Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí: Sáng ngời đạo đức trung quân ái quốc
Ngôi đền thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí khiêm nhường bên cánh đồng. Không có cảnh ồn ào, huyên náo như nhiều công trình tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng mà người đời thường thấy, ngôi đền Nguyễn Xí dường như trầm lắng và kín đáo như chính mảnh đất làng Thượng - nơi chôn rau cắt rốn của ông cách đây 600 năm.
Đào Tuấn • 01/02/2025
Nằm trên điểm hội tụ của sông Cấm, lạch Lò, chỗ giao nhau giữa một vùng nhộn nhịp chốn biển và nông nghiệp, nhưng tự bao đời nay ngôi làng Hợp Thắng vẫn giữ được nét bình yên, kể cả khi làng đã đổi thay rất nhiều. Người từ mảnh đất này ra đi, rồi trở về, mỗi lần như thế, những ngôi nhà cao tầng đẹp đẽ lại được cất lên. Và điều đó cũng cho thấy làng Hợp Thắng sung túc, đủ đầy.
Nơi này, 600 năm về trước, có một người mang theo chí lớn đã rời làng ra đi và được lịch sử dân tộc ghi nhận là người có đóng góp lớn lao cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đóng góp xứng đáng vào chiều sâu văn hiến của đất nước. Người con ưu tú ấy của làng Thượng xưa, Hợp Thắng (Khánh Hợp, Nghi Lộc) ngày nay không ai khác chính là Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí.
Ngôi đền thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí khiêm nhường bên cánh đồng. Không có cảnh ồn ào, huyên náo như nhiều công trình tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng mà người đời thường thấy, ngôi đền Nguyễn Xí dường như trầm lắng và kín đáo như chính mảnh đất làng Thượng - nơi chôn rau cắt rốn của ông cách đây 600 năm. Thậm chí, kể cả khi Khu Lăng mộ và Đền thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cách nay 4 năm (31/12/2020), thì sự vinh danh ấy cũng không khiến cho cụm công trình đặc biệt của dòng họ Nguyễn Đình nói riêng và Nghệ An nói chung trở nên ồn ào hơn. Chính điều này càng tôn lên vẻ trầm hùng, uy nghiêm như chính nhân cách của Nguyễn Xí – người giữ vai trò rường cột của 4 đời vua Lê, trong đó 2 lần được lịch sử ghi nhận là công thần khai quốc.
Xung quanh hào khí mà vị tướng quốc thời Lê sơ tỏa ra, có sự phủ bóng của cả những huyền thoại, giai thoại, dù vậy như sự nhìn nhận của lịch sử, Nguyễn Xí trước hết là một con người, một nhân vật lịch sử mà tài năng, nhân cách của ông thực sự rất hiếm gặp trong suốt tiến trình phát triển của đất nước.
Có gốc gác tại làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), nhưng Nguyễn Xí sinh ra, lớn lên tại làng Thượng, xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc, nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Theo nhiều tài liệu lịch sử, ông sinh năm 1397. Gia đình ông sinh sống bằng nghề nông và làm muối. Thuở nhỏ, ông thường theo cha là Nguyễn Hội và anh trai là Nguyễn Biện chở muối đến bán tại vùng Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Nhờ đó đã quen biết với gia đình Lê Lợi. Năm 9 tuổi, Nguyễn Xí mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông theo anh trai đến Lam Sơn và trở thành gia nô của Lê Lợi. Tại đây Nguyễn Xí tỏ ra thông minh, lanh lợi và vũ dũng hơn người, được Lê Lợi quý như con cháu trong nhà. Thấy được tư chất thông minh, hoạt bát của Nguyễn Xí, Lê Lợi giao cho ông chăm sóc đàn chó săn hơn một trăm con. Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép rằng: “Vua sai Nguyễn Xí nuôi đàn chó săn gồm hơn 100 con. Sớm chiều chia cơm cho chó ăn, ông đều dùng chuông làm hiệu lệnh. Bầy chó theo sự điều khiển, huấn luyện của ông, tiến thoái răm rắp".
Năm 1418, Lê Lợi xưng Bình Định Vương phát động cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, 2 anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí cùng tham gia. Lúc này Nguyễn Xí mới ngoài 20 tuổi. Ông thường theo hầu hạ Lê Lợi những lúc hiểm nghèo, nguy nan. Nguyễn Xí để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong các giai đoạn kháng chiến, góp công lớn trong 10 năm nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử cùng Lê Lợi.
Năm 1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi lấy niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất, Nguyễn Xí trở thành một trong số người khai quốc công thần và được nhà vua thăng chức "Long hổ Thượng tướng quân, suy Trung Bảo Chính công thần" và được ban quốc tính họ Lê gọi là Lê Xí. Năm 1429, khi khắc biển công thần, Nguyễn Xí được xếp hàng thứ 5, được phong làm Huyện hầu. Năm 1437, đời Vua Lê Thái Tông, ông làm chức quan "Tham tri chính sự kiên trị từ tụng".
Năm 1442, Vua Lê Thái Tông mất, Nguyễn Xí nhận di chiếu phò Vua Lê Nhân Tông.
Năm 1445, Nguyễn Xí làm Nhập nội đô đốc, năm 1448, ông được phong chức Thiếu bảo, coi việc quân dân.
Trong vương triều nhà Lê, Nguyễn Xí là người giữ nhiều chức vụ trọng yếu, góp phần to lớn để xây dựng đất nước và củng cố triều chính. Đặc biệt, khi Vương triều nhà Lê bị lâm vào cảnh huynh đệ tương tàn (1459), Nguyễn Xí đã lập mưu giả mù để diệt trừ bọn phản loạn. Ông góp công lớn trong việc tiêu diệt bọn phản loạn Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân và đưa Lê Tư Thành - tức Vua Lê Thánh Tông lên ngôi. Cũng từ đó, triều đại nhà Lê bước sang một trang sử mới, được sử sách đánh giá đây là vương triều phát triển rực rỡ nhất trong chế độ phong kiến nước ta.
Năm 1460, Nguyễn Xí được phong làm: Khai phủ Nghi Đồng tam ti, Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình Chương Quân Quốc trọng sự, Á hầu phụ chính. Tháng 10 năm đó ông được phong làm Sái Quận Công.
Năm 1462, Nguyễn Xí được phong chức Nhập nội Hữu Tướng quốc. Năm 1463 lại được phong chức Thái úy.
Trong cuộc đời làm quan phụng sự 4 triều vua Lê suốt 37 năm liên tục (1428 -1465), Nguyễn Xí không chỉ là một võ tướng tài ba mà còn là một nhà chính trị lỗi lạc đối với quốc nội và quốc ngoại. Trong lịch sử phong kiến nước ta hiếm có một bề tôi nào lại được nhà vua tôn trọng, quan tâm chu đáo đến tận những ngày cuối đời như ông.
Tuy nhiên, tất cả những chức tước, địa vị và cả phù hoa mà các triều đại đương thời dành cho ông không chỉ có thế. Từ các bậc quân vương nhà Lê đến quan lại đầu triều và dân chúng ngưỡng mộ Thái sư Cương Quốc công không chỉ bởi tài năng văn võ kiêm toàn mà hơn hết là kính trọng đạo đức của một người tôi trung. Có thể nói, trong lịch sử phong kiến Việt Nam, hiếm có vị vua nào khi đánh giá bề tôi của mình lại dùng những khuôn vàng, thước ngọc:
“Xét đây (Nguyễn Xí): khí độ trầm hùng, tính người cương đại. Giúp Cao Hoàng khi mở nước, trăm trận gian nan. Phò tiên khảo thủ thành, hết lòng giúp rập. Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều tưởng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy thanh…”.
Vị minh quân khen bề tôi ấy là Vua Lê Thánh Tông, còn người được vua tụng khen không tiếc lời không ai khác chính là Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí.
Không phải ngẫu nhiên mà Vua Lê Thánh Tông nói người tôi trung của mình là “giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi”. Thứ nhất, Vua Lê Thánh Tông nhờ công lớn của Nguyễn Xí mà được lên ngôi, ông thậm chí phải hy sinh tình riêng để chấn hưng sự nghiệp nhà Lê. Có giai thoại nói rằng, sau khi Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân và đám phản loạn giết Vua Lê Nhân Tông và Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu, lấy niên hiệu là Thiên Hưng, Nguyễn Xí đã giả mù. Khi bị nghi ngờ, ông phải nén nỗi đau vào lòng mà dẫm chết đứa con ruột chưa đầy tuổi của mình hòng che mắt đám làm phản.
Khi đưa Lê Tư Thành - Lê Thánh Tông lên ngôi vua, Nguyễn Xí có đủ cơ hội và mọi điều kiện để toan tính nghiệp lớn cho cá nhân mình. Thời điểm đó, ông có thể thừa cơ mà nắm lấy quyền bính, tiếm lấy ngôi báu từ nhà Lê. Tuy nhiên, Nguyễn Xí đã không làm thế. Ông vẫn giữ đức khiêm cung, lui về đứng sau hậu thuẫn Vua Lê Thánh Tông non trẻ trị vì việc nước.
Trung quân - Ái quốc là đạo đức cao nhất mà mọi người nhìn thấy ở Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí, dù đương thời hay soi chiếu qua lịch sử dân tộc.
Nhà quân sự - chính trị xuất sắc Nguyễn Xí còn thể hiện đạo đức trung quân ái quốc của mình qua bản Di huấn có 1 không 2 trong lịch sử.
Sau khi viết xong, Nguyễn Xí đã dâng bản Di huấn lên nhà vua và được Vua Lê Thánh Tông đóng ấn Hồng Đức Tam Nguyên công khai cho cả nước biết.
Về bản Di huấn đặc biệt của Nguyễn Xí, PGS. Hoàng Lân đánh giá: “Bản Di huấn của Nguyễn Xí cho thấy rõ cốt cách con người Nguyễn Xí là sự thể hiện trọn vẹn và sinh động các quan hệ xã hội cơ bản tồn tại trong quốc gia quân chủ Đại Việt thế kỷ XV, các quan hệ xã hội cơ bản ấy đã được cố định lại thành một phẩm chất “Trung nghĩa": trung nghĩa với đất nước Đại Việt, trung nghĩa với triều đại Lê Sơ”.
Thông qua bản Di huấn dành cho con cháu, Nguyễn Xí còn mượn lời “ý tứ” muốn khẳng định với vua, quan quân và nhân dân đương thời rằng, ông và con cháu ông sẽ suốt đời giữ phận bề tôi trung, không tơ hào đến ngai vàng, ngôi báu.
Nói thêm về điều này, ông Nguyễn Văn Hảo – Phó Chánh quản tộc, quyền Tộc trưởng họ đại tôn Nguyễn Đình cho biết, tinh thần trung quân ái quốc của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí còn được nhìn nhận ở chỗ, ông giữ mình như gương, như ngọc, hết lòng hết dạ phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. 16 người con trai (8 con gái) của ông đều giữ trọng trách đương thời, trong đó, nhiều người được giao trấn giữ, bảo vệ vùng ven biển của đất nước. Nổi lên trong đó có các nhà chính trị - quân sự như: Nguyễn Sư Hồi – người lập nên Cửa Lò; Nguyễn Xưởng - Tổng quan Nghiêm Võ và Tổng Binh xứ Thuận Hóa; Nguyễn Kế Sài - Thái bảo Thượng trụ Quốc Sài Quận Công. Tất cả những người con của ông về sau, đều giữ lời căn dặn của cha, một lòng một dạ bảo vệ triều đình, phục vụ đất nước và Nhân dân.
Tháng 10 năm Ất Dậu, niên hiệu Quang Thuận thứ 6 (1465), Nguyễn Xí qua đời, hưởng thọ 69 tuổi. Vua Lê Thánh Tông được tin vô cùng thương tiếc, bỏ 3 ngày không ngự triều mà than rằng: “Từ khi khai quốc đến nay, chẳng ai được như ngươi”. Nhà vua cho quản thi hài tại điện Kính Thiên, cho tổ chức nghi lễ quốc tang có các quan văn, võ đại thần cùng hội tế. Sau đó đưa linh cữu về táng tại quê nhà làng Thượng, tức xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc ngày nay. Hết tang, năm 1467 lại cho dựng đền thờ theo chế độ quốc tạo, quốc tế và lệnh cho Trạng nguyên Nguyễn Trung Trực viết văn bia phong thần là: “Thượng đẳng phúc thần, Hiển uy chính nghị anh kiệt Trung Trinh đại vương”. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) còn truy phong là: Thái sư Cương Quốc Công.
Với những cống hiến lớn lao cho dân tộc và đất nước, Nguyễn Xí không chỉ được triều đại đương thời tôn vinh mà trải qua lịch sử, tên tuổi và đạo đức của ông vẫn ngời sáng. Đền thờ Nguyễn Xí được trùng tu quy mô nhất vào những năm 20 của thế kỷ XX. Tháng 12/2020, Khu lăng mộ và đền thờ Nguyễn Xí được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Du khách, con cháu khi về chiêm bái đền thờ Nguyễn Xí sẽ thấy 2 câu đối: Muôn thưở sáng ngời công khai quốc/Nghìn năm oanh liệt chí bình Ngô.