Tháng Bảy – Về với các anh !

12/07/2012 18:11

(Baonghean.vn) -Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời đau thương và hào hùng của Dân tộc vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của mỗi người dân Đất Việt, vẫn ngân vang trong từng hơi thở và nhịp đập của hàng triệu trái tim...

Trong những ngày đầu tháng Bảy, Đoàn cán bộ Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Nghi Lộc với 39 thành viên do đồng chí Trần Hữu Lam – PCT UBND huyện dẫn đầu đã có cuộc hành hương về Quảng Trị để thắp nén hương thơm tri ân các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc.

Điểm đầu tiên Đoàn chúng tôi tới là Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn liệt sĩ. Quang cảnh nơi đây tôn nghiêm, trầm mặc với bốn bề bát ngát cây cao gió lộng. Nghĩa trang tọa lạc trên vùng đồi cao giữa đại ngàn Trường Sơn. Đài tưởng niệm trung tâm bằng đá trắng cao vút, uy nghiêm, phía sau đài tưởng niệm là một cây bồ đề tán lá xum xuê mang trong mình những sự tích lạ kì - Cây bồ đề là loại cây thiêng nơi đất phật, thế mà ở nơi đây, cây bồ đề không ai trồng tự nhiên xuất hiện và phát triển rất nhanh, quanh năm tỏa bóng mát cho đài tưởng niệm. Theo hướng dẫn của người quản trang, đồng chí Trần Hữu Lam – PCT UBND huyện tới trước tháp chuông đồng bên đài tưởng niệm, dóng hồi chuông linh thiêng thỉnh nguyện vong linh các liệt sĩ và đặt vòng hoa dưới chân tượng đài. Thân chuông khắc lời từ tha thiết: "Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ; Dạt dào Đông Hải khí anh linh; Ba hồi chiêu mộ rung tâm khí; Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình". Đoàn chúng tôi thắp hương thành kính tưởng niệm, khói hương thơm ngát bay qua tượng đài, len lỏi dưới tán lá bồ đề rồi tỏa khắp khu nghĩa trang rộng đến mênh mang… Cầm nén nhang trên tay cắm lên từng ngôi mộ, trong lòng mỗi người không khỏi bùi ngùi xúc động, tiếc thương và biết ơn vô hạn trước sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ cho nền độc lập, tự do của đất nước Việt Nam hôm nay.

Thắp hương viếng các liệt sĩ

Rời Nghĩa trang Trường Sơn, Đoàn đến với Di tích lịch sử Nhà tù Lao Bảo và sân bay Tà Cơn. Từ đường Hồ Chí Minh chúng tôi tiếp tục đi thăm viếng Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9. Hàng ngàn ngôi mộ liệt sỹ xếp hàng lối thẳng tắp, trang nghiêm như một đoàn quân trước giờ ra trận, các anh đã hy sinh và biến thành trời xanh, mây trắng, thành độc lập, thống nhất, tự do cho dân tộc. Chiến công và sự hy sinh oanh liệt của các anh vô cùng vĩ đại, nó hiển hiện sừng sững như tượng đá hoa cương trong nghĩa trang, thành tượng đài trong tâm hồn và trái tim của các thế hệ hôm nay.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi có mặt tại Di tích thành cổ Quảng Trị - nơi chứng kiến 81 ngày đêm của “mùa hè đỏ lửa năm 1972”. Cảm xúc dâng trào và nghèn nghẹn ngay khi chị hướng dẫn viên đọc những vần thơ của cựu chiến binh Phạm Đình Lân:

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào ”

Tất cả những người trong Đoàn đều xúc động khi được nghe kể về cuộc chiến đấu cam go, ác liệt với sự hy sinh, tổn thất to lớn. Tại thành cổ, hơn 300.000 tấn bom đã được thả với sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hyroshima hồi thế chiến thứ nhất. Người ta đã tính toán rằng mỗi mét vuông thành cổ phải chịu hơn 400 quả bom và đạn pháo cày xới. Dưới hỏa lực đó không gì có thể tồn tại được, gang thép cũng phải tan chảy, một gọng cỏ cũng không sống được dù ở dưới hầm sâu. Trong lá thư cuối cùng của một người lính và cũng là duy nhất chúng ta tìm được tại thành cổ, anh đã kể lại thời khắc cuối: bom nổ suốt ngày đêm, chúng con như phát điên, sức ép bom làm máu tràn ra từ tai, mũi, mắt. Máu tràn ra ở cả ba nơi thì chúng con sẽ chết. Đồng đội xung quanh chết cả rồi, máu cũng tràn ra ở mắt con rồi, mẹ ơi…! 81 ngày đêm là 81 ngày hàng nghìn chiến sỹ đã hy sinh để đắp xây nên tượng đài sừng sững về khát vọng độc lập, về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh quốc gia. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn viết tại bảng vàng thành cổ "Chúng ta đã chịu đựng được không phải chúng ta là gang thép. Vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thực sự, những con người Việt Nam với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

Tối hôm đó, Hội LHPN thị xã Quảng Trị đã tổ chức Lễ hội thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ tới những người lính hy sinh trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Âm hưởng bài thơ “Lời người bên sông” của Cựu chiến binh Lê Bá Dương như vang lên đầy xúc động và bồi hồi: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ - Đáy sông còn có bạn tôi nằm - Có tuổi hai mươi thành sóng nước - Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”…

Trên đường từ Quảng Trị trở về Nghệ An chúng tôi ghé thăm địa đạo Vịnh Mốc - một huyền thoại trong thời chống Mỹ cứu nước được xây dựng và kiến tạo như một tòa lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín bao điều kỳ lạ của những người làm ra nó và thời đại mà nó được sinh ra…

Hành trình về nguồn đã khép lại, nhưng dư âm còn đọng lại mãi trong mỗi chúng tôi. Chia tay Quảng Trị với các địa danh bất tử, tạm biệt các liệt sỹ Trường Sơn, Đường 9, Thành cổ Quảng Trị... lòng chúng tôi bỗng dạt dào cảm xúc với niềm tự hào và biết ơn vô hạn. Các anh, các chị đã thắp sáng mãi ngọn lửa truyền thống của Dân tộc, sáng mãi trong đất trời Việt Nam thống nhất.


Minh Sâm - Phòng VHTT huyện Nghi Lộc

Mới nhất
x
Tháng Bảy – Về với các anh !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO