Thách thức và lời giải cho ngành mía đường

05/11/2017 13:48

(Baonghean) - Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngành mía đường đang đối diện với thời điểm khó khăn khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ đầu năm 2018.

Doanh nghiệp phải mua với giá từ 830.000 đến 850.000 đồng/tấn mía (bảo đảm cho nông dân có lời chút ít); sau khi chế biến, bán ra thị trường phải ở mức 15.000 đồng/kg, trong khi giá đường mía đã giảm còn 12.000 đồng/kg mà vẫn ế, lượng đường tồn kho tại các nhà máy ngày 15/8 khoảng 555.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 350.000 tấn.

Đưa nguyên liệu vào ép mía ở nhà máy đường Sông Con.
Đưa nguyên liệu vào ép mía ở nhà máy đường Sông Con.

Nguyên nhân được VSSA cho là tiêu dùng trong nước chững lại do Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018; theo đó, Việt Nam phải bãi bỏ hạn chế nhập khẩu đường và thuế nhập khẩu đường còn 0-5% thay vì 30% như hiện nay.

VSSA cũng cảnh báo, nếu bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường theo lộ trình hội nhập khối ASEAN, các nhà máy đường có công suất nhỏ và công nghệ lạc hậu sẽ gặp khó khăn và có thể sẽ chuyển hết sang nhập đường thô về tinh luyện để duy trì được sản xuất và không thu mua mía của nông dân nữa.

Áp lực sẽ nặng thêm cho hơn 300.000 ha diện tích trồng mía cả nước, nhất là một số vùng chuyên canh. Một phần diện tích mía chuyển qua cây trồng khác. Kéo theo nhà máy sẽ đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, có thể dẫn đến sự sụp đổ cả ngành mía đường với cộng đồng người dân sống nhờ cây mía....

Vì thế, VSSA đã kiến nghị Chính phủ lùi thời gian thực hiện cam kết trên đến năm 2022, hoặc 2020; đồng thời, tăng hạn ngạch nhập khẩu lên 10% so với mức 5% của năm 2017; giảm thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch còn 40% đối với đường thô và 45% đối với đường trắng.

Không chỉ bây giờ ngành mía đường mới lao đao và kêu cứu vì áp lực cạnh tranh trước đường ngoại. Ngành mía đường đang tạo việc làm cho 33.000 công nhân và 1,5 triệu lao động trồng mía, với kim ngạch xuất khẩu đường mía trong 9 tháng đầu năm 2017 là 44.000 tấn sang 28 quốc gia.

Hiện cả nước có 41 nhà máy với tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn/ngày, tăng 12,7 lần so với năm 1995, nhưng cũng chỉ có 8 nhà máy đạt được công suất ép 6.000 tấn mía/ngày để sản xuất hiệu quả. Giá thành 1 tấn đường Việt Nam sản xuất cao gấp 2,5 lần so với Brazil, gần gấp đôi so với Thái Lan. Nguyên liệu trong giá thành đường tại Việt Nam vào khoảng 13.000 đồng/kg, trong khi Thái Lan là 8.000 đồng/kg, mức trung bình của thế giới khoảng 10.000 đồng/kg… Niên vụ 2013 - 2014, với mức giá 14.500 đồng - 15.000 đồng/kg, và nhu cầu trong nước vào khoảng 1,4 - 1,5 triệu tấn, các doanh nghiệp và hiệp hội cũng đã kêu trời trước đường lậu chỉ có 12.700 - 12.800 đồng/kg…

Lộ trình hội nhập đang khiến thị trường ô tô giảm giá mạnh chưa từng có suốt vài thập kỷ được bảo hộ và điều này sẽ tất yếu đối với ngành mía đường, cũng như các ngành khác. Nếu tùy tiện dừng lộ trình cam kết hội nhập, Việt Nam không chỉ tổn thương uy tín quốc gia, mà còn bỏ lỡ cơ hội mở rộng thị trường sang các nước khác, từ bỏ các ưu đãi tương ứng mà các nước dành cho mình theo đúng thỏa thuận hội nhập đã ký.

Theo VSSA, người thiệt thòi nhất chính là những người nông dân trồng mía.
Theo VSSA, người thiệt thòi nhất chính là những người nông dân trồng mía.

Hơn nữa, cũng thật mâu thuẫn và khó so sánh cân bằng để dừng, trì hoãn lộ trình hội nhập vì lợi nhuận của vài chục nhà máy sử dụng công nghệ cũ và quy mô nhỏ bé, và vài chục nghìn công nhân, có thể cả triệu nông dân trồng và chế biến đường thiếu liên kết cộng đồng, mà bỏ qua và át đi quyền lợi của cả gần trăm triệu người tiêu dùng và cả các ngành sản xuất tiêu thụ đường khác.

Thách thức của hội nhập là khắc nghiệt và lời giải cho bài toán hài hòa lợi ích này phải tìm ở sự đồng thuận xã hội và chủ động tích cực vượt qua bằng các biện pháp kỹ thuật và trách nhiệm cao. Theo đó, một mặt, nhà nước và các DN, người nông dân cần chủ động phối hợp rà soát quy hoạch, ổn định vùng sản xuất nguyên liệu tập trung và khép kín chuỗi cung ứng, tăng cường các mối liên kết chặt chẽ, tổ chức đầu tư bài bản, sử dụng giống mới, quy trình và công nghệ tiên tiến, đổi mới mô hình hoạt động và cơ chế quản trị, giảm thiểu chi phí, nâng cao hàm lượng đường trong cây nguyên liệu…để cải thiện năng suất, chất lượng, giá cả và sức cạnh tranh thương hiệu ngành đường mía.

Mặt khác, các cơ quan chức năng và hiệp hội cần quan tâm xây dựng và duy trì hiệu quả các hàng rào kỹ thuật hợp pháp, cụ thể hóa và đa dạng hóa các tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát chất lượng; sử dụng linh hoạt các công cụ thuế và phí nội địa (VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt…), kiểm soát tình trạng tạm nhập, tái xuất, ngăn ngừa tình trạng bán lậu trong nước, trốn thuế và xử phạt nghiêm khắc các vi phạm quản lý cạnh tranh lành mạnh.

TS. Nguyễn Minh Phong

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Thách thức và lời giải cho ngành mía đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO