Tết Việt - truyền thống và hiện đại
Nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với nhà văn, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng về hương vị Tết trong thơ văn và những đổi thay trong đời sống ngày Tết.
Minh Quân (Thực hiện) • 25/01/2025
P.V: Thưa nhà văn Bùi Việt Thắng, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp đến gần, với tư cách là một nhà nghiên cứu văn học, ông có thể cho độc giả biết về hương Xuân, vị Tết trong những áng thơ văn?
Nhà văn Bùi Việt Thắng: Trong văn chương, mùa Xuân và Tết luôn là nguồn cảm hứng dồi dào, không chỉ đối với người sáng tác mà cả người thưởng thức. Không phải ngẫu nhiên mà nữ thi sĩ Anh Thơ (1918-2005), trong tập “Bức tranh quê” (1941), đã viết liền 8 bài thơ ca ngợi vẻ đẹp mùa Xuân và Tết: “Chiều xuân”, “Ngày xuân”, “Đêm xuân”, “Đêm trăng xuân”, “Chợ ngày xuân”, “Chiều ba mươi Tết”, “Đêm ba mươi Tết”, “Ngày Tết”. Những vần thơ Tết của bà thật giản dị, đậm đà hương sắc làng quê: “Ngoài đường ngõ bùn lầy theo nước chảy/Thằng cu con quần đỏ cưỡi lưng bà/Các cô gái đội vàng hương ôm váy/Miệng tươi cười mừng tuổi những người qua” (Ngày Tết).
Tuy nhiên, có lẽ để lại nhiều ấn tượng nhất đối với độc giả ngày nay là thi sĩ Đoàn Văn Cừ (1913 - 2004) với những bài thơ đặc sắc về mùa Xuân và Tết trong tập thơ nổi tiếng “Thôn ca” (1944). Trong tập thơ đậm chất “chân quê” này, ông đã sáng tác liền 10 bài thơ về mùa Xuân và Tết: “Nắng xuân”, “Mùa xuân”, “Năm mới”, “Tết”, “Chơi xuân”, “Chợ làng vào xuân”, “Chợ Tết”, “Tết quê bà”, “Đám cưới mùa xuân”, “Đám hội”. Hình ảnh Tết cổ truyền hiện lên trong thơ Đoàn Văn Cừ thật gần gũi, thân quen với mọi người Việt Nam: "Cây nêu trồng ngoài ngõ/Soi bóng dưới lòng ao/Chùm khánh sành gặp gió/Kêu lính kính trên cao”. Dường như mỗi chúng ta, dù còn nhỏ hay đã lớn, nếu từng về quê ăn Tết, hẳn đều cảm nhận được niềm vui trọn vẹn: “Gạo nếp ngày Xuân gói bánh chưng/Cá đêm cuối Chạp nướng than hồng/Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn/Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông” (Tết quê bà).
Đặc biệt, bài thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ được nhiều thế hệ truyền tụng và yêu thích bởi chất sống và niềm vui dào dạt như men say. Có thể nói, đây là một bức tranh Tết vẽ bằng thơ: “Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết/Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton/Vài cụ già chống gậy bước lom khom/Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ/Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu”. Đó là một khung cảnh yên bình, điền viên, toát lên không khí “thôn ca” giản dị của những người nông dân chất phác, hiền lành. “Cận cảnh” phiên chợ Tết hiện lên sinh động: “Người mua bán ra vào đầy cổng chợ/Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ/Để lắng nghe người khách nói bô bô/Anh hàng tranh kĩu kịt gánh đôi bồ/Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán/Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ Xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ/Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”.
Tết không chỉ đi vào những trang thơ mà còn trong những trang văn. Tôi đặc biệt ấn tượng với truyện ngắn “Chợ Tết” của nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989) - một người con của quê hương Nghệ An. Đây là câu chuyện về chợ Tết ở một vùng quê ven biển, trên mảnh đất còn xác xơ vì bom đạn: “Trên nền đất lồi lõm, mấp mô mới dựng lên chơ vơ hai chiếc lều bằng nứa lợp phên tranh. Mới thấy dọn trong một ngôi lều cái sạp sách của cửa hàng quốc doanh, mặt hàng chủ yếu được bày là những bức tranh cá chép, tranh mâm ngũ quả, cùng mấy bộ liễn. Tận góc khuất một ngôi lều khác là một lão thầy bói mặc chiếc áo Tôn Trung Sơn màu xám như một cán bộ thuế vụ”. Vượt lên trên sự thiếu thốn, nhà văn đã khắc họa một dòng chảy tràn đầy nhựa sống của nhân dân: “Định thích thú ngắm nghía những con lợn đất sơn đỏ, những chiếc kèn cũng bằng đất vắt hình con gà trống, những nhành hoa thờ ơ với những bông hoa bằng giấy kim tuyến lỗ chỗ vết kim châm. Chen lấn giữa đám con nít bâu quanh một cái bàn, Định đứng xem một anh chàng đội mũ phớt tàng, mặt rỗ hoa đang vắt con giống… Một cái gì bao quanh Định, một không khí luôn luôn bao bọc Định, đấy là sự quen thuộc, một nếp sống quen thuộc đã có từ lâu đời và chả có gì bị phá vỡ đang phô diễn trong phiên chợ Tết ban đầu khiến Định say mê và cảm động”.
P.V: Ngoài những trang thơ, trang văn, ông còn quan tâm đến khía cạnh nào của Tết Việt truyền thống?
Nhà văn Bùi Việt Thắng: Tôi cũng rất hứng thú với sắc màu văn hóa ẩm thực của Tết Việt truyền thống. Ngày Tết, nói chuyện ẩm thực không chỉ để thưởng thức món ngon mà còn nhằm gợi lên cái thú tao nhã trong việc tận hưởng vật chất. Theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Tuân, cái hay của văn hóa ẩm thực không chỉ nằm ở món ăn mà còn ở việc nó được thực hành trong không gian nào, cùng với ai và với tâm thế ra sao để xứng với phong thái của “tao nhân mặc khách”.
Từ xưa, câu đối: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” phản ánh hương sắc Tết truyền thống hàng nghìn năm của người Việt. Trong văn hóa ẩm thực cổ truyền, “thực” (món ăn) thường phong phú hơn “ẩm” (đồ uống). Trên mâm cỗ Tết của người Việt, các món ăn thường thấy bao gồm: Bánh chưng (miền Bắc, miền Trung) hoặc bánh tét (miền Nam), giò chả, gà luộc, xôi, thịt lợn (luộc hoặc rán), thịt đông, nem rán, măng, miến, dưa hành, nộm,...
Phần “ẩm” trong dịp Tết xưa thường đơn giản, chủ yếu là rượu quê, với những đặc sản nổi tiếng như rượu men lá (Lạng Sơn), rượu ngô Mèo Vạc (Hà Giang), rượu Làng Vân (Bắc Giang), rượu Kim Sơn (Ninh Bình), rượu Bàu Đá (Bình Định), rượu Gò Đen (Long An), rượu Nghi Lộc (Nghệ An), rượu Can Lộc (Hà Tĩnh)... Đồ giải khát thường là nước chè mạn (chè khô), chè xanh, nước chanh, nước cam (giải rượu) hoặc nước dừa. Món tráng miệng bao gồm các loại kẹo bánh như chè lam, kẹo lạc, kẹo dồi (thường được gọi là “chị em sinh đôi”), hoặc các loại mứt truyền thống như sen, gừng, lạc, bí, dừa, hồng, quất, táo... Các loại mứt này đặc biệt hợp để dùng kèm nước chè.
Ẩm thực Tết truyền thống không chỉ gói gọn trong mâm cỗ mà còn được hỗ trợ bởi những yếu tố khác như câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo. Có thể nói, nếu ẩm thực là “nội cảnh”, thì “ngoại cảnh” chính là màu sắc, âm thanh và các vật đặc trưng góp phần tạo nên bức tranh Tết cổ truyền đa sắc đa thanh.
Trong thời bao cấp và chiến tranh, dù điều kiện kinh tế khó khăn, mâm cỗ Tết vẫn được giữ gìn cẩn thận, duy trì hương vị truyền thống, nhưng cũng thấp thoáng thêm vài sắc màu mới. Phần “ẩm” dần xuất hiện thêm một số loại rượu quốc doanh như rượu chanh, rượu cam, rượu cà phê... với màu sắc bắt mắt và hương vị đậm đà. Hai chai rượu màu trên bàn thờ thường khiến không gian trở nên trang trọng và mang “hơi thở thời đại”. Bên cạnh đó, các loại chè quốc doanh chất lượng cao như Ba Đình, Hồng Đào, Thanh Hương... cũng trở thành món uống phổ biến. Món tráng miệng được bổ sung thêm các loại bánh kẹo của những thương hiệu nổi tiếng như: Hải Hà, Hải Châu, Hà Nội,... tạo nên không khí Tết vừa gần gũi vừa hiện đại.
P.V: Trong quá trình phát triển, Tết Nguyên đán của người Việt đã có nhiều đổi thay so với trước. Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về điều này?
Nhà văn Bùi Việt Thắng: Trong thế giới phẳng, sự đổi thay là tất yếu. Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc từng nhận xét: “Tiếp xúc có nghĩa là thỏa hiệp từ cả hai phía. Do đó, sớm hay muộn, văn hóa Việt Nam cũng sẽ mang những sắc thái mới, có tính chất khu vực Đông Nam Á và thế giới”. Với Tết Việt hiện nay, nhiều yếu tố cổ truyền đã dần mai một, chẳng hạn như cây nêu (ở các đô thị lớn và một số địa phương), hoặc biến mất hẳn do quy định pháp luật, như pháo (gần đây đã cho phép bắn pháo hoa). Trong thời đại @ và 4.0, giới trẻ và tầng lớp trung niên dần chuyển hướng từ “ăn” sang “chơi”. Các gia đình trẻ hoặc có con cái đã trưởng thành thường tổ chức những hoạt động dã ngoại, picnic, hoặc đi du lịch trong và ngoài nước theo nhóm, nhờ các mối quan hệ họ hàng hoặc công việc.
Riêng trong văn hóa ẩm thực Tết của người Việt hiện nay, phần “ẩm” thay đổi rõ rệt hơn so với phần “thực”. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đề cập đến khái niệm “văn hóa rượu vang” và “văn hóa bia” khi bàn về ẩm thực Tết. Người châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam, vốn có truyền thống uống rượu gạo, nhưng ngày nay đang dần giảm bớt thói quen này, thay vào đó là các đồ uống có nguồn gốc từ phương Tây, như rượu vang và bia.
Trên bàn thờ gia đình, mâm cỗ truyền thống giờ đây ít thấy sự xuất hiện của những chai rượu quê “nút lá chuối”. Thay vào đó là những chai rượu vang nhẹ độ (như Ý, Pháp, Tây Ban Nha...) hoặc các dòng rượu mạnh cao độ như Cognac, Whisky. Thậm chí, một số gia đình còn bày cả lon bia hoặc nước giải khát như Coca-Cola, Pepsi, với tâm niệm: “Dương sao âm vậy”. Xu hướng chung của người hiện đại, đặc biệt là giới trẻ, là ưu tiên “ẩm” hơn “thực.” Trong thức uống, bia thường được ưa chuộng nhất, thậm chí trở thành trào lưu từ Nam ra Bắc. Người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ nhỏ thì yêu thích rượu vang hoặc các loại nước giải khát với hương vị quyến rũ.
Tết hiện đại cũng xuất hiện một mỹ tục mới: Phát động trồng cây, gây rừng, bởi như Bác Hồ từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì trồng người”. Mỗi người có thể bắt đầu bằng những việc tốt đẹp như lời dặn của Bác: “Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Việc trồng cây không chỉ là một chiến dịch ngắn hạn, một phong trào thi đua, mà còn là mỹ tục, biểu hiện của văn minh và văn hóa, xuất phát từ nguyên lý sâu sắc: “Con người là một phần của tự nhiên”.
P.V: Là người con của quê hương xứ Nghệ, sinh ra ở Hà Tĩnh, trải qua tuổi niên thiếu ở Nghệ An và luôn hướng về quê hương suốt những năm tháng công tác, ông cảm nhận thế nào về phong vị Tết xứ Nghệ?
Nhà văn Bùi Việt Thắng: Nói đến Tết xứ Nghệ, đặc biệt là Nghệ An, không thể không nhắc tới sắc màu và hương vị Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên đất Nghệ An, có 5 dân tộc thiểu số đông dân nhất gồm Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, và Ơ Đu. Trong bối cảnh thế giới mở và phẳng, văn hóa có xu hướng hội nhập nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng - chính sự khác biệt tạo nên tính hòa đồng.
Để cảm nhận trọn vẹn tính đa dạng và phong phú của Tết cổ truyền hòa quyện với Tết hiện đại nơi xứ Nghệ, bạn không nên chỉ dừng chân ngắm và thưởng thức hương sắc Tết ở các thành phố, thị xã, thị trấn hay những khu công nghiệp lớn. Hãy “cắm bản” lên miền sơn cước và biên viễn của tỉnh - nơi có diện tích lớn nhất cả nước (sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Ở đó, bạn sẽ bắt gặp tiếng khèn và những điệu dân vũ của người Mông, người Thái; những vườn đào, mận nở rộ trong các thung lũng; những ché rượu cần nguyên sơ, thơm nồng; những món ngon như thịt lợn sạch, gà đồi, rau rừng tươi ngon và tất cả hương vị tinh khiết của thiên nhiên núi rừng sông suối. Miền Tây Nghệ An còn nổi tiếng với sắc màu thổ cẩm rực rỡ, là điểm đến đầy cuốn hút vào dịp cuối năm.
Năm hết Tết đến, nếu có điều kiện, bạn hãy lên miền Tây Nghệ An để mua những trái cam ngọt lành, tươi rói bày trên mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên. Nếu có phương tiện, đừng quên mang về vài cành đào rừng hoành tráng để tô điểm cho không gian Tết cổ truyền giữa phố thị náo nhiệt.
Nếu bạn sống ở thành phố Vinh, ba ngày Tết thường được dành để đi chùa (vãng cảnh chùa), vừa gọi là chơi Tết, vừa mang ý nghĩa như một hành động tâm linh tốt lành. Hồi nhỏ, tôi thường theo người lớn đi các ngôi chùa nổi tiếng ở thị xã Vinh (lên thành phố vào năm 1963), như chùa Diệc, chùa Sư Nữ, chùa Tập Phúc… Thời đó, phong trào lễ đền Ông Hoàng Mười chưa sôi nổi như bây giờ, cả ở Nghệ An lẫn Hà Tĩnh.
Ngày nay, khi đường sá thông thoáng, hiện đại, phương tiện giao thông thuận tiện, lòng người cũng trở nên rộng mở hơn với đất trời và thần linh, bạn có thể dẫn bước đến chùa Hương Tích (Can Lộc, Hà Tĩnh) hoặc đến các đền nổi tiếng như đền Cờn, đền Cuông ở phía Bắc Nghệ An, cùng nhiều đền, chùa khác để cảm nhận không khí Tết truyền thống lan tỏa khắp đất trời xứ Nghệ.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
* * * * *