Thách thức 'vòng quay' cai - tái nghiện

14/12/2016 16:54

(Baonghean) - Thời gian qua, Nghệ An đã thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện ở các trung tâm giáo dục lao động - xã hội cũng như tại cộng đồng và các cơ sở điều trị tự nguyện bằng Methadone. Vấn đề là việc quản lý sau cai gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ người tái nghiện cao.

90% tái nghiện sau khi cai

N.V.T, 25 tuổi, là một học viên của Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội TP. Vinh. T vào trung tâm đã được 5 tháng. Trải qua thời gian cắt cơn, giải độc, sức khỏe của T đã từng bước phục hồi, tham gia đầy đủ các hoạt động thể dục, thể thao, lao động sản xuất như trồng rau, chăn nuôi, gia công hàng hóa cũng như học nghề gò hàn, xây dựng.

Thường xuyên nhận được sự quan tâm thăm hỏi, sẻ chia của các cán bộ trung tâm, N.V.T đã dần nhận ra “con đường sáng” của mình: “Vào đây em mới cảm nhận rõ hơn sự quan tâm, lo lắng và kỳ vọng của Nhà nước, của cộng đồng. Em sẽ cố gắng cai nghiện sớm để được về cùng gia đình, làm lại cuộc đời”.

Giống như N.V.T, gần như 172 học viên còn lại của Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội TP. Vinh nghiện cả heroin lẫn ma túy đá, có tiền án tiền sự, là đối tượng “cộm cán”. Khi mới vào cai nghiện bắt buộc, các học viên đều có tư tưởng không ổn định, luôn tìm cách chống đối và bỏ trốn.

Song trải qua 5 bước cai nghiện (cắt cơn, giáo dục học nội quy và các văn bản quy định Nhà nước, lao động trị liệu, tư vấn thay đổi hành vi nhân cách và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng), các học viên không những ổn định tâm lý mà còn phấn chấn, lạc quan tin tưởng vào con đường hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng của mình.

Các học viên tham gia lao động trị liệu ở Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội thành phố Vinh.
Các học viên tham gia lao động trị liệu ở Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội thành phố Vinh.

Ông Nguyễn Xuân Toàn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội TP. Vinh cho biết: Được thành lập từ năm 2008, đến nay trung tâm đã thực hiện cai nghiện cho khoảng gần 1.000 học viên. 3 năm trở lại đây, công tác quản lý học viên được thực hiện nghiêm; môi trường giáo dục của trung tâm thân thiện, không có sự kỳ thị hay phân biệt đối xử, giúp cho học viên có ý thức lao động và cải tạo, chấp hành tốt kỷ luật.

Tuy nhiên, ông Toàn cũng trăn trở: Việc điều trị methadone chỉ tương thích với những “người nghiện cũ” (sử dụng thuốc phiện, heroin), chưa tiệm cận, kiềm chế được thực trạng nhiều người nghiện sử dụng ma túy đá (loại ma túy tổng hợp có cơ chế gây nghiện khác và có sức tàn phá đối với sức khỏe, dẫn đến khó kiểm soát hành vi và khó cai nghiện hơn heroin nhiều lần).

Nghiện ma túy là một bệnh lý gây tổn thương mãn tính não bộ không thể phục hồi. Trên 90% người nghiện sau cai sẽ lại tìm đến ma túy. Ở trung tâm đã có nhiều người sau cai lại tái nghiện

Gần 10% người nghiện sau cai không tái nghiện chính là nhờ các yếu tố thuận lợi như sự đồng cảm, chia sẻ, tạo điều kiện của người thân, cộng đồng cộng thêm ý chí từ bỏ ma túy của họ.

Ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An, vào mỗi sáng, hơn 260 bệnh nhân - người nghiện lại đến đây uống thuốc trước khi bắt đầu một ngày lao động, sinh hoạt mới.

Anh L.V.K - một bệnh nhân đang điều trị methadone cho biết một thực trạng khác: Bản thân em cũng đã nhiều lần vào trung tâm cai nghiện tập trung, song quay trở về cộng đồng một thời gian ngắn lại tái nghiện. Không thể cai, em tìm đến methadone để thay thế các chất ma túy bất hợp pháp.

Biện pháp giảm tái nghiện

Cũng tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An, trường hợp L.V.K sau khi uống thuốc, không vội về nhà mà ở lại trung tâm chỉ để chuyện phiếm cùng hàng chục người điều trị methadone khác.

L.V.K lý giải cái sự “rảnh” của mình: “Đi xin việc không ai nhận, mở cửa hàng thì không có vốn nên thời gian rảnh nhiều”...

Anh Hồ Văn Tiến, một người cai nghiện thành công 10 năm nay khẳng định: Muốn không tái nghiện dứt khoát phải có một việc làm chính đáng để kiếm sống. Công việc sẽ khiến quên đi những ám ảnh về ma túy. Bên cạnh đó còn cần sự động viên, ủng hộ của gia đình, cộng đồng.

Trong 5 năm (2011 - 2015), Nghệ An đã tiếp nhận và tổ chức cai nghiện cho 9.456 lượt người. Trong đó, cai tại Trung tâm giáo dục Lao động - Xã hội cho 4.328 lượt người, chiếm 45,8% tổng số lượt người nghiện ma túy được cai nghiện; cai tại cộng đồng và gia đình cho 5.128 lượt người, chiếm 54,2% tổng số lượt người nghiện ma túy được cai nghiện.


Nghệ An đã tổ chức dạy nghề cho 2.136 lượt người tại các Trung tâm giáo dục Lao động - Xã hội, dạy nghề cho 1.277 lượt người sau cai nghiện tại cộng đồng. Những nghề được đào tạo sát với yêu cầu thực tế giúp cho đối tượng sau khi trở về địa phương có cơ hội tìm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng nhanh. Qua đó đã có nhiều trường hợp người sau cai nghiện chưa tái nghiện làm ăn kinh tế hiệu quả, được chính quyền các cấp tuyên dương.

Ông Đào Xuân Lục - Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: Nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải quyết việc làm cho người nghiện: Thứ nhất, do định kiến nên ít doanh nghiệp tiếp nhận người nghiện sau cai vào làm việc;

Thứ hai, đại đa số những người nghiện sau cai hạn chế về bản lĩnh, năng lực tự lao động sản xuất kém dẫu Nhà nước, tỉnh đã có chính sách ưu tiên vay vốn hỗ trợ sản xuất nhưng rất ít người tự đứng ra vay.

Việc làm cho người nghiện sau cai trên lý thuyết là có, nhưng thực tế thì ở tỉnh còn rất nhiều người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề, đại học thất nghiệp, nhóm yếu thế này không thể cạnh tranh được. Nếu không có việc làm, con đường phục thiện của 1.490 lượt người được cai nghiện mới năm 2016 này e rằng là rất khó khăn...

Nhà nước đã bỏ ra rất nhiều kinh phí để giáo dục, chăm lo cho đối tượng người nghiện ma túy - bệnh nhân đặc thù này.Song công sức, tiền của sẽ “đổ sông, đổ biển” nếu các đối tượng này tái nghiện, có hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Toàn nêu ý kiến: Trước thực trạng tái nghiện cũng như sự hạn chế của methadone, đã đến lúc Nhà nước cần có cuộc khảo sát lại cụ thể và đưa ra định hướng cai nghiện mới và đặc biệt các cấp, ngành cần quan tâm đến việc giải quyết việc làm.

Hiện nay, toàn tỉnh có 12 cơ sở điều trị methadone cho trên 1.200/ 7.279 người nghiện có hồ sơ quản lý. Tại thành phố Vinh hiện có 2 cơ sở điều trị methadone là Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An và Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội 1 - Trung tâm cai nghiện tự nguyện. Bắt đầu triển khai từ tháng 8/2012, liệu pháp điều trị bằng methadone đã giúp cho rất nhiều người nghiện thay đổi hành vi, không còn sử dụng heroin, giảm nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tiêm chích như HIV, giảm thiểu hành vi phạm tội do người nghiện gây ra, cải thiện tình trạng sức khoẻ.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Thách thức 'vòng quay' cai - tái nghiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO