Thăm Trung Quốc, Kim Jong-un đang muốn thể hiện như một “người chơi bình đẳng”

(Baonghean) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc hội đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm tới Bắc Kinh từ ngày 25-27/3.

Chuyến thăm mang tính lịch sử và diễn ra bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc được cho là ẩn chứa nhiều mục đích trong bối cảnh tình hình nội bộ của hai quốc gia và diễn biến quốc tế đang có nhiều thay đổi quan trọng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và giới chức hai nước hội đàm tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Tân hoa xã.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và giới chức hai nước hội đàm tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Tân hoa xã.
 Dấu mốc lịch sử

Chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được giữ bí mật cho tới tận lúc kết thúc. Báo giới và dư luận chỉ phỏng đoán dựa vào những hình ảnh của một đoàn tàu sơn màu xanh và vàng - giống con tàu từng chở các nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc trong quá khứ  - đến Bắc Kinh trong bối cảnh an ninh được thắt chặt.

Như vậy, đây là chuyến công du nước ngoài lần đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi ông nắm quyền vào năm 2011. Có thể thấy, trong suốt 7 năm qua, ngoài sự đối đầu với Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn thể hiện lập trường chính sách “thoát Trung”.

Điều đó thấy rõ trong việc Triều Tiên hạ quyết tâm phát triển vũ khí bất chấp áp lực từ bên ngoài, ít nhất cho đến khi nước này sở hữu được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đủ sức vươn tới Mỹ.

Các vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên cuối năm 2016 và cả năm 2017 đã khiến Trung Quốc bị đẩy vào thế mắc kẹt: vừa bị Mỹ thúc ép, vừa bị Triều Tiên “qua mặt”. Bắc Kinh buộc phải áp dụng lệnh trừng phạt ngừng nhập than đá từ Triều Tiên khiến quan hệ song phương càng thêm băng giá.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu thăm Trung Quốc kể từ năm 2011. Ảnh: Tân hoa xã
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu thăm Trung Quốc kể từ năm 2011. Ảnh: Tân hoa xã
Trong bối cảnh như vậy, chuyến thăm Bắc Kinh bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên lần này có thể xem là một “cột mốc lịch sử” quan trọng trong việc cải thiện quan hệ Trung - Triều. Đã từ rất lâu người ta mới thấy những cái bắt tay, nhưng ngôn từ hoa mỹ xuất hiện trong mối quan hệ giữa hai láng giềng và đồng minh này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi một “kỷ nguyên mới” và kỳ vọng “tình hữu nghị đơm hoa kết trái” trong quan hệ song phương với Trung Quốc trong một lá thư gửi Chủ tịch tập Cận Bình và mời ông Tập sang thăm Bình Nhưỡng.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Triều Tiên theo phương châm duy trì tốt, củng cố tốt và phát triển tốt.

4 đề xuất của ông Tập Cận Bình với Triều Tiên

Thứ nhất: tiếp tục phát huy định hướng quan hệ trong trao đổi cấp cao.

Thứ hai: phát huy truyền thống, hai bên cần thường xuyên đi sâu trao đổi về những vấn đề quan trọng.

Thứ ba: tích cực thúc đẩy hòa bình, phát triển, hợp tác cùng thắng, có lợi cho nhân dân hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Thứ tư: thông qua các hình thức khác nhau, tăng cường giao lưu nhân dân, cùng cố nền tảng quan hệ nhân dân hai nước đặc biệt là thế hệ trẻ, kế thừa và phát huy mối quan hệ truyền thống Trung - Triều.

Đâu là cú hích?

Chuyến công du Trung Quốc lần đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rõ ràng mang làn gió ấm, xua tan băng giá trong mối quan hệ Trung - Triều bấy lâu. Vậy điều gì là “cú hích” cho sự thay đổi này?

Không khó để nhận ra, lần tới Bắc Kinh này của lãnh đạo Triều Tiên phần lớn liên quan đến các cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ dự kiến trong tháng 4 và tháng 5 tới. Đây không chỉ là sự kiện trọng đại với ngoại giao Triều Tiên mà còn là diễn biến quan trọng của chính trị quốc tế.

Một số nhà quan sát cho rằng, Bình Nhưỡng có thể đang cần sự hỗ trợ và lời khuyên từ Bắc Kinh trước cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc. Khác với cuộc gặp liên Triều, cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều sẽ là một bước ngoặt lớn nhưng cũng chứa nhiều rủi ro.

Nếu Hội nghị không thành công sẽ khiến mối quan hệ hai bên tồi tệ hơn, không loại trừ khả năng Tổng thống Donald Trump chuyển hướng sang cách tiếp cận cứng rắn hơn, thậm chí là một cuộc tấn công quân sự.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và phu nhân Ri Sol Ju, (trái) vẫy tay chào Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Peng Liyuan (phải) trước khi rời Bắc Kinh. Ảnh: Tân hoa xã.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và phu nhân Ri Sol Ju, (trái) vẫy tay chào Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Peng Liyuan (phải) trước khi rời Bắc Kinh. Ảnh: Tân hoa xã.
Một mối quan hệ ổn định với Trung Quốc sẽ giúp ngăn chặn những hành động vượt quá tầm kiểm soát của Mỹ với những hậu quả nặng nề.

Mặc dù Bình Nhưỡng rất muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Bắc Kinh song ông Kim Jong-un cần sự ủng hộ của Trung Quốc nếu ông đặt mục tiêu ký kết một hòa ước lâu dài thay cho hiệp định đình chiến kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953.

Ở khía cạnh khác, Triều Tiên có thể cũng muốn khẳng định rằng, việc đồng ý đối thoại với Hàn Quốc và Mỹ là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã thay đổi chính sách. Và vì thế Trung Quốc với tư cách là đối tác kinh tế lớn nhất cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Trong một chừng mực nào đó, cũng có thể hiểu chuyến thăm Bắc Kinh lần này của lãnh đạo Triều Tiên đơn giản là “biểu tượng của phép lịch sự” với Trung Quốc. Mặc dù có nhiều rạn nứt song Trung Quốc là đồng minh thân thiết duy nhất với Triều Tiên kể từ cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953).

Sắp xếp theo thứ tự và mức độ mối quan hệ, Triều Tiên cần gặp lãnh đạo Trung Quốc, trước khi gặp lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ - hai quốc gia mà Bình Nhưỡng từng coi là kẻ thù.

Một “người chơi bình đẳng”?

Nếu nhìn tổng thể các diễn biến ngoại giao gần đây của Triều Tiên, dường như nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang muốn thể hiện như một “người chơi bình đẳng” trên sân khấu chính trị thế giới, chứ không phải là một bên bị phụ thuộc.

Chiến lược “ngoại giao quyến rũ” theo cách gọi của phương Tây dường như đang được Triều Tiên tận dụng tối đa. Ban đầu là Hàn Quốc, rồi đến Mỹ và giờ là Trung Quốc.

Trong tất cả các bước đi, từ lên kế hoạch hội đàm với Hàn Quốc, nhất trí đối thoại với Mỹ và có thể cả Nhật Bản, Triều Tiên đều “ngó lơ” vai trò của Trung Quốc. Chỉ đến khi các cuộc gặp sắp được an bài, nhà lãnh đạo Triều Tiên mới tới Bắc Kinh, trong một động thái mang ý nghĩa “thông báo”.

“Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết, nếu Hàn Quốc và Mỹ thể hiện thiện chí với những nỗ lực của chúng tôi, tạo bầu không khí hòa bình và ổn định, đồng thời tiến hành các giải pháp đồng bộ và tiến bộ nhằm kiến tạo nền hòa bình”

 Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc, không ít lần ông Kim Jong-un thể hiện vai trò tự chủ đó. Ông khẳng định chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài là bởi sự thiện chí của Bình Nhưỡng muốn “vun đắp tình hữu nghị truyền thống hai nước”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng khẳng định chính họ đã đưa ra sáng kiến xoa dịu căng thẳng và thúc đẩy đề xuất cho các cuộc hòa đàm khiến tình hình tại khu vực trở nên tốt hơn.

Rõ ràng, chính sách đối ngoại của Triều Tiên đã thay đổi một cách đáng kể với những dấu hiệu chưa từng có trước đó. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang tận dụng đòn bẩy mới của mình để định hình lại mối quan hệ với cả đối thủ lẫn đồng minh sao cho có lợi cho mình. 

Nói cách khác, chuyến thăm của Kim Jong-un tới Trung Quốc đồng nghĩa với việc Triều Tiên đang nghiêm túc tái định hình các mối quan hệ và vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế.

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.