Tháo 'rào chắn', xây dựng chính sách cho người giữ rừng!

Nhật Lân 15/12/2022 09:26

(Baonghean.vn) - Tổng cục Lâm nghiệp đã làm rõ kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định đối tượng giao khoán bảo vệ rừng tại Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT; đồng thời, Nghị quyết về chính sách hỗ trợ kinh phí cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang được xây dựng.

“Xây” chính sách

Sau khi Báo Nghệ An ngày 11/12/2022 đăng tải loạt bài viết về tình cảnh khó khăn của lực lượng cán bộ bảo vệ rừng, đại diện Chi cục Kiểm Lâm cho biết, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ rừng cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Chi cục Kiểm lâm thông tin, trên địa bàn tỉnh có 19 chủ rừng được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý bảo vệ 427.698,67 ha rừng, chiếm 35% diện tích rừng và đất lâm nghiệp của toàn tỉnh. Trong đó, có đến hơn 131 nghìn ha rừng tự nhiên xa khu dân cư và diện tích rừng có nguy cơ xâm hại cao không thể tổ chức giao khoán cho cộng đồng dân cư, các hộ gia đình, mà cần được lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng bảo vệ. Vì vậy, 19 chủ rừng này được tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Pù Mát trên đường tuần tra. Ảnh: CTV

Thời gian vừa qua Chi cục Kiểm lâm đã tổng hợp báo cáo từ 19 chủ rừng, xác định tổng số người lao động làm việc tại các đơn vị này đến thời điểm ngày 30/5/2022 là 955 người. Trong đó, có 172 người thuộc biên chế viên chức; 6 người hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP; còn lại là hợp đồng dài hạn, hợp đồng ngắn hạn. Tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm hoạt động của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng.

Tuy nhiên, từ khi Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 01/2019/NĐ-CP có hiệu lực, việc bố trí nguồn ngân sách để bảo đảm kinh phí bảo vệ rừng cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng chưa có cơ chế chính sách rõ ràng (bao gồm cả nguồn ngân sách Trung ương lẫn ngân sách địa phương). Vì vậy, rất cần thiết phải ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Bữa cơm trên đường tuần tra của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Ảnh: CTV

Có Nghị quyết, sẽ tạo được nguồn kinh phí cơ bản ổn định, đảm bảo cho hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó, ổn định đời sống cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, tạo nguồn lực thu hút được lực lượng lao động tham gia lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Đồng thời, sẽ khắc phục tình trạng bảo vệ rừng chuyên trách xin thôi việc, bỏ việc đang xảy ra, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ rừng của tỉnh.

Về nội dung dự thảo Nghị quyết, nêu rõ chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng thực hiện đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang trong thời gian đóng cửa rừng do lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các chủ rừng trực tiếp quản lý bảo vệ nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng; hoặc đã được bố trí nhưng đơn giá thấp hơn 300.000 đồng/ha/năm để đạt mức 300.000 đồng/ha/năm. Cụ thể, đối với diện tích chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng thì hỗ trợ mức 300.000 đồng/ha/năm. Đối với diện tích rừng đã được bố trí kinh phí bảo vệ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chương trình dự án, nguồn vốn hợp pháp khác nhưng tổng đơn giá đã hỗ trợ nhỏ hơn 300.000 đồng/ha/năm thì hỗ trợ bổ sung để đạt mức 300.000 đồng/ha/năm.

Vị đại diện Chi cục Kiểm lâm trao đổi: “Dự kiến nguồn lực thực hiện Nghị quyết sẽ từ ngân sách của tỉnh. Các Sở, ngành có liên quan và các đối tượng chịu tác động đã được lấy ý kiến, và đều thống nhất nội dung dự thảo Nghị quyết. Hiện nay, hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đang được Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND tỉnh xem xét trong thời gian gần đây…”.

Theo bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí quan tâm vấn đề lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin thôi việc, bỏ việc. Đây là sự đồng hành, chia sẻ không chỉ với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng mà với chính Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ thông tin của báo chí, xã hội thấu hiểu, đồng cảm với những khó khăn của người làm công tác bảo vệ rừng; và Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ rừng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng sẽ sớm được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, áp dụng thực hiện.

Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi với PV Báo Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn

Bà Võ Thị Nhung cho biết, thời gian vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức một cuộc họp với sự tham dự của các đơn vị có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết trước khi đề nghị Sở Tư pháp thẩm định, trình UBND tỉnh. Đồng thời, đã làm công tác tư tưởng cho các đơn vị này để họ động viên cán bộ, nhân viên vượt qua khó khăn. Bà Võ Thị Nhung nói: “Chúng tôi đã trao đổi, ngành sẽ có trách nhiệm trong vấn đề này. Trong thời gian chờ đợi Nghị quyết thì ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng. Nhìn chung, anh em đều có sự đồng cảm, chia sẻ…”.

Tháo “rào chắn” Thông tư 12

Bởi quy định đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng tại Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT không đề cập đến lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, nên ngày 7/12/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 4490/SNN.KL gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp.

Văn bản số 4490/SNN.KL của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp. Ảnh: Nhật Lân

Tại đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có: 697 người lao động hợp đồng dài hạn theo diện đơn vị chủ rừng tự trang trải và 162 người lao động hợp đồng ngắn hạn đang làm việc cho các chủ rừng là các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, các Tổng đội TNXP và các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp được nhà nước giao rừng”. Qua đó đề nghị làm rõ, lực lượng này có thuộc đối tượng được nhận khoán bảo vệ rừng theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT hay không? Hạn mức giao khoán áp dụng hạn mức nào? Trong trường hợp được nhận khoán thì có được sử dụng kinh phí sự nghiệp từ Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững để giao khoán hay không?

Ngày 13/12/2022, phóng viên Báo Nghệ An nhận được thông tin Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức họp bàn về những nội dung Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị làm rõ. Cuộc họp do ông Trần Quang Bảo – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì. Và đã đi đến thống nhất, căn cứ các quy định Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ; Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Luật cư trú năm 2020, các lao động hợp đồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương nơi có đối tượng khoán bảo vệ rừng thì thuộc đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng theo quy định tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP và Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT.

Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương động viên lực lượng bảo vệ rừng Trạm Khe Vều vượt khó, thực hiện tốt nhiệm vụ. Ảnh: CTV

Về hạn mức giao khoán, thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 6, Nghị định số 168/2016/NĐ-CP “Đối với khoán công việc, dịch vụ hạn mức khoán do bên khoán và bên nhận khoán thỏa thuận. Trường hợp khoán ổn định theo chu kỳ sản xuất kinh doanh, bên khoán căn cứ vào quy mô diện tích khoán và nhu cầu của bên nhận khoán để thỏa thuận và xác định hạn mức khoán phù hợp, trong đó:...."; Khoản 4, Điều 3, Nghị định số 168/2016/NĐ-CP: "4. Khoán công việc, dịch vụ là hình thức khoán một hay nhiều công đoạn theo quy trình trồng và chăm sóc rừng, bảo vệ rừng, vườn cây, mặt nước hoặc khoán theo thời vụ trồng, thu hoạch của các công việc và dịch vụ"; Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 168/2016/NĐ-CP quy định: "a) Khoán trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng đối với diện tích quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất".

Ông Nguyễn Khắc Hải - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) trao đổi với PV Báo Nghệ An. Ảnh: Nhật Lân

Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Khắc Hải cho biết ông cũng đã nhận được những thông tin này. Ông Nguyễn Khắc Hải trao đổi: “Với những thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp, có thể nhìn nhận vấn đề tiền lương năm 2022 cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đã được tháo gỡ. Hiện nay chúng tôi đang chờ văn bản chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp để áp dụng thực hiện…”.

Mới nhất

x
Tháo 'rào chắn', xây dựng chính sách cho người giữ rừng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO