Tết xưa và nay
(Baonghean) - Với người Việt, Tết Nguyên Đán là Tết truyền thống lớn nhất từ hàng ngàn đời nay. Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, ít nhiều phong tục và quan niệm về Tết đã có thay đổi, nhưng đối với mỗi người Việt, Tết vẫn mang đậm nét tâm linh, ấm áp tình cảm gia đình sum họp.
Xưa, Tết là những ngày của các lễ hội rất vui nhộn, tưng bừng được đón chờ nhiều nhất và diễn ra dài ngày nhất. Người ta quan niệm Tết là “ăn Tết”. Những gì ngon nhất, tốt nhất, đẹp nhất đều dành cho những ngày Tết. Dù nghèo đến đâu thì “ngày 30 tết thịt treo trong nhà” và tất nhiên không thể quên được một mâm cỗ cúng giao thừa, lễ gia tiên, rước ông bà cùng về ăn Tết với con cháu.
Ngày nay, Tết đã có nhiều thay đổi: Người ta không nói đến “ăn Tết” nữa mà thay vào đó là cụm từ “nghỉ Tết”. Cuộc sống đã trở nên no đủ nên không còn trong tâm niệm đến Tết để được ăn những món ngon, mặc đồ đẹp nữa. Cuộc sống hàng ngày, đã có những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, có đầy đủ thịt, cá, rau dưa ăn quanh năm. Nhịp sống hiện đại cuốn người ta vào công việc nên giờ đây người ta mong đến Tết chỉ để được nghỉ ngơi, thăm thú hay đi du lịch, thưởng ngoạn phong cảnh đẹp đó đây... Tuy nhiên, những nét đẹp truyền thống thuộc về đời sống tình cảm, tâm niệm của người Việt Nam ngày xưa hay ngày nay mỗi khi Tết đến vẫn không hề thay đổi.
Không khí đón Tết được bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, đó là ngày Tết ông Công, ông Táo. Ngày này, các gia đình dành thời gian đi chợ mua sắm mũ, áo giấy và cá chép để ông Công, ông Táo vượt qua Vũ Môn lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Và cũng bắt đầu từ 23 tháng Chạp mọi nhà rục rịch sắm Tết, quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ và chuẩn bị mọi thứ để đón Tết. Tết nay, những nỗi lo toan đã được giảm đi rất nhiều. Có lẽ, nỗi lo lớn nhất chỉ có mỗi chuyện kiếm tiền tiêu Tết. Chẳng còn mấy cảnh chắt chiu nuôi lợn, nuôi gà, cũng chẳng kỳ cạch gói bánh, giã giò. Nếu không muốn chen chúc ở chợ hay xếp hàng dài ở quày tính tiền trong siêu thị để hưởng “không khí Tết” thì chỉ cần nhấc điện thoại là có ngay một cái tết tươm tất tại nhà. Cả những cô dâu mới cũng chẳng lo chuyện mẹ chồng thử tay nghề làm gà hay đồ xôi cúng giao thừa bởi mọi thứ đều có thể đặt sẵn. Mẹ và con gái cũng chẳng còn thời gian canh me chảo mứt, chỉ cần lượn một vòng ở siêu thị thì đủ hết, từ bánh mứt truyền thống đến hạt dẻ Mỹ, bánh quy bơ Đan Mạch. Thời hội nhập, cái Tết cũng mang tính toàn cầu khi vang Pháp, Whisky Anh cùng xúc xích Đức, salat Nga, phồng tôm Thái Lan ăn kèm thịt bò Úc. Thịt mỡ đã tuyệt nhiên vắng bóng trong thời buổi béo phì và máu nhiễm mỡ là những chứng bệnh thời đại. Bánh chưng, giò, chả, dưa hành trở thành những thứ không sắm thì thiếu phong vị Tết, mà dọn ra thì chẳng mấy người đụng đũa. Do vậy mà trên bàn thờ cúng tổ tiên của gia đình nào cũng có đầy đủ bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả, hương, hoa. Sau khi cúng giao thừa xong, gia chủ khấn các vị thần cai quản trong nhà để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết. Cúng xong thì xem như Tết đã thực sự về với gia đình. Các phong tục hái lộc, xông nhà, đi chợ Tết, mừng thọ, những lời chúc năm mới, mừng tuổi đầu năm… là những phong tục đẹp vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
Tết xưa là dịp sum vầy, chỉ những người “vô phước” mới phải tha phương trong chiều tất niên hay sáng tân niên. Tết nay, tàu xe vẫn náo nhiệt những ngày trước và sau Tết, vẫn là nỗi kinh hoàng của những sinh viên học xa nhà và những người đi làm ăn xa cả năm chỉ trở về nhà vào ngày giáp Tết. Nhưng Tết nay còn chộn rộn những chuyến đi xa của những người dư giả muốn khám phá vùng đất mới, của những người cả năm đã quá mệt mỏi, trốn Tết để thư giãn tâm hồn và nhịp sống. Khái niệm “tha hương” không còn mang những nỗi ngậm ngùi mà có thêm những sắc thái trải nghiệm thú vị. Tết, cả xưa và nay, vui vẻ hay buồn tẻ, trong quan điểm của mỗi người mỗi khác, trong cách cảm nhận của già, trẻ cũng chẳng ai giống ai.
Trải qua thời gian, quan niệm Tết xưa và nay có thay đổi nhưng đối với mỗi người Việt Nam, ngày Tết đều mong ước tất cả đều là một sự khởi đầu mới, rũ bỏ những gì không hay không đẹp của năm qua. Bởi vậy, đầu năm mới người nào cũng vui vẻ, tràn đầy hy vọng về một tương lai hạnh phúc và thịnh vượng.
Thái Bình