Thăm Trung Đông - bước đi chiến lược của Thủ tướng Nhật Bản

(Baonghean) - Có lẽ, căng thẳng Mỹ - Iran thời gian qua và những lo sợ về những xung đột trực diện đã khiến không ít lãnh đạo các nước “đứng ngồi không yên”.

Nếu như vào giữa tuần trước, Tổng thống Nga Putin bất ngờ thăm Trung Đông thì bắt đầu từ cuối tuần - hôm 11/1, Thủ tướng Nhật Abe Shinzo cũng lên đường công du 3 nước Trung Đông. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau khi 2 máy bay tuần tra của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) được điều tới Trung Đông, đã cho thấy mối quan tâm đặc biệt của chính quyền Tokyo đối với khu vực này.

Thế mắc kẹt

Ngay trước chuyến thăm loạt 3 nước Trung Đông gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman của Thủ tướng Abe, bất chấp chuỗi căng thẳng Mỹ - Iran vẫn đang kéo dài, hôm 11/1, 2 máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản đã rời Okinawa tới Trung Đông với nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo dài hạn đầu tiên của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) ở nước ngoài. Các máy bay này sẽ thay thế một đơn vị tham gia vào các nhiệm vụ chống cướp biển ở ngoài khơi Somalia. Đơn vị này sẽ thực hiện nhiệm vụ tại Vịnh Oman, khu vực phía Bắc Biển Arab và Vịnh Aden, nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu thương mại liên quan đến Nhật Bản đi qua khu vực này.

Một máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản khởi hành từ một căn cứ không quân ở Naha, tỉnh Okinawa hôm thứ Bảy (11.1) đến Trung Đông, với nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo dài hạn đầu tiên ở nước ngoài. Ảnh: Kyodo
Một máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản khởi hành từ một căn cứ không quân ở Naha, tỉnh Okinawa hôm thứ Bảy (11/1) đến Trung Đông, với nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo dài hạn đầu tiên ở nước ngoài. Ảnh: Kyodo

Thực tế, đây là bước đi đầu tiên hiện thực hóa thỏa thuận giữa Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong chuyến công du đến Tokyo mới đây của nhà lãnh đạo quốc gia Hồi giáo. Theo đó, Nhật Bản sẽ phái cử các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ trên biển của nước này tới Trung Đông.

Ngay khi thỏa thuận này đạt được, giới quan sát đã cho rằng, đây là một nước cờ khôn khéo của Tokyo, trong bối cảnh nước này đang phải chịu sức ép của đồng minh Mỹ để tham gia liên minh quân sự “Sáng kiến An ninh Hàng hải” do Mỹ dẫn đầu. Tất nhiên, các lực lượng của Nhật Bản chỉ với mục đích “điều tra và nghiên cứu”; và rằng, các lực lượng này sẽ không hoạt động ở eo biển Hormuz - điều mà Tehran luôn cảnh giác. Trước đó, Iran luôn phản đối khi cho rằng, sự xuất hiện của liên minh này sẽ chỉ khiến tình hình khu vực thêm phức tạp mà thôi.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trả lời báo chí trước khi lên đường đến các nước Trung Đông. Ảnh: Kyodo
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trả lời báo chí trước khi lên đường đến các nước Trung Đông. Ảnh: Kyodo

Cần nhắc lại, là một quốc gia nghèo tài nguyên, hiện có tới khoảng 90% lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản là từ Trung Đông, trong đó có tới gần 70% là từ Iran. Thế nhưng, kể từ khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa Iran và các cường quốc đồng thời áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt, Nhật Bản đã vô tình mắc kẹt, rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa mối quan hệ trắc trở Mỹ - Iran. Bị áp đặt lệnh trừng phạt, nguồn cung năng lượng từ Iran đến Nhật Bản gián đoạn, khiến chính quyền Tokyo phải đau đầu tìm nguồn năng lượng khác.

Ngay cả khi có tìm được nguồn năng lượng khác thay thế, thì bất cứ diễn biến xung đột, căng thẳng nào giữa Mỹ và Iran nói riêng và Trung Đông nói chung, cũng sẽ khiến Nhật Bản rơi vào kịch bản “khủng hoảng năng lượng”. Tình thế này đã khiến Nhật Bản càng có lý do để thúc đẩy vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ với Iran nói riêng, tình hình căng thẳng tại Trung Đông nói chung, tránh những diễn biến xấu đe dọa an ninh năng lượng của nước này.

Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh Persian. Ảnh: AFP/TTXVN
Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh Persian. Ảnh: AFP/TTXVN

Thúc đẩy sáng kiến hòa bình

Trong bối cảnh rối ren như hiện nay, chuyến thăm 5 ngày tới Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman lần này của Thủ tướng Abe là một trong những bước đi chiến lược nhằm đảm bảo lợi ích của Tokyo tại khu vực. Bởi theo Thủ tướng Abe, đây là những quốc gia có vai trò quan trọng có nhiều tác động và ảnh hưởng đến việc ổn định tình hình Trung Đông. Chẳng thế mà bất chấp căng thẳng khu vực leo thang những ngày qua, trong khi báo chí Nhật Bản cũng có thông tin Thủ tướng sẽ hủy chuyến thăm, ông Abe vẫn quyết định thực hiện chuyến công du này. Riêng quyết định này cũng đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Thủ tướng Abe với điểm nóng Trung Đông.

Theo giới quan sát, lợi thế của Nhật Bản đó là mối quan hệ tốt đẹp với cả 3 nước này vốn đã được thiết lập được thời gian qua. 

Tại điểm dừng chân đầu tiên là Saudi Arabia, Thủ tướng Nhật Bản đã được Hoàng tử Faisal bin Bandar bin Abdulaziz - Thống đốc vùng Riyadh tiếp đón; sau đó là cuộc hội kiến với Thái tử Mohammed bin Salman.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã đến Riyadh, Saudi Arabia hôm thứ Bảy (11/1) trong chặng đầu tiên chuyến công du 3 nước Trung Đông để tăng cường hơn nữa hợp tác song phương giữa Tokyo và khu vực. Ảnh: Arab News
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã đến Riyadh, Saudi Arabia hôm thứ Bảy (11/1) trong chặng đầu tiên chuyến công du 3 nước Trung Đông để tăng cường hơn nữa hợp tác song phương giữa Tokyo và khu vực. Ảnh: Arab News

Dự kiến tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman, Thủ tướng Abe cũng sẽ tiếp tục trao đổi về các kế hoạch của Nhật Bản nhằm kêu gọi sự hỗ trợ của các nước này trong việc đưa các đơn vị thuộc Lực lượng Phòng vệ của Tokyo tới Trung Đông. Rõ ràng, có được cái gật đầu của các nước này, các tàu thương mại của Nhật Bản mới có thể hoạt động an toàn và hiệu quả.

Mặt khác, trước chuyến thăm, ông Abe cũng phát biểu với báo chí rằng, Nhật Bản sẽ đề xuất những sáng kiến mới với phương châm kiên quyết thực hiện đối thoại hòa bình để giảm nhiệt căng thẳng khu vực. Các cuộc gặp với lãnh đạo 3 nước lần này cũng sẽ giúp Thủ tướng Abe khám phá thêm những giải pháp có thể ổn định tình hình khu vực cũng như đảm bảo an ninh năng lượng, thương mại cho Nhật Bản.

Chưa hết, có ý kiến còn cho rằng, thông qua việc triển khai các lực lượng chiến đấu, nâng cao vai trò và tầm ảnh hưởng tại Trung Đông, Thủ tướng Abe còn đang muốn thoát khỏi quy chế sau chiến tranh - vốn chịu ảnh hưởng và chi phối lớn từ Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nếu tiếp đà thành công, Nhật Bản sẽ có cơ hội thay đổi Hiến pháp cũng như sở hữu lực lượng quân đội thực sự.

Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trước tàu hộ tống Makinami ở cảng Sasebo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo
Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trước tàu hộ tống Makinami ở cảng Sasebo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Tất nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu này không hề dễ dàng. Đó là làm sao vừa cân bằng quan hệ với đồng minh Mỹ vừa không “chọc giận” Iran, đồng thời vẫn giữ được quan hệ tốt đẹp với các nước đối thủ của Iran để không ảnh hưởng đến vai trò trung lập trong khu vực. Đó là chưa kể, Thủ tướng Abe cũng đang phải đối diện với sức ép từ trong nước, khi lãnh đạo 4 đảng đối lập gồm đảng Dân chủ lập hiến, Dân chủ quốc dân, Cộng sản và Dân chủ xã hội vừa nhất trí kêu gọi chính phủ rút lại quyết định cử Lực lượng phòng vệ (SDF) đến Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng hiện nay!

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.