Thẩm định VSATTP: Xem nhẹ hay kém chuyên môn?

22/03/2017 15:55

(Baonghean) - Dù vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng trở nên bức thiết, nhưng hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn chưa được chú trọng; nhân lực quản lý ATTP còn mỏng và thiếu kiến thức chuyên môn; công tác phối hợp giữa địa phương với các cơ quan cấp tỉnh còn hạn chế.

» Năng lực thẩm tra ATTP của TP Vinh có vấn đề?

Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh Nghệ An kiểm tra ở cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến đậu phụ Vũ Cao Cương tại khối 14, phường Lê Lợi (TP. Vinh). Ảnh: Thanh Sơn
Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh Nghệ An kiểm tra ở cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến đậu phụ Vũ Cao Cương tại khối 14, phường Lê Lợi (TP. Vinh). Ảnh: Thanh Sơn.

Vi phạm tràn lan

Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra ATTP mùa lễ hội, từ tháng 1/2017 đến nay, Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh Nghệ An đã kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm trên địa bàn, cũng như làm việc với nhiều ban chỉ đạo về ATTP huyện, thành, thị trong tỉnh.

Qua kiểm tra cho thấy, tình trạng vi phạm khá phổ biến. Đơn cử, Đoàn kiểm tra 6 cơ sở trên địa bàn thành phố Vinh (3 cơ sở thuộc ngành Y tế quản lý, 2 cơ sở thuộc ngành Công Thương quản lý, 1 cơ sở thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT quản lý) thì kết quả có 5/6 cơ sở vi phạm về ATTP.

Cụ thể, chiều ngày 5/1, Đoàn liên ngành kiểm tra cửa hàng bánh kẹo Quang Phiên, địa chỉ lô 139 – Khu đô thị mới Long Châu, phường Vinh Tân (TP. Vinh), phát hiện cửa hàng không có có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe của nhân viên, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, không có biện pháp phòng, chống côn trùng động vật gây hại, sang chiết sai quy định và có một số hàng hóa không rõ nguồn gốc quá hạn sử dụng;

Ngày 28/2, kiểm tra 2 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ở đường Lê Mao kéo dài, phường Vinh Tân (TP. Vinh) là quán Hiếu Huệ và Nhà quê Quán phát hiện nhà hàng thiếu tủ lưu mẫu thức ăn; Ngày 8/3, kiểm tra quán thịt dê Hóa Hương Sơn do ông Hồ Văn Hóa làm chủ ở ngay trước cổng Ga Vinh, đường Trường Chinh, thành phố Vinh, phát hiện quán không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường như không tách biệt nhà vệ sinh và các nguồn ô nhiễm khác...

Ngày 10/3, đoàn liên ngành đã lập biên bản đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất đậu phụ Vũ Cao Cương, khối 14, phường Lê Lợi, thành phố Vinh trong vòng 1 tháng kể từ ngày kiểm tra để cơ sở khắc phục do cơ sở không đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất...

Khu vực bếp nấu ở nhà hàng Hóa Hương Sơn ẩm thấp, bụi bặm, điều kiện vệ sinh rất kém. Ảnh: Thanh Sơn.
Khu vực bếp nấu ở nhà hàng Hóa Hương Sơn (đường Trường Chinh, TP Vinh) ẩm thấp, bụi bặm, điều kiện vệ sinh rất kém. Ảnh: Thanh Sơn

Ở 5 cơ sở vi phạm nói trên, Đoàn liên ngành của tỉnh còn phát hiện nhiều sai sót về công tác quản lý nhà nước của UBND thành phố Vinh. Với cửa hàng bánh kẹo Quang Phiên, trong năm 2016, cửa hàng đã nhiều lần bị đoàn kiểm tra thành phố Vinh xử phạt song chưa có đoàn kiểm tra nào thực hiện hướng dẫn để cơ sở làm đúng. Chủ cửa hàng cho biết: “Mỗi đoàn hướng dẫn một kiểu, dẫn đến cửa hàng không biết địa điểm cấp giấy chứng nhận ở đâu”.

Với 2 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ở đường Lê Mao kéo dài, phường Vinh Tân là quán Hiếu Huệ và Nhà quê Quán (có nhiều suất ăn) thì Phòng Y tế thành phố Vinh đã “hiểu sai” là quán thức ăn đường phố nên đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, dẫu không có tủ lưu mẫu và đảm bảo quy trình một chiều. Bên cạnh đó, Giấy xác nhận kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm được cấp lộn xộn khi giấy xác nhận số 041 cấp ngày 23/3/2016, giấy xác nhận số 042 lại cấp ngày 18/3/2016.

Với quán dê Hóa Hương Sơn, Đoàn phát hiện giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp lần đầu ngày 04/04/2016; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được Phòng Y tế cấp ngày 28/12/2015. Như vậy, cơ sở chưa đăng ký kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận. Biên bản thẩm định đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở nhà hàng Hóa Hương Sơn do Phòng Y tế lập ngày 21/12/2015 có ghi: “Tổng diện tích mặt bằng cơ sở là 354 m2. Diện tích khu vực chế biến thực phẩm và phân chia thức ăn là 120 m2. Địa điểm thoáng mát, thông khí tốt, cơ sở vật chất kiên cố sạch, đẹp...”.

Tuy nhiên, thực tế tổng diện tích mặt bằng cơ sở không quá 120 m2; tổng diện tích khu vực chế biến và phân chia thức ăn không đủ 10 m2; Cơ sở tạm bợ, mất vệ sinh trầm trọng. Biên bản này đã bị Trung tâm Y tế thành phố Vinh tố cáo là biên bản khống. Ông Lê Văn Sỹ - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vinh cho biết: “Trước đây việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP do Trung tâm Y tế thành phố thực hiện.

Từ tháng 7/2015, UBND thành phố Vinh giao nhiệm vụ này cho Phòng Y tế thành phố Vinh. Kể từ đó đến nay, Phòng Y tế chưa bao giờ mời đại diện cơ quan chuyên môn là Trung tâm y tế vào đoàn thẩm định. Tuy nhiên, ở các biên bản thẩm định các cơ sở luôn có tên bác sỹ của Trung tâm y tế dẫu không được tham gia. Thực trạng này đã được Trung tâm báo cáo lên UBND thành phố Vinh 2 lần nhưng vẫn tiếp diễn”.

Với cơ sở sản xuất đậu phụ Vũ Cao Cương, Phòng Kinh tế, UBND thành phố Vinh đã cấp giấy xác nhận đăng ký đảm bảo ATTP sai thẩm quyền khi hiểu nhầm việc chế bột đậu thuộc lĩnh vực công thương, trong khi thẩm quyền cấp giấy này thuộc về Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An.

Do xem nhẹ hay kém chuyên môn?

Những bất cập trong công tác quản lý ATTP nói trên đã được ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh thừa nhận: Các phòng ban sau khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm xong lại không thực hiện kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm kịp thời; còn có thái độ xem nhẹ và dễ dãi trong việc cấp giấy cũng như lập biên bản khống. UBND thành phố Vinh sẽ tiến hành chấn chỉnh ngay.

Theo Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh thì sai sót trong công tác quản lý nhà nước về ATTP còn do các phòng chức năng của thành phố thiếu phối hợp với các cơ quan chức năng cấp tỉnh để được hướng dẫn về kiến thức chuyên môn. Thậm chí, các đơn vị chức năng của UBND thành phố Vinh cũng chưa phối hợp với nhau.

Ông Trần Quang Lâm - Trưởng phòng Kinh tế (thường trực về ATTP của thành phố Vinh) cho biết: Lực lượng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATTP còn mỏng và yếu chuyên môn. Đề nghị các ban, ngành, cơ quan chức năng cấp tỉnh thường xuyên hướng dẫn, tập huấn kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công tác quản lý, thanh, kiểm tra ATTP cho ban chỉ đạo thành phố cũng như các phường, xã.

Xem nhẹ vấn đề ATTP và thiếu kiến thức chuyên môn trong quản lý ATTP chính là nguyên nhân dẫn đến những sai sót trong quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tháng 2/2017, Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh thực hiện hậu kiểm đối với 2 hộ kinh doanh ăn uống tại phường Quỳnh Phương (sau thời điểm đoàn của thị xã Hoàng Mai kiểm tra 1 tuần), phát hiện 2 hộ kinh doanh chưa khắc phục các lỗi vi phạm trước đó như không có giấy khám sức khỏe, tập huấn kiến thức, không thực hiện lưu mẫu và không đảm bảo điều kiện ATTP. Ngoài ra đoàn thanh, kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh còn phát hiện thêm nhiều lỗi thực tế mà đoàn của thị xã không phát hiện như thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc...

Làm việc ở huyện Nam Đàn, Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tỉnh phát hiện đoàn thanh, kiểm tra huyện mắc một số sai sót như lập biên bản nhiều lỗi song chỉ xử lý một lỗi; không có hình thức giảm nhẹ nhưng tiến hành xử phạt dưới khung; đoàn kiểm tra của huyện đã sử dụng các mẫu test nhanh định hướng để phát hiện hàn the song lại đưa ra ngay tỷ lệ hàn the trong dò, chả vào biên bản. Trong khi đó, quy trình đúng để có các chỉ số hàn the là phải đưa dò, chả đến các labo kiểm nghiệm đạt chuẩn để xét nghiệm.

Ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, Trưởng đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An khẳng định: “Luật và các quy định về ATTP đã rõ ràng, các địa phương không nên và không thể để cán bộ thiếu chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý. Các huyện, thành, thị cần thường xuyên trao đổi thông tin để các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về ATTP hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp những điều chưa rõ. Khi các sở, ngành, cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, đề nghị các địa phương cử cán bộ tham gia học tập một cách nghiêm túc”./.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Thẩm định VSATTP: Xem nhẹ hay kém chuyên môn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO