Tháo gỡ điểm nghẽn trong bồi thường oan sai

11/06/2017 15:15

Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đang được dư luận quan tâm, nhất là khi việc bồi thường oan sai vẫn nóng tính thời sự.

Phóng viên phỏng vấn luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam về Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

thao go diem nghen trong boi thuong oan sai hinh 1
Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam trao đổi với phóng viên VOV.

PV: Từ thực tiễn giải quyết bồi thường oan sai của cơ quan chức năng, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Thực tiễn bồi thường oan sai đã có những tiến bộ nhất định. Có 258 vụ oan sai, chúng ta đã giải quyết được hơn 200 vụ. Việc quan tâm chống oan sai trong tố tụng hình sự trở thành một trong những hoạt động thường xuyên.

Thực tiễn bồi thường oan sai bước đầu tạo niềm tin, những vụ việc vừa được giải quyết như ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình được bồi thường 23 tỷ đồng, ông Huỳnh Văn Nén được bồi thường hơn 10 tỷ đồng hay ông Nguyễn Thanh Chấn được bồi thường 7,2 tỷ đồng. Những con số này nếu so sánh với những thiệt hại của họ thì có thể chưa phản ánh đúng vấn đề, nhưng so với trước đây thì thái độ, trách nhiệm của các cơ quan đã tốt hơn.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng vẫn còn một số điểm băn khoăn và đây cũng là một trong những cơ sở để chúng ta tiến hành sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Một là, có quá nhiều cơ quan tiến hành giải quyết bồi thường dẫn đến việc đùn đẩy và né tránh trách nhiệm, dẫn đến quyền lợi của người bị oan sai không được bảo vệ một cách kịp thời, thậm chí nhiều khi không được bảo vệ; chưa quy định được khoản thiệt hại, làm cho các cơ quan tiến hành bồi thường lúng túng trong khi áp dụng.

Thứ hai, việc bồi thường oan sai vẫn còn thiếu chuyên nghiệp; chưa lượng hóa được từng khoản bồi thường thiệt hại là bao nhiêu, đây cũng là yếu tố làm cho việc bồi thường trở nên kéo dài, việc thương lượng cũng gặp nhiều khó khăn. Trình tự, thủ tục chưa đầy đủ, chặt chẽ, còn rườm rà, thời hạn quá dài, như ông Lương Ngọc Phi phải mất 18 năm thì mới đòi được tiền; ông Nén phải mất 7 lần thương lượng; ông Nguyễn Thanh Chấn 4 lần phải thay đổi hồ sơ và khoảng 100 loại chứng từ.

Kết quả của thương lượng đó chưa hẳn đã phản ánh đúng thực chất là họ đồng ý với số tiền đó nhưng vì quá trình rườm rà và quá lâu như vậy đôi khi cũng khiến họ phải chấp nhận.

thao go diem nghen trong boi thuong oan sai hinh 2
Sau hơn 17 năm tù oan sai, ông Huỳnh Văn Nén được bồi thường hơn 10 tỷ đồng. Ảnh Tuổi Trẻ

PV: Khi bàn về Dự thảo Luật, một trong những vấn đề quan trọng đang có được nhiều ý kiến khác nhau đó là căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường, trong đó, việc chứng minh thiệt hại thực tế. Thưa ông, oan là do người thi hành công vụ gây ra, tại sao lại đẩy việc khó cho người bị làm oan?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Cách tiếp cận của Luật bồi thường trách nhiệm Nhà nước năm 2009 và cách tiếp cận của Dự thảo Luật này cũng coi việc bồi thường thiệt hại đó là một dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Về nguyên tắc, nếu là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì phải có các căn cứ: hành vi gây thiệt hại đó phải là hành vi trái luật và để khẳng định hành vi đó trái luật thì phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền; phải có thiệt hại; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật của người thi hành công vụ và thiệt hại của người oan sai phải chịu.

Để có được một văn bản của cơ quan có thẩm quyền kết luận hành vi đó là trái luật gây nên thiệt hại thì hoàn toàn không đơn giản. Bởi nhiều khi liên quan đến nhiều cơ quan, thái độ thành khẩn của một số công chức, người thi hành công vụ. Vì vậy, để có được văn bản đó đòi hỏi người bị thiệt hại hoặc người trợ giúp pháp lý cho họ phải rất kiên trì.

Khó khăn thứ hai là phải chứng minh có thiệt hại nhưng việc này không hề dễ dàng. Trong cách tiếp cận của chúng ta hiện nay, người bị thiệt hại phải luôn luôn làm hài lòng cơ quan giải quyết bồi thường, khi nào tôi đồng ý thì anh mới được chấp nhận số tiền bồi thường đó.

Chúng tôi muốn tiếp cận theo một hướng khác, khi người bị thiệt hại đã nỗ lực tối đa để chứng minh rồi, nếu anh muốn bác ý kiến đó thì phải chứng minh ngược lại. Đó là một cách tiếp cận mà lâu nay Luật chưa làm.

PV: Những tổn thất của người bị oan không thể tính toán nổi. Nhưng khi họ được minh oan, việc chờ đợi bồi thường cũng gian nan không kém. Theo ông, những quy định về thủ tục giải quyết bồi thường cần có thay đổi gì?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Để giải quyết vấn đề này trước hết là cách tiếp cận từ phía xây dựng Luật. Oan sai là do người thi hành công vụ gây ra nên phải là người chịu trách nhiệm. Về phía nhà nước, những người đó thay mặt mình để thực hiện công vụ, những người đó sai thì nhà nước cũng sai và cần có thái độ hết sức minh bạch trong việc bảo vệ quyền lợi cho người bị oan.

Để làm được việc đó, về thủ tục không để dàn trải như vậy và những cơ quan tiến hành bồi thường oan sai cần gọn lại, tạo thuận lợi cho người bị oan sai được thực hiện quyền của họ. Chúng tôi mong muốn sẽ có một cơ quan chuyên trách về vấn đề bồi thường oan sai để giải quyết một cách nhanh, gọn nhất.

Thời gian giải quyết không phải là 30 – 40 ngày như trước đây mà có thể rút xuống 2, 3 hoặc 5 ngày. Các khoản bồi thường phải được bồi thường một cách toàn diện và triệt để. Trong những trường hợp không có hóa đơn chứng từ thì cần minh bạch, rõ ràng để người oan sai biết nếu mất hóa đơn chứng từ hoặc không nhớ, không lấy lại được thì phải có con số rõ ràng, tức là định lượng hóa được để họ biết trước được khoản tiền bồi thường. Đối với vấn đề công khai xin lỗi cũng cần được làm một cách trân trọng.

PV: Tính đến thời điểm này, tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường kể từ khi thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là hơn 111 tỷ đồng. Dư luận đặt vấn đề, tiền do nhân dân đóng thuế không phải để chi trả bồi thường, mà người thi hành công vụ gây thiệt hại phải bồi thường. Theo ông, nên quy định như thế nào cho hợp lý?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Đóng thuế là để phục vụ sức khỏe cộng đồng, giáo dục, giao thông vận tải… của quốc gia. Nếu đóng thuế chỉ để bồi thường oan sai thì Nhà nước sẽ rất khó phát triển.

Khi tiếp cận Dự thảo Luật, chúng tôi thấy chia ra làm 2 loại. Một là người thi hành công vụ cố ý làm sai và có bản án kết luận phạm tội thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do Nhà nước đã làm. Thứ hai, cố ý làm sai nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo Dự thảo Luật là 30-50 tháng lương, nhỏ hơn 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường. Loại vô ý gây thiệt hại thì 3-5 tháng lương và cũng có một số trường hợp được miễn trừ do hoàn cảnh.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tháo gỡ điểm nghẽn trong bồi thường oan sai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO