Thành công không đợi tuổi
(Baonghean) - Trong những năm qua, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp được tuổi trẻ huyện Nam Đàn tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đã đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện. Anh Nguyễn Văn Cường ở xóm Bắc Sơn 1, xã Nam Hưng, là một trong những tấm gương tiêu biểu...
Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Cường (SN 1991) với cách trò chuyện dí dỏm, còn mang phong cách tuổi teen, ít ai nghĩ được rằng lại là chủ của một trang trại vườn, ao, chuồng, rừng (VACR), cho lãi ròng hơn 150 triệu đồng/năm. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên sau khi rời ghế nhà trường, Cường đã phải lặn lội khắp nơi, từng làm nhiều công việc để trang trải cuộc sống, nhưng tiền tích lũy chẳng được là bao. Cường đã nhận ra rằng, tuổi trẻ có ý chí, có hoài bão hoàn toàn có thể tự mình làm chủ xây dựng tương lai, đồng thời có thể vận dụng các điều kiện, cơ chế chính sách của Đảng, nhà nước, thông qua tổ chức Đoàn để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay trên đồng đất quê mình.
Năm 2010, Nguyễn Văn Cường đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi cách nuôi chim bồ câu nhốt, loại hình chăn nuôi còn khá mới mẻ ở địa phương. Từ 20 cặp con giống bồ câu Pháp nuôi thử nghiệm, sau 2 năm Cường đã xây dựng được chuồng trại kiên cố nuôi chim bồ câu khép kín khá hoàn chỉnh với 120 đôi bố mẹ; trung bình mỗi cặp đẻ 8 - 9 lứa/năm, thu lãi ròng hơn 60 triệu đồng. Cường cho biết: "Thời gian đầu cũng chỉ tự nuôi theo kinh nghiệm của bố mẹ bày cho, nhưng khi quyết định đầu tư và chuyển sang nuôi hàng hoá thì tôi phải tìm tòi kỹ thuật qua tài liệu sách báo, Internet. Khi nuôi ở quy mô nhỏ tôi chủ yếu bán bồ câu thịt cho các đầu mối tiêu thụ ở TP Vinh. Sau mở rộng hệ thống chuồng trại, tôi kết hợp vừa nhân giống để cung cấp cho những hộ nuôi trong và ngoài địa phương vừa cung cấp chim thịt cho các nhà hàng có nhu cầu. Bình quân mỗi tháng xuất bán từ 60 - 70 đôi bồ câu thịt và bồ câu giống; giá bồ câu thịt từ 70.000- 75.000 đồng/đôi, chim giống 100.000 đồng/đôi cho thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Đây là một thu nhập rất đáng kể mà thị trường còn rộng mở”.
Mô hình nuôi bồ câu nhốt của anh Nguyễn Văn Cường ở xóm Bắc Sơn 2, xã Nam Hưng (Nam Đàn) |
Theo Cường thì nuôi chim bồ câu nhốt không khó, bởi chúng ít bị bệnh, chỉ cần làm chuồng thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng là được. Nguồn thức ăn rất đơn giản, chủ yếu là thóc và ngô cùng với nước uống sạch. Khi nuôi khép kín, chim bồ câu sinh sản rất nhanh, từ chim giống đến khi sinh sản chỉ khoảng 3 tháng, mỗi lần bồ câu đẻ được hai trứng, ấp 20 ngày là nở con; khi ra ràng 15 - 20 ngày là có thể xuất chim thịt. Chim mái có thể đẻ trải dài trong năm, lứa nọ tiếp lứa kia, khoảng cách giữa hai lứa khoảng 45 ngày. Trong điều kiện nuôi hợp lý, một cặp chim giống có thể sản sinh được 10 - 12 lứa/năm.
Qua thực tế nuôi, anh Cường chia sẻ kinh nghiệm: "Chim bồ câu có sức đề kháng với dịch bệnh khá tốt, nhưng nếu nuôi theo đàn lớn trong không gian hẹp phải định kỳ dọn dẹp vệ sinh chuồng, cạo sạch phân, thay ổ đẻ, phun thuốc sát trùng chuồng. Hàng ngày phải rửa máng để tránh chim uống nước bẩn đã lên men do cặn thức ăn đọng lại... Nuôi chim nhốt tỷ lệ đẻ và ấp đạt trên 90%. Chim câu ưa sống trong điều kiện thoáng mát, yên tĩnh nên trong khu vực chuồng trại phải có thiết kế nơi chỗ chim tắm; mỗi tuần 1 lần pha nước muối nhạt để cho chim tắm chống rệp. Chim câu thường đẻ vào khoảng 3 - 5 giờ chiều, do vậy cần hạn chế vào chuồng dễ gây hoảng loạn cho chim, có thể làm chúng ngưng đẻ trứng. Và khâu chọn giống cũng rất quan trọng, chú ý chọn những con chim có lông bụng dày mượt, không có dị tật, lanh lợi".
Không dừng lại ở mô hình nuôi chim bồ câu, đầu năm 2012 Nguyễn Văn Cường làm đơn lên UBND xã xin nhận thầu 3 ha đất đồi ở đập Tam Đồng (thuộc xóm Bắc Sơn 2) để phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Với nguồn vốn tích lũy và vốn vay ngân hàng 200 triệu đồng, anh đã quy hoạch trồng 1 ha keo lá tràm; 0,5 ha xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý hố thải nuôi 3 con lợn nái, 50 con gà đẻ; 1,5 ha cải tạo làm hồ nuôi cá các loại, trên bờ bao trồng cỏ vừa đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, cá, vừa chống xói mòn đất... Ngoài ra, anh còn nhận khoán, chăm sóc 1 ha thông của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Đàn để khai thác nhựa...
Bước đầu lập nghiệp, Cường gặp không ít khó khăn, nhưng rồi cũng từng bước vượt qua để triển khai và hoàn thành theo đúng kế hoạch xây dựng mô hình kinh tế VACR mình đã đề ra. Hiện trang trại của Cường đang có 4 con bò sinh sản, 20 con lợn thịt, hơn 100 con gà đẻ và hơn 200 kg cá các loại... Đất không phụ công người, riêng năm 2013 ngoài tiền lãi từ nuôi bồ câu anh còn có nguồn thu trên 150 triệu đồng từ bò, lợn, gà, cá; sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Chưa kể 1 ha keo khoảng 4 năm nữa sẽ có thêm nguồn thu không nhỏ. Nói về mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới, Cường vui vẻ cho hay: Là một đoàn viên thanh niên, tôi luôn xác định tâm thế cho mình là phải xung kích trong phong trào "Lập thân lập nghiệp". Những gì đã gây dựng được là cơ sở để tôi thực hiện khát vọng làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê mình. Khi điều kiện thuận lợi, tôi sẽ mở rộng chuồng trại, đảm bảo quy mô nuôi thêm 5 con bò sinh sản và tăng số lượng chim bồ câu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng...
Đi lên từ hai bàn tay trắng, với ý chí, tinh thần học hỏi và nghị lực phấn đấu không ngừng, Nguyễn Văn Cường đang là tấm gương sáng tiếp "lửa" cho thanh niên nông thôn vươn lên lập thân, lập nghiệp, khẳng định sức trẻ trên vùng quê đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở Nam Hưng – Nam Đàn.
Bài, ảnh: Ngọc Anh