Thách thức bủa vây Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro

Lâm Vy 10/02/2019 17:58

(Baonghean.vn) - Gần nửa tháng từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị Venezuela, hàng loạt sự kiện đang diễn biến nhanh chóng và dường như không theo chiều hướng thuận lợi cho đương kim Tổng thống Nicolas Maduro.

Từ sự ủng hộ tăng dần dành cho “tổng thống tự phong” Juan Guaido, sức ép từ lệnh trừng phạt siết chặt của Mỹ cho đến sự “quay lưng” của một số tướng lĩnh quân đội, Tổng thống Maduro đang bị bủa vây bởi những thách thức cho tương lai cầm quyền.

Trong thúc ngoài ép

Đó là tình trạng mà chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang phải đối phó trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Nam Mỹ này chưa tìm được lối thoát. Ở trong nước, kể từ khi lãnh đạo đối lập Juan Guaido hôm 23/1/2019 tự xưng là “tổng thống lâm thời”, các diễn biến bất lợi liên tục diễn ra thách thức trực tiếp quyền lực của Tổng thống Maduro và khiến cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm ở đây trở nên căng thẳng hơn.

Hiện cả chính quyền Tổng thống Maduro cũng như thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đều nỗ lực vận động quân đội và người dân đứng về phía mình trong cuộc cạnh tranh quyền lực khốc liệt.

Trong một động thái mới đây nhất, ông Guaido cho biết không loại trừ khả năng cho phép Mỹ can thiệp để buộc Tổng thống Maduro phải từ bỏ quyền lực và giảm nhẹ khủng hoảng nhân đạo. Đây được cho là một kịch bản xấu nhất khiến cuộc khủng hoảng hiện nay không thể giải quyết mà còn như “lửa đổ thêm dầu”.

Tổng thống Nicolas Maduro đã bác bỏ đề xuất bầu cử sớm. Ảnh Getty
Tổng thống Nicolas Maduro đã bác bỏ đề xuất bầu cử sớm. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, ông Maduro vẫn đang nhận được sự ủng hộ trung thành từ lực lượng vũ trang Venezuela. Các binh lính Venezuela tuyên bố sẵn sàng đẩy lùi bất cứ hoạt động gây hấn nào do nước ngoài dẫn đầu nhằm vào đất nước mình.

Thế nhưng rất khó để đảm bảo lòng trung thành của quân đội khi ngày càng có thêm nhiều người “đổi ý”. Mới nhất, một đại tá quân đội hiện là bác sĩ quân y đã từ bỏ lòng trung thành đối với Tổng thống Maduro, thay vào đó ông quay sang ủng hộ lãnh đạo phe đối lập, “Tổng thống tự phong” Juan Guaido. Một tuần trước đó, tướng Không quân Francisco Yanez cũng có hành động tương tự.

Theo một số nguồn quốc tế, quân đội Venezuela chỉ có 123.000 quân, gồm cả lính dự bị, trên tổng dân số 31 triệu nhưng có tới hai nghìn tướng lĩnh. Nhưng các vị tướng không chỉ nắm quyền trong quân đội mà còn đảm nhiệm các chức vụ trong chính quyền.

Hiện nay, trong 23 tỉnh của Venezuela thì có 11 tỉnh do thống đốc là tướng hoặc cựu tướng quân đội nắm. Trong 30 bộ có 11 bộ trưởng cũng là tướng. Chính vì thế, sự ủng hộ của các tướng lĩnh quân đội là vô cùng quan trọng để Tổng thống Maduro duy trì quyền lực. Nhưng rõ ràng, sự trung thành của họ có thể bị ảnh hưởng bởi những tác động từ bên ngoài.Trong một tuyên bố vừa đăng tải trên trang Tweeter cá nhân, cố vấn Nhà trắng John Bolton đã nói rằng, Mỹ đang cân nhắc dỡ bỏ trừng phạt đối với các quan chức quân đội cấp cao của Venezuela nếu họ công nhận Chính phủ của Tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido. Đây có thể xem là sức ép tổng thể từ phía Mỹ nhằm “chặt đứt” bất cứ sự ủng hộ nào đối với chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro.

Trước đó, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giáng đòn mạnh nhất từ trước đến nay nhằm vào chính quyền của ông Maduro bằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới với công ty dầu khí Venezuela PDVSA. Các lệnh trừng phạt sẽ ngăn PDVSA xuất khẩu dầu thô từ Venezuela sang Mỹ, từ đó làm sụt giảm nguồn thu của quốc gia Nam Mỹ. Mỹ cũng cho phép ông Guaido nắm quyền kiểm soát các tài sản của Venezuela tại các ngân hàng Mỹ, bao gồm Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York… Chính quyền của Tổng thống Maduro trong tình cảnh này chẳng khác nào bị các gọng kìm từ nhiều phía “siết chặt”.

Giải pháp bị bỏ ngỏ

Trước những diễn biến ngày càng căng thẳng tại Venezuela, trong tuần, các nhà lãnh đạo châu Âu và một số nước châu Mỹ La tinh đã nhóm họp tại thủ đô Montevideo của Uruguay để thảo luận về giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, theo đó hối thúc các nước tránh xa sự can dự trực tiếp vào quốc gia Nam Mỹ này.

Kết quả, các nước hầu hết nhất trí với “cơ chế Montevideo” - một kế hoạch gồm 4 bước nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Chính phủ Venezuela và các nhóm đối lập để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Đề xuất quan trọng nhất trong kế hoạch này là Venezuela cần tiến hành một cuộc bầu cử tổng thống mới. Tuy nhiên, Tổng thống Nicolas Maduro đã bác bỏ đề xuất này.

Trong bối cảnh các bên đều chưa tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Venezuela, Mỹ và Nga mới đây đã trình lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc 2 bản dự thảo nghị quyết hoàn toàn trái ngược nhau về tình hình Venezuela. Dự thảo nghị quyết của Mỹ nêu rõ sự ủng hộ hoàn toàn cho quốc hội nước này là cơ quan dân chủ duy nhất ở Venezuela, đồng thời kêu gọi bầu cử sớm ở Venezuela.

Trong khi đó, Dự thảo của Nga cũng kêu gọi một giải pháp “hòa bình” cho tình hình bế tắc ở Venezuela, “ủng hộ tất cả sáng kiến nhằm đạt được giải pháp chính trị giữa những người Venezuela đối với tình hình hiện tại thông qua một tiến trình đối thoại quốc gia chân thực và toàn diện”.

Dự thảo nghị quyết của Nga và Mỹ - hai thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cho thấy sự chia rẽ sâu sắc của cộng đồng quốc tế liên quan tới cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ này. Ở một góc độ nào đó, sự chia rẽ này sẽ phần nào cản trở những ý định của một thế lực muốn kiểm soát hoàn toàn tình hình.

Cuộc sống của người dân Venezuela ngày càng khó khăn. Ảnh Getty
Cuộc sống của người dân Venezuela ngày càng khó khăn. Ảnh Getty

Theo giới quan sát, mọi sức ép quốc tế đều sẽ phản tác dụng bởi Venezuela là một quốc gia có chủ quyền. Sẽ khó có một giải pháp hoàn hảo nào cho cuộc khủng hoảng ở đây nếu không có các cuộc đối thoại và hòa giải dân tộc theo khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của quốc gia này.

Tổng thống Maduro từng nói ông sẵn sàng gặp mặt đối thủ, song “tổng thống lâm thời” Guaido đã bác bỏ khả năng này và tuyên bố đây là “đối thoại giả tạo”. Một số nước ủng hộ kịch bản đàm phán tại Venezuela. Liên minh châu Âu xem chính quyền của Tổng thống Maduro là “bất hợp pháp”, song vẫn chưa công nhận ông Guaido là “tổng thống hợp pháp” của Venezuela.

Ngoài ra, Mexico và Uruguay cũng ủng hộ một giải pháp đàm phán tại Venezuela. Nói như chuyên gia Shifter, kết quả tốt nhất là “một cuộc đàm phán kéo dài giữa một phe đối lập thống nhất hơn và một chính phủ phòng vệ”./.

Mới nhất

x
Thách thức bủa vây Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO