Thận trọng với rượu tự chế
Rượu hoa quả tự chế không gây độc hại ngay, nhưng nếu pha theo ngẫu hứng, uống vào có thể gây đầy bụng. Bản chất rượu uống vẫn gây tác động tới thần kinh, hệ tiêu hóa, gan, máu.
‘Sốt’ rượu hoa quả tự chế
Ảnh Internet |
Tự học các công thức pha chế rượu trên mạng, chị Quỳnh Anh ( Liễu Giai, HN) quyết định Kinh doanh rượu hoa quả tự chế sau vài lần thử nghiệm thành công tại nhà.
Giá mỗi bình rượu hoa quả chị Quỳnh Anh bán với giá 200.000 đồng/1 lít. Theo chị Quỳnh Anh, rượu được pha với nhiều cách khác nhau tùy theo hương vị nhưng chủ yếu gồm các nguyên liệu như rượu vang, rượu mạnh, đường, nước ngọt vị trái cây, nước soda hoặc sprite, cùng các loại hoa quả như cam, chanh, táo, lê, dưa hấu…
Cũng theo chị Quỳnh Anh, rượu ngâm hoa quả rất nhẹ, dễ uống, vị thơm và mát. Vì thế, cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể uống, thậm chí uống nhiều mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Ảnh: Internet |
"Vì dễ uống, lại có công dụng làm đẹp da, tốt cho tiêu hóa nên số lượng rượu ngâm hoa quả luôn hút hàng, khách đặt nhiều nên mình phải làm nhiều để đáp ứng nhu cầu của khách. Riêng tháng cuối năm tôi đã bán đến hàng chục lít rượu phục vụ tất niên cho các chị em công sở", chị Quỳnh Anh nói.
Không chỉ chị Quỳnh Anh, trên mạng xã hội, công thức ngâm rượu hoa quả tự chế cũng được nhiều người chia sẻ và thực hiện. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, khi sử dụng loại rượu này không tốt cho sức khỏe, thậm chí có hại nếu sử dụng trái cây nó nấm mốc sẽ dễ dàng gây ngộ độc.
Không “độc” nhưng có hại cho sức khỏe khi lạm dụng
Theo chuyên gia Công nghệ thực phẩm, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, rượu hoa quả sẽ giúp giảm nhẹ nồng độ cồn có trong rượu, vì thế phù hợp với nhiều người hơn, trong đó có cả phụ nữ, hay người lớn tuổi. Tuy nhiên đừng vì thế mà chủ quan. Bởi, thực chất, đồ uống này vẫn có nồng độ cồn nhất định. Việc thấy rượu ngon, ngọt, độ cồn nhẹ mà uống nhiều cũng ngang với nồng độ cồn đưa vào cơ thể cao.
“Nồng độ cồn khi đưa vào cơ thể sẽ sinh nhiệt nên chúng ta thấy nóng. Cồn cũng tác động đến thần kinh và các cơ quan khác như gan, thận… Nên uống nhiều rượu pha hoa quả đau đầu là dễ hiểu, PGS Thịnh cho hay.
Ngoài ra, ông Thinh cũng phân tích thêm, rượu ở đây là khái niệm chung nhưng khi pha người ta dùng rượu gì, loại nào, xuất xứ ra sao… thì mới quan trọng. Như, rượu mạnh là loại rượu nào? Rượu nấu thủ công hay rượu nhập khẩu, rượu giả, rượu sản xuất trong nước… Nếu dùng rượu nấu thủ công và rượu giả để pha thì ngoài thành phần rượu còn có methanol không chỉ gây đau đầu mà có thể làm chết người.
Đặc biệt, những người có tiền sử bị bệnh như tiểu đường, tim mạch, dạ dày… không nên uống loại nước này. Vì không chỉ có rượu mà nồng độ đường cao. Vì thế, người uống cần cân nhắc để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
PGS Thịnh nhận định, hỗn hợp như trên khi pha xong để 1 thời gian uống sẽ chuyển thành dạng giấm chứ không phải rượu. Đồ uống này sẽ không gây độc hại ngay, nhưng nếu pha theo ngẫu hứng, uống vào có thể gây đầy bụng. Bản chất rượu uống vẫn gây tác động tới thần kinh, hệ tiêu hóa, gan, máu.
Nói về nguy cơ gây ung thư, PGS Thịnh cho biết loại rượu ngâm hoa quả này không thể gây ung thư được. Các loại hoa quả khi gặp rượu, nước ngọt có gas, đường tạo lên men như một loại giấm không có tác dụng bồi bổ cơ thể, uống khi đói có thể ảnh hưởng tới dạ dày hoặc nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa.
"Còn để sinh ung thư thì phải qua thời gian dài và có các chất lạ, chất lạ này gây ra đột biến tế bào lạ mới sinh ung thư ", PGS Thịnh khẳng định.
Bên cạnh đó, theo PGS Thịnh, trong khoa học không có độc tố anphatocxin, mà chỉ có độc tố aflatoxin có thể gây hại cho gan, thận thậm chí tăng nguy cơ ung thư gan. PGS Thịnh nhấn mạnh, aflatoxin chỉ sinh ra từ nấm mốc của các loại hạt ngũ cốc, hạt chứa dầu như gạo, ngô, đậu tương, lạc, vừng, hạnh nhân… chứ không có trên hoa quả.
"Việc pha trộn rượu với nước hoa quả nguyên chất từ thiên nhiên, hay với các loại quả tươi thì sẽ không ảnh hưởng gì cả. Vì ông cha ta vẫn thường ngâm hoa quả với rượu để tạo ra thức uống giải khát bổ dưỡng. Tuy nhiên, nếu pha rượu với các loại nước ngọt có ga, nước hoa quả công nghiệp có phẩm màu hóa học, đồ uống chứa caffeine thì lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ phản ứng và gây bệnh cho cơ thể".
Bà Đinh Thị Kim Liên, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)