Thái Lan đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số như thế nào?

(Baonghean.vn) - Thái Lan được coi là một điển hình có giá trị tham khảo trong quá trình thực hiện chuyển đổi số thông qua việc xây dựng các chiến lược để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông và các công nghệ số.

Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ được số hóa 50% vào năm 2025. Trong số các quốc gia được coi là đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, Thái Lan đặt mục tiêu tăng nền kinh tế số lên 50% vào năm 2030. Việc kiếm tiền từ dữ liệu cũng được dự báo sẽ tăng lên gấp 6 lần vào năm 2030 và nền kinh tế số sẽ tạo ra khoảng 60-65 triệu việc làm mới cho đất nước Thái Lan trong tương lai. Quốc gia Đông Nam Á này là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực trong 2 năm qua.

Chuyển đổi số sẽ tạo ra giá trị kinh tế hàng năm lên tới 79,5 tỷ USD đến năm 2030 cho Thái Lan

Theo báo cáo đánh giá Chỉ số sẵn sàng kết nối (Networked Readiness Index – NRI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Thái Lan xếp thứ 46 trong số 131 nền kinh tế được đánh giá năm 2022, tăng từ vị trí 54 vào năm ngoái. Với kết quả này, Thái Lan đứng ở vị trí thứ 3 trong số 8 nền kinh tế được đánh giá năm 2022 thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với số điểm là 56,56, chỉ sau Singapore (79,35 điểm) và Malaysia 60,58 điểm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo báo cáo, xét về cả điểm số NRI và GDP bình quân đầu người, Thái Lan có mức độ sẵn sàng kết nối lớn hơn dự kiến ​​so với mức thu nhập của mình. Nhờ các chính sách của chính phủ, quốc gia này đang đi trước các nước láng giềng trong khu vực về sự phát triển nền kinh tế số.

Trong số các động thái mới nhất nhằm thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật số nhanh chóng của mình, Cục Đầu tư Thái Lan thông báo rằng chính phủ đã đưa ra các biện pháp khuyến khích mới để hỗ trợ các ngành công nghiệp công nghệ cao cũng như các lĩnh vực khác.

Trên thực tế, một báo cáo năm 2021 của Công ty tư vấn kinh tế AlphaBeta (Singapore) cho thấy rằng, chuyển đổi số ở Thái Lan có thể tạo ra giá trị kinh tế hàng năm lên tới 79,5 tỷ USD đến năm 2030.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2022, các quan chức Thái Lan cho biết, cơ sở hạ tầng và nền tảng kỹ thuật số hiện có sẽ cho phép Chính phủ Thái Lan “cải thiện việc cung cấp các thước đo kinh tế và các dịch vụ khác của chính phủ bằng kỹ thuật số, đưa Thái Lan vào kỷ nguyên của nền kinh tế số và đóng góp vào sự tăng trưởng toàn diện của Thái Lan”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về kinh doanh và đầu tư khu vực ASEAN năm ngoái, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cũng kêu gọi các quốc gia thành viên thuộc ASEAN tham gia hợp tác và thúc đẩy các sáng kiến trong lĩnh vực kỹ thuật số ​nhằm tạo ra một môi trường tốt hơn cho việc mở rộng kinh doanh kỹ thuật số. Và để thực hiện được điều này, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số được xem là bước đi sống còn.

Đối với chính sách trong nước, vào tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Thái Lan cũng đã chủ trì hội nghị của Ủy ban Trí tuệ nhân tạo quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) bằng cách phát triển nhanh cơ sở hạ tầng, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua hợp tác công - tư.

Theo thông cáo báo chí của chính phủ, Thủ tướng Prayut cũng kêu gọi các cơ quan chính phủ tăng cường triển khai và thực hiện Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về AI giai đoạn 2022–2027. Ông cũng kêu gọi sự tham gia của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, trong việc đề xuất và thực hiện các hoạt động để đạt được các mục tiêu chung.

Trong bài phát biểu tại một diễn đàn thông tin di động ở Thái Lan vào tháng 10 năm ngoái, Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan cho biết trong vài năm qua, Chính phủ Thái Lan đã ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, mà theo ông là động lực cơ bản để thúc đẩy đất nước hướng tới nền kinh tế số.

Chính phủ đã thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cũng như thúc đẩy Thái Lan hướng tới “Thái Lan 4.0” thông qua việc thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và viễn thông. Chiến lược “Thái Lan 4.0” là mô hình kinh tế nhằm chuyển đổi Thái Lan từ một nước được định hướng bởi công nghiệp sang một đất nước được định hướng bởi công nghệ cao.

Để thực hiện chiến lược “Thái Lan 4.0” được Chính phủ Thái Lan đưa ra với tham vọng xây dựng một xã hội và nền kinh tế số, giúp Thái Lan có thể trở thành “nhà lãnh đạo số”. Trong đó, Thái Lan tập trung tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, như phát triển kết cấu hạ tầng, sáng kiến, dữ liệu, nguồn lực con người và những nguồn lực kỹ thuật số khác để đưa đất nước đến thịnh vượng, ổn định và bền vững.

Theo ông Prawit Wongsuwan thì sự tiến bộ của nền kinh tế số sáng tạo sẽ liên kết tất cả các ngành và cho phép người dân sử dụng công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thông qua các công nghệ mới như 5G, điện toán đám mây (computing cloud), dữ liệu lớn (big data) và AI để có thể mở ra cơ hội phát triển cho tất cả các ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng sẽ tập trung hợp tác với khu vực tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng cứng để cung cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp thúc đẩy kinh tế số, như internet băng rộng tốc độ cao, các trung tâm dữ liệu khác nhau và các cổng kỹ thuật số… nhằm thúc đẩy nền kinh tế số của địa phương.

Một sáng kiến ​​có quy mô lớn khác của chính phủ là xây dựng và phát triển mạng băng rộng quốc gia (National Broadband Network - NBN), trong đó Thái Lan đang triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông để cung cấp dịch vụ internet tốc độ cao cho toàn bộ người dân. Sáng kiến NBN có kế hoạch cung cấp vùng phủ sóng và dịch vụ băng rộng chất lượng cao trên toàn quốc với chi phí phải chăng.

8 đề án chiến lược để thúc đẩy phát triển kỹ thuật số của Thái Lan năm 2023

Ủy ban xã hội và kinh tế số quốc gia (Office of the National Digital Economy and Society Commission - ONDE) gần đây đã công bố 8 đề án cho năm 2023 nhằm thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật số của Thái Lan khi nước này tiếp tục phát triển các kế hoạch hiện có và củng cố nền tảng đã được xây dựng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Puchaphong Nodthaisong, Tổng Thư ký của ONDE cho biết, cơ quan này đang tập trung vào việc trang bị các kỹ năng số cho cộng đồng nhằm thúc đẩy nền kinh tế số và khám phá các cơ hội phát triển mới trong một thế giới đang thay đổi.

8 đề án này được thiết kế để tương thích với xu hướng công nghệ và tình hình kinh tế hiện tại ở Thái Lan và các khu vực khác trên thế giới. Qua đó, giúp định hình các xu hướng phát triển trong tương lai để đảm bảo rằng Thái Lan đã sẵn sàng bước vào các giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi số.

Đầu tiên là đề án đào tạo kỹ năng số cho các cơ quan chính phủ. Đề án này sẽ thực hiện triển khai thêm 70 khóa đào tạo kỹ thuật số cho các quan chức chính phủ ngoài 60 khóa đã được triển khai.

Thứ hai là đề án Nghiên cứu triển vọng kỹ thuật số Thái Lan cho năm 2023. Đề án này dự kiến ​​sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng để sử dụng trong quá trình phát triển xã hội và kinh tế số của đất nước mà chính phủ đang tích cực thực hiện. ONDE sẽ sử dụng các tham số phù hợp với hướng dẫn do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra để đo lường và đánh giá quá trình chuyển đổi số của Thái Lan.

Trong khi đó, đề án thứ ba liên quan đến những nỗ lực cải thiện việc đo lường nền kinh tế số của đất nước và đóng góp của nó vào GDP của quốc gia theo định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Đề án thứ tư nhằm phát triển mạng lưới tình nguyện viên kỹ thuật số. Mục đích của đề án này là mở rộng khả năng tiếp cận kỹ thuật số trong cộng đồng địa phương và giáo dục công chúng về kiến ​​thức và kỹ năng số, khuyến khích người dân sử dụng công nghệ số và giúp họ khám phá các cơ hội tạo thu nhập mới bằng cách tận dụng công nghệ.

Đề án thứ năm bao gồm các sáng kiến ​​nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái 5G cho các ứng dụng thương mại. Dự thảo kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển công nghệ 5G giai đoạn 2 và dự thảo hướng dẫn thúc đẩy công nghệ 5G trong các ngành công nghiệp chính của Thái Lan giai đoạn 2023-2027 hiện đang được xây dựng.

Đề án thứ sáu liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và dịch vụ bảo mật. Năm 2023, ONDE đặt mục tiêu nâng cấp các dịch vụ của Trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây của chính phủ (GDCC) bằng cách hỗ trợ dịch vụ điện toán đám mây, trong đó nhà cung cấp sẽ cung cấp các nền tảng cho phép người dùng tự phát triển và triển khai các ứng dụng riêng của mình trên đó qua mạng Internet (nền tảng dưới dạng dịch vụ - PaaS) và mô hình phân phối phần mềm, trong đó nhà cung cấp bên thứ ba cung cấp các ứng dụng cho khách hàng qua Internet (Phần mềm dưới dạng dịch vụ - SaaS).

Đối với đề án thứ bảy, ONDE có kế hoạch theo đuổi giai đoạn 2 của Kế hoạch di sản văn hóa kỹ thuật số, trong đó các tài nguyên văn hóa quốc gia có thể được hiển thị dưới dạng kỹ thuật số. Điều này nhằm mục đích tạo ra sức mạnh mềm để có thể tạo ra lợi nhuận cho nền kinh tế quốc gia.

Đề án cuối cùng liên quan đến Quỹ phát triển xã hội và kinh tế số nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà nghiên cứu để tạo ra sự đổi mới và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022, Thái Lan đã tài trợ khoảng 74,5 triệu USD cho 600 dự án được đề xuất, trong đó 41 dự án đủ điều kiện triển khai.

Công nghệ 5G đang đóng góp cho nền kinh tế số Thái Lan như thế nào?

Thái Lan là một trong những quốc gia dẫn đầu việc áp dụng kỹ thuật số ở Đông Nam Á và cũng là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai thương mại 5G trong khu vực.

Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu Thái Lan bao gồm AIS, True và DTAC đã nhanh chóng triển khai vùng phủ sóng 5G trên toàn quốc, hiện đã phủ sóng đến 80% dân số.

Công ty tư vấn và phân tích dữ liệu GlobalData dự báo rằng tổng doanh thu dịch vụ di động ở Thái Lan sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,9% từ 8,5 tỷ USD trong năm 2022 lên 10,8 tỷ USD vào năm 2027, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự gia tăng số lượng đăng ký 5G và tăng doanh thu dữ liệu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU).

Để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số của Thái Lan, nhà mạng di động DTAC đã liên tục giới thiệu các công nghệ 5G hỗ trợ Internet vạn vật (5G IoT) mới và mạng dùng riêng 5G để hỗ trợ phát triển kinh tế trong nước, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, DTAC đặt mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp bằng cách thúc đẩy phát triển các nhà máy thông minh, hậu cần thông minh và tiện ích thông minh.

Một nhà mạng di động lớn khác của Thái Lan là True cũng đang theo đuổi các dự án giúp phát triển kỹ thuật số trong các lĩnh vực sản xuất và công nghiệp. Theo đó, nhà mạng này đã tập trung vào mô hình kinh doanh doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) bằng cách giúp các doanh nghiệp trong các ngành khác nhau tối đa hóa các công nghệ tiên tiến như phân tích dữ liệu, IoT và các công nghệ số khác.

Bên cạnh đó, nhà mạng True cũng sẽ theo đuổi việc áp dụng Công nghiệp 4.0 trên toàn quốc trong các ngành mục tiêu như ô tô thế hệ tiếp theo, điện tử thông minh, thực phẩm cho tương lai, tự động hóa và người máy, cũng như hàng không và hậu cần.

Trong khi đó, nhà mạng di động hàng đầu Thái Lan là AIS đang tập trung vào lĩnh vực giao thông vận tải bằng cách hợp tác với Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) để phát triển các hệ thống xe tự lái được điều khiển từ xa thông qua 5G cho các khu công nghiệp ở nước này.

Ngoài ra, AIS cũng đã hợp tác với Cơ quan Xúc tiến kinh tế số Thái Lan (DEPA) thành lập phòng thí nghiệm và trung tâm đổi mới 5G đầu tiên, có tên là Công viên kỹ thuật số Thái Lan. Dự kiến, Công viên kỹ thuật số này ​​sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp ở Thái Lan, đặc biệt là trong thương mại điện tử và các dịch vụ liên quan đến hậu cần.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về 5G năm 2022 diễn ra vào tháng 6 năm ngoái, DEPA đã công bố thành lập Liên minh 5G, bao gồm một số cơ quan chính phủ, Huawei và các công ty viễn thông lớn như AIS và True.

Mục tiêu chính của Liên minh 5G là làm gia tăng giá trị kinh tế trong nước bằng cách thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng 5G trong công nghiệp để thực hiện nâng cấp hệ thống dịch vụ về y tế công cộng, an ninh, giáo dục, giao thông, quản lý nhà máy và nông nghiệp hiện đại./.

Tài liệu tham khảo

[1].https://www.telecomreviewasia.com/index.php/news/featured-articles/3085-how-thailand-continues-to-foster-its-digital-economy

[2].https://www.bangkokpost.com/business/2459895/office-preps-8-digital-transformation-steps

[3]. The Network Readiness Index - 2022

tin mới

5G sẽ trở thành công nghệ thống trị vào năm 2030?

5G sẽ trở thành công nghệ thống trị vào năm 2030?

(Baonghean.vn) - Theo một báo cáo mới được công bố của Tổ chức nghiên cứu và phân tích độc lập GSMA Intelligence (GSMi) thuộc Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA), 5G sẽ trở thành công nghệ thống trị và chiếm 56% tổng số kết nối toàn cầu vào năm 2030.

Hé lộ thực tế về chế độ ẩn danh của Google và quyền riêng tư trực tuyến

Hé lộ thực tế về chế độ ẩn danh của Google và quyền riêng tư trực tuyến

(Baonghean.vn) - Chế độ ẩn danh của Google là một tính năng phổ biến trên trình duyệt Chrome. Nó được cho là giúp người dùng duyệt web riêng tư hơn bằng cách không lưu lịch sử duyệt web, cookie hoặc dữ liệu trang web. Tuy nhiên, mức độ bảo mật của chế độ ẩn danh có thể khiến nhiều người bất ngờ.

10 quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo

10 quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo

(Baonghean.vn) - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với thế giới xung quanh. Các quốc gia trên toàn cầu đang đổ nguồn lực vào nghiên cứu và phát triển AI, với mục tiêu trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này.

10 người phụ nữ thành công trong lĩnh vực công nghệ

10 người phụ nữ thành công trong lĩnh vực công nghệ

(Baonghean.vn) - Lĩnh vực công nghệ từ lâu được xem là sân chơi của nam giới, với những định kiến về sự phức tạp, khô khan và đòi hỏi tư duy logic mạnh mẽ. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngày càng có nhiều phụ nữ tài năng xuất hiện và khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực này.

TikTok đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ

TikTok đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ

(Baonghean.vn) - Một nhóm các nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng Mỹ đã đưa ra dự luật vào ngày 5/3 vừa qua, yêu cầu ByteDance của Trung Quốc phải bán ứng dụng video ngắn TikTok trong vòng 6 tháng nếu không muốn bị cấm tại Mỹ.

4 chiến lược cốt yếu giúp doanh nghiệp bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng

4 chiến lược cốt yếu giúp doanh nghiệp bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng

(Baonghean.vn) - Ngày nay, tội phạm mạng không ngừng dùng các thủ đoạn tinh vi để tấn công dữ liệu nhạy cảm của các doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng các chiến lược để bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trên toàn thế giới.