Tháng Ba trên đảo Anh hùng

07/03/2013 18:52

(Baonghean.vn) - “Nếu tôi không cầm súng trực tiếp đánh Mỹ được nữa, thì Đảng cho tôi cầm bút đánh Mỹ…”. Những dòng chữ trước lúc hy sinh mà liệt sỹ Phạm Hồng Thủ ghi lại đã được lưu ở Bảo tàng Quân khu 4. Đó cũng là tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của cán bộ và chiến sỹ Đảo Mắt suốt trong những năm chiến tranh ác liệt. Ngày 31 tháng 3 năm 2013, Đảo kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

Sách Nghệ An ký của Hoàng Giáp Bùi Dương Lịch (Thời cuối Lê đầu Nguyễn) đã viết: “Đảo Mắt - đó là một hòn đảo nhỏ, án ngữ một vùng của biển Đan Nhai, trông vào đất liền, canh giữ kẻ xâm lăng dòm ngó”. Còn theo các nhà quân sự thì đảo Mắt với vị trí, độ cao chiến lược, chính là “con mắt” gìn giữ bình yên suốt cả vùng Duyên hải Bắc Trung bộ. Ngày 31/3/1963, sau 4 ngày vượt biển, Đại đội 32 của Sư đoàn 324 đã có mặt tại đảo Mắt để bảo vệ vùng biển, vùng trời của tổ quốc, góp phần đánh tan âm mưu chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược. Mười năm sau - năm 1973 - Đảo vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.




Bộ đội đảo Mắt đón khách xa

Những ngày đạn lửa

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảo Mắt được giao nhiệm vụ đánh địch tập kích đường không, đổ bộ vào đất liền bằng đường biển trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà tĩnh, đồng thời bảo vệ và tiếp chuyển cho các đoàn vận tải hàng hóa, vũ khí trang bị cho chiến trường Miền Nam đánh Mỹ. Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ bắt đầu điên cuồng đánh phá miền Bắc. Đảo Mắt là một trọng điểm đánh phá của chúng. Không ngày nào ngớt tiếng bom đạn trên Đảo. Mỗi ngày bình quân Đảo phải chịu 2 tới 3 trận oanh kích. Hàng trăm trận thử lửa nóng bỏng càng làm Đảo vững vàng hơn lên để đối mặt với kẻ thù. Trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại, Mỹ đã hơn 400 lượt đánh phá Đảo, cán bộ chiến sỹ kiên cường bám trụ đánh lại chúng hàng trăm trận. Có trận chúng dùng hàng chục máy bay với hàng trăm quả bom tấn, bom tạ , rốc két, bom bi, bom phạt… dội xuống hòn đảo chỉ là một chấm mờ trên bản đồ quân sự. Nhiều trận, bom Mỹ nổ cách trận địa pháo chừng 2 đến 3 mét, nhưng tiếng pháo phòng không kiên cường từ Đảo vẫn vang rền, vít đầu giặc xuống, bắt chúng phải đền tội. Hàng trăm tàu chiến, thủy phi cơ đến cứu phi công đều bị Đảo đánh đến khiếp sợ, quay đầu tháo chạy.

Đảo đã trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm giữa biển trời Tổ quốc. Trong chiến đấu đã có nhiều đồng chí nêu cao tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” tiêu biểu như Hồ Kiên Giao, khi quanh mình bom đạn địch cày xới, bị thương nặng mà không một tiếng kêu la, vẫn động viên khẩu đội tiếp tục chiến đấu, phút cuối cùng ngã xuống anh vẫn ở trong tư thế tiếp đạn cho đồng đội bắn tan xác một máy bay F105 của giặc Mỹ. Y tá Phan Đình Châu dùng thân mình đỡ chân súng cho đồng đội bắn khi trên mình mang đầy thương tích. Còn rất nhiều các đồng chí: Lưu, Linh, Quý, Lạt và đặc biệt như liệt sỹ Phạm Hồng Thủ, khi đã bị thương rất nặng với hàng chục vết thương, nằm trên bàn mổ suốt 9 tiếng đồng hồ vẫn lạc quantin tưởng, không một tiếng kêu la, gần tắt thở anh ghi lại quyết tâm “Nếu tôi không còn cầm súng trực tiếp đánh mỹ được nữa, thì Đảng cho tôi được cầm bút đánh Mỹ…”. Nay những dòng chữ bất hủ đó đã được đưa vào phòng truyền thống của Bảo tàng Quân khu 4.

Tinh thần dũng cảm kiên cường của cán bộ chiến sỹ Đảo Mắt đã được ghi danh với việc bắn chìm 14 tàu chiến, bắn rơi và bắn hỏng 15 máy bay các loại, giải thoát cho 3101 lượt thuyền dân, cứu sống 137 ngư dân bị nạn. Ngày 11/1/1973, đảo vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Điều đó càng làm cho cán bộ chiến sỹ trên Đảo thêm vinh dự, tự hào, chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Năm tháng qua, thành tích, chiến công của Đảo ngày một dày thêm với 2 Huân chương Quân công, và Huân chương Chiến công cao quý nhất mà Đảo giành được là giữ được vùng trời, vùng biển Khu Bốn đluôn bình yên.

Không chỉ thế, cán bộ, chiến sỹ đã bằng mồ hôi, công sức biến Đảo trở thành một đảo sinh thái, mà có người đã nhận định là lá phổi điều tiết không khí cho khu du lịch Cửa Lò. Đảo trưởng, thiếu tá Đinh Xuân Lâm, cho biết: việc tăng gia trên đảo được chú trọng ở mức cao đáp ứng, cải thiện được nhu cầu thiết yếu về rau xanh và thực phẩm trong bữa ăn của cán bộ chiến sỹ trên đảo. Tiêu chuẩn khoán mỗi người 80kg rau củ quả, từ 10 – 12 kg thịt cá một năm. Lính đảo còn tự túc muối dưa, cà, thường trực có 300 lít nước mắm, 3 ngày làm thịt một con lợn 60 - 80kg. Đảo còn có chừng 300 con gà, 30 con bò. Năm nay, Đảo được lắp đặt một cột thu phát sóng tín hiệu điện thoại di động Viettel. Đây chính sự động viên và là cơ hội để cán bộ, chiến sỹ trên đảo có thể liên lạc với gia đình và người thân, nhất là những chiến sỹ trẻ, lần đầu tiên xa gia đình.

“Ở đảo thì nhớ nhà, về nhà lại nhớ đảo...”:


Đó là câu tâm sự chúng tôi nghe được từ chiến sỹ Kha Văn Ước, người dân tộc Thái, quê mãi tận xã Tam Thái (huyện Tương Dương) xa hút. Nhưng lên với Đảo, đã kịp bén cái mặn mòi của biển mà bâng khuâng nhớ Đảo mỗi khi tạm rời. Đó cũng là tâm sự của những người ở cùng đảo, như thượng úy Nguyễn Đình Thưởng, năm 2007 anh đã ra cùng Đảo, Đảo đã thành một phần máu thịt trong anh.

Đảo Mắt nằm cách đất liền trên 30km, nhưng biển cả không cách trở được tình cảm hậu phương. Năm nào cũng có nhiều đoàn khách từ đất liền ra thăm Đảo, đặc biệt như Thành đoàn Vinh duy trì tình cảm đó suốt nhiều năm nay. Từ khi các đoàn cập mạn cầu cảng cho tới lúc đoàn trở về là những giây phút tưng bừng của lính đảo. Để rồi khi chân vịt sôi lên, tàu quay mũi trở về, lính đảo như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới, chắc tay súng, an lòng đứng đầu ngọn sóng gìn giữ bình yên cho hậu tuyến.

Thay mặt cán bộ chiến sỹ Đảo Mắt, Đảo trưởngThiếu tá Đinh Xuân Lâm đã gửi về đất liền những lời nhắn nhủ: “Với những tình cảm đất liền đã dành cho, chúng tôi xin hứa chắc tay súng để Đảo Anh hùng tiếp tục giữ vững tinh thần anh hùng. Luôn xứng đáng với lòng mong mỏi của đất liền, luôn là tiền tuyến lớn của một hậu phương lớn anh hùng”.


Trần Hải

Mới nhất
x
Tháng Ba trên đảo Anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO