Tết mưu sinh của người Nghệ ở Thái Lan

Hùng Trần 13/02/2018 09:43

(Baonghean.vn) - Không khí của mùa Xuân, của Tết cổ truyền đang rộn ràng trên khắp đất nước, nhưng với những người con đang xa quê hương lao động tại Thái Lan, trong đó có những lao động người Nghệ thì Tết chỉ là lúc nhớ nhiều hơn về gia đình và quê hương.

Anh Trần Văn Nam, quê xã Nghi Thiết, Nghi Lộc buôn bán nhỏ ở Pathum Thani, Thái Lan đã 4 năm nay. Trước đây, ở quê, công việc của anh gắn với nghề đi biển nhưng do không có điều kiện đóng “thuyền to, máy lớn” nên chỉ khai thác ven bờ.

Cuộc sống khó khăn, anh tìm đường sang Thái Lan mưu sinh. Hàng ngày, trên các tuyến phố của Pathum Thani, nhiều người quen với hình ảnh một người đàn ông da ngăm đen, bán các đồ nướng vỉa hè.

Anh
Anh Trần Văn Nam, quê xã Nghi Thiết, Nghi Lộc buôn bán đồ nướng ở Pathum Thani, ngoại ô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Hùng Trần

Công việc vất vả nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao nên ở xứ người, anh phải chi tiêu dè sẻn để còn gom góp tiền gửi về quê cho gia đình. Ở quê, anh còn bố mẹ già và con học lớp 2. “Vợ tui ở quê buôn bán nhỏ và chăm sóc bố mẹ, con cái nên kinh tế cũng eo hẹp” - anh Nam chia sẻ. “Mình phải cố gắng thôi. Kinh tế cả nhà chủ yếu trông vào gánh hàng rong này”.

Tết đến, Xuân về, cũng như bao người Việt xa quê khác, lòng anh cũng chộn rộn muốn về quê với gia đình. Nhưng rồi ngẫm lại, vì đường sá xa xôi, chi phí tốn kém, dịp này cũng là thời điểm thuận lợi để buôn bán nên lại một cái Tết nữa người đàn ông quê biển Nghi Thiết đành gác lại nỗi nhớ thương để tiếp tục với vòng quay mưu sinh trên xứ người.

“Tết là thời điểm nhớ nhà, nhớ quê nhất, nhưng 4 năm rồi tôi chưa được đón Tết cùng gia đình. Năm nào cũng vậy, chiều 30 Tết thì gọi về nhà hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, động viên vợ con” - anh Nam nói.

Gác lại nỗi nhớ gia đình, quê hương để mưu sinh trong những ngày Tết cũng là câu chuyện của anh Lê Hữu Thành, quê ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh Thành đành sang Bangkok làm thuê trong một cửa hàng. Ở quê, vợ anh tần tảo phụng dưỡng bố chồng và chăm sóc hai con.

“Quanh năm vất vả, Tết đến cũng muốn về thăm nhà nhưng dịp này công việc nhiều, chủ không cho nghỉ phép” - anh Thành nói. “Bố tôi đau ốm suốt, hai con cũng đang tuổi ăn tuổi học nên phải cố gắng làm việc để lo cho gia đình. Mình về là mất việc ngay, cuộc sống gia đình sẽ lại khó khăn hơn”.

Anh
Anh Lương Văn Hoàng, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh làm giữ xe ở Bangkok. Ảnh: Hùng Trần

Niềm vui duy nhất trong những ngày Tết đối với anh Thành cũng như nhiều đồng hương người Việt ở Thái Lan là những cuộc điện thoại động viên, thăm hỏi gia đình. Bao lo toan cuộc sống tạm gác lại cho những nhớ thương đong đầy. Những người Việt xa quê cũng tổ chức bữa cơm nhỏ chung vui để có chút ít hương vị Tết cổ truyền.

Chị Nguyễn Thị Tâm, quê Thạch Hà, Hà Tĩnh đang làm giúp việc gia đình ở tỉnh Nakhon Pathom, Thái Lan, năm nay cũng là cái Tết thứ 3 phải xa gia đình. Ở quê làm nông nghiệp, gia cảnh khó khăn nên khi có người giới thiệu, chị đành nén tình cảm, gửi con cho bố mẹ để sang Thái Lan làm việc mong có cuộc sống tốt hơn cho cả gia đình.

Hàng năm, cứ đến Giao thừa, chị chỉ biết gọi điện thoại về chúc Tết và hỏi thăm sức khỏe của con, bố mẹ và họ hàng rồi lại tiếp tục công việc. “Rất nhớ không khí Tết” - chị chia sẻ. “Tui chỉ mong tích cóp được ít vốn để sớm có điều kiện để về quê bên con và bố mẹ”.

Người Việt có mặt ở Thái Lan từ rất sớm qua các con đường như buôn bán, chạy loạn chiến tranh, đi làm cách mạng... Hiện nay, có khoảng hơn 10 vạn người Việt Nam sinh sống ở khắp các tỉnh thành của Thái Lan. Những người này đang là thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4, đã được Chính phủ Thái cấp giấy tờ, thủ tục hợp pháp. Cộng đồng người Việt ở Thái Lan có rất nhiều đóng góp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình xây dựng quê hương đất nước hiện nay.

Tại các tỉnh có người Việt sinh sống, bà con đều thành lập Hội hữu nghị Thái - Việt, trực thuộc Hội hữu nghị toàn Thái. Việt Nam cũng thành lập Đại sứ quán ở Thủ đô Bangkok và Lãnh sự quán ở tỉnh Khonken. Vào các dịp Tết, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và Hội hữu nghị Thái - Việt đều tổ chức cho bà con vui Tết, đón Xuân theo phong tục cổ truyền của người Việt.

Không riêng gì anh Nam, anh Thành, chị Tâm mà hiện nay, hàng ngàn lao động người Nghệ An, Hà Tĩnh ở Thái Lan cũng đang phải tất bật mưu sinh dù Tết ở quê nhà đã đến. Những người lao động Nghệ An, Hà Tĩnh hiện có mặt ở rất nhiều tỉnh thành ở Thái Lan, đông nhất là vùng thủ đô Bangkok và các tỉnh Đông Bắc. Đây là những khu vực có hàng vạn người Thái gốc Việt sống ổn định từ trước. Những người Thái gốc Việt này đã được cấp giấy tờ, quốc tịch Thái Lan nhưng vẫn có mối liên hệ mật thiết với quê nhà Việt Nam. Những người lao động Nghệ An, Hà Tĩnh sang Thái Lan được cộng đồng người Việt ở đây giúp đỡ, tạo điều kiện làm việc ở các xưởng may, xưởng giò chả, quán ăn do người Việt làm chủ.

Sau khi đã quen biết tiếng, thông thuộc địa bàn, nhiều người Việt mạnh dạn ra chợ buôn bán, mưu sinh. Dù có thêm thu nhập hơn so với làm việc đồng áng ở quê nhà nhưng lao động người Việt ở Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn vì định kỳ phải đến cửa khẩu làm thủ tục xuất - nhập cảnh.

Ngày Tết đang cận kề nhưng người Việt ở Thái Lan vẫn bận rộn, tất tả với guồng quay mưu sinh, chỉ với một ước mong duy nhất là cuộc sống của gia đình bớt khó khăn, ngày một khấm khá hơn. Có lẽ cũng vì vậy mà nhiều lao động Việt ở Thái Lan đã dặn lòng, nén lại những nhớ nhung gia đình, quê hương cho công việc.

Mới nhất

x
Tết mưu sinh của người Nghệ ở Thái Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO