Thanh tra Chính phủ sẽ 'tiếp dân qua mạng internet'
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nói, cơ quan này đang xây dựng quy trình tiếp dân qua mạng để giúp người dân "đỡ phải đi lại".
Chiều 29/7, Tổ công tác của Thủ tướng đã họp với các bộ, ngành để đôn đốc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo ông Trần Ngọc Liêm - Phó tổng thanh tra Chính phủ, cơ quan này được giao triển khai hệ thống thông tin một cửa điện tử, tiếp công dân, xử lý đơn thư qua mạng internet... Tuy nhiên, lĩnh vực thanh tra có đặc thù nên việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử của ngành gặp một số khó khăn.
"Chúng tôi đang cố gắng nghiên cứu để đưa ra quy trình, nhưng đã tiếp dân là phải gặp trực tiếp, nghe dân nói, thậm chí nghe hết rồi vẫn còn khó khăn. Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo có những vụ rất lâu dài, phức tạp nên tiếp dân qua mạng internet là vấn đề khó", ông Liêm nói.
Mặc dù có những vướng mắc, song theo ông Trần Ngọc Liêm, Thanh tra Chính phủ vẫn cố gắng triển khai vì "nếu việc này thông suốt sẽ giúp người dân đỡ phải đi lại.
"Vừa qua Thanh tra Chính phủ đã lấy ý kiến để xây dựng quy trình tiếp dân qua mạng. Chúng tôi sẽ vừa tiếp dân theo cách truyền thống, vừa tiếp dân qua mạng", ông Liêm cho hay.
Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm. Ảnh: Bá Đô |
Tổng hợp tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục cho hay, đã 62/95 bộ, cơ quan, địa phương hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành.
Đến nay, 85/95 cơ quan đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 68/95 bộ, ngành, địa phương đã sử dụng máy chủ bảo mật riêng; 27/95 đơn vị đang sử dụng máy chủ dùng chung do Văn phòng Chính phủ cung cấp.
Giám đốc Trung tâm thông tin Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Quang bày tỏ mong muốn Chính phủ ban hành nghị định thay thế nghị định 102 về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hoặc lồng ghép nội dung nói trên vào quyết định 80/2014 quy định về thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
"Nhiều văn bản gần đây đều ghi ưu tiên thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhưng không có hướng dẫn, nếu làm là làm liều, rất sợ, nên có căn cứ pháp lý đủ mạnh để thực hiện thì đỡ phức tạp hơn", ông Quang nói.
Ông cho biết, thực tế khi thuê một phần mềm, các đơn vị chào giá rất khác nhau, có nơi vài chục triệu đồng, nhưng cũng có doanh nghiệp chào vài trăm triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, nếu chọn nơi giá rẻ thì các đơn vị sợ không đảm bảo an toàn an ninh, chọn nơi có giá đắt thì yên tâm hơn nhưng "vấn đề kinh phí không biết xử lý như thế nào".