. Bình thường tôi thế này, nhưng Tết nên tôi phải thế này. Có lẽ không ai nhận ra, nhưng đó chính là cơ hội để chúng ta thoát khỏi cái vòng lặp mà chúng ta đang mắc kẹt suốt 365 ngày qua. Tết đến rồi, chuyện cũ ta bỏ qua. Tết đến rồi, thôi đừng tranh cãi làm gì. Tết đến rồi, thôi ta hãy sống đẹp lên với đời, với người và với chính ta.

Và có lẽ đó chính là phép màu đêm giao thừa – khi bước qua khoảnh khắc đó, chúng ta bất giác gác lại con người cũ với những niềm vui, nỗi buồn cũ, gột rửa những cáu ghét ngày hôm qua để thấy con người mình, cuộc đời mình sạch sẽ hơn, thơm tho hơn. Hướng đến những gì tốt đẹp hơn chẳng phải là trách nhiệm của chúng ta để sống một đời không nuối tiếc đó sao?

Kỹ thuật: Chôm Chôm