Tết Nguyên đán không trọn vẹn ở Hồng Kông
(Baonghean.vn) - Một trong hai đặc khu hành chính của Trung Quốc là Hồng Kông đang dấy lên tình trạng xung đột dâng cao và nhà chức trách đã xác nhận thực sự là một vụ bạo động. Đây có thể xem đây là cú trượt dài của những mâu thuẫn sâu sắc có từ năm 2014.
Những ngày Tết Bính Thân 2016 dường như đã không đến với người dân Hồng Kông ở một số khu vực sầm uất nhất. Thậm chí nhiều người trong số đó phải trải qua những ngày khủng khiếp ngay từ ngày cuối cùng của năm Ất Mùi.
Nhà lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh cảnh báo về khả năng biểu tình tái diễn. |
Vào giờ khắc mà các gia đình các nước châu Á đón Tết nguyên đán cổ truyền (trong đó có Trung Quốc) đang sum họp, đoàn viên, thì ở Hồng Kông lại nổ ra bạo lực lớn. Giờ “khai hỏa” diễn ra từ khoảng 22 giờ ngày 8/2 (ngày 29 tháng Chạp, ngày cuối cùng của năm Ất Mùi 2015).
Chỉ vì phản ứng với việc cảnh sát nép dọn các quầy hàng bán rong bất hợp pháp để các khu phố được phong quang trong những ngày Tết Bính Thân, một bộ phận người dân đã cản trở bằng cách ném các vật cứng vào lực lượng làm nhiệm vụ. Cảnh sát Hồng Kông dùng dùi cui và hơi cay để khống chế và hình thành nên xung đột.
Đám đông chống trả cảnh sát càng lúc càng hung bạo với các hành động đốt lửa, hò hét, lôi kéo càng lúc càng nhiều đối tượng tham gia và bùng phát thành biểu tình bạo loạn đối đầu với Chính quyền đặc khu.
Cho đến sáng ngày 9/2 (ngày mùng Một Tết Bính Thân), một số khu vực đô hội ở Hồng Kông đã bị phong tỏa. Được biết, nơi xảy ra vụ bạo loạn kéo dài suốt đêm giao thừa cũng chính là nơi từng diễn ra những vụ bạo động đòi bầu cử dân chủ toàn diện vào năm 2014.
Để đảm bảo an ninh, lực lượng chính quyền đặc khu đã lên án mạnh mẽ và phản ứng mạnh bằng lực lượng đặc biệt. Trong đó, cảnh sát đã phải sử dụng súng và các phương tiện trấn áp đặc biệt dẫn đến 48 người bị thương. Cảnh sát cũng đã tiến hành bắt giữ 24 người trong vụ bạo động.
Sự việc diễn ra bất thường trong ngày Tết cổ truyền của Trung Quốc, ngày thiêng liêng bậc nhất trong đời sống tâm linh của người dân khu vực đón Tết nguyên đán, cho thấy những mâu thuẫn trong xã hội Hồng Kông còn rất nặng nề và sẵn sàng bùng phát thành hành động bạo động, bạo loạn bất cứ lúc nào.
Cuộc bạo loạn trong năm 2016 gợi nhớ lại những điều khủng khiếp đã diễn ra với Hồng Kông trong năm 2014 khi mà chính quyền Trung Quốc cam kết cuộc bầu cử lãnh đạo Hồng Kông vào năm 2017 có thể tự bầu lãnh đạo nhưng các ứng viên cần được một ủy ban thông qua.
Việc Bắc Kinh đòi hỏi “các ứng viên cần được một ủy ban thông qua” được cho là đã làm mất đi quyền tự do bầu cử toàn diện và làm nảy sinh cuộc xuống đường biểu tình lịch sử trải dài trong hai tháng, làm tê liệt nhiều hoạt động của đặc khu.
Việc nhà cầm quyền Trung Quốc đưa ra cam kết các ủy viên ứng cử lãnh đạo Hồng Kông phải được thông qua một ủy ban làm dấy lên lo ngại sâu sắc rằng đây chính là “bàn chân đầu tiên của con cáo thò vào chuồng gà”, là một trong những bước đi để tiến tới “tước đoạt tự do” ở vùng đặc khu có khoảng 260 hòn đảo này.
Sự việc này cũng làm nhớ lại vào giữa đêm 1/7/1997, khi Hồng Kông chính thức được bàn giao về với Trung Quốc, không còn là khu vực thuộc Anh, có khoảng 10% người dân Hồng Kông đã di dân sang nước khác vì lo sợ sẽ phải sống dưới quyền cai trị của Trung Quốc.
Rõ ràng, tâm lý lo ngại “bị cai trị” đã trở thành một “ám thị” lớn đến mỗi người dân Hồng Kông. Vì thế bất cứ động thái chính trị nào từ phía nhà nước Trung Quốc đối với đặc khu Hồng Kông cũng được quan tâm hết sức và không dễ để thực hiện nếu có màu sắc tăng cường sự kiểm soát, áp đặt.
Vì những lẽ đó, mâu thuẫn trong xã hội Hồng Kông vẫn có nguy cơ kéo dài và nguy cơ xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả những ngày Tết cổ truyền thiêng liêng!
Chí Linh Sơn
TIN LIÊN QUAN