Thất thu đầu vụ cá nam
(Baonghean) - Được đánh giá là vụ khai thác chính trong năm nhưng trong những tháng đầu vụ cá Nam, sản lượng đánh bắt của ngư dân đạt rất thấp. Nỗi buồn hiện rõ trên từng khuôn mặt sạm đen vì nắng, gió biển.
Sau khi kết thúc vụ cá Bắc, bà con ngư dân lại hối hả bước vào khai thác vụ cá nam năm 2014 (từ tháng 3 đến tháng 9 dương lịch). Đây là vụ cá chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Tây Nam, nhiệt độ nước biển tăng lên, cá nổi di chuyển từ ngoài khơi vào gần bờ. Thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi nên hoạt động của ngư dân trên biển dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những tháng đầu vụ cá nam, sản lượng khai thác quá thấp. Tại cảng cá Lạch Quèn, hàng chục con tàu nối đuôi nhau vào bến sau một chuyến hành trình dài ngày. Nét mặt như thoáng buồn khi chúng tôi hỏi về kết quả của chuyến biển vừa qua, ngư dân Nguyễn Văn Sỹ, xóm Phong Thái, xã Tiến Thủy cho biết: Từ ra Tết đến nay, hầu như chuyến nào cũng thua đậm. Như chuyến này, tàu của tôi đi 12 ngày nhưng chỉ đánh bắt được 10 tấn cá các loại, nếu tính đủ chi phí là lỗ. Chỉ khi đạt khoảng 15 tấn thì mới có lãi.
Ngư dân chủ yếu đánh được cá tạp nên giá trị không cao. |
Cùng tâm trạng, anh Lê Văn Hùng, ngư dân xã Tiến Thủy tâm sự: Thường thì những tháng đầu của vụ cá nam luôn là thời điểm dễ đánh bắt nên chúng tôi tranh thủ ra khơi sớm được càng nhiều chuyến càng tốt. Còn những tháng kế tiếp thì mưa bão nên ra biển gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng nữa. Nhưng năm nay, tình hình khai thác không đạt được kết quả cao, 10 chuyến đi thì may mắn lắm có được 2-3 chuyến có lãi, nhưng lãi cũng chẳng được bao nhiêu. Anh Hùng có 1 chiếc thuyền công suất 480 CV, mỗi chuyến ra khơi từ 10 - 15 ngày thì tàu anh ngốn hết khoảng 2.000 lít dầu, cộng với tiền đá lạnh, nước ngọt..., tổng chi phí cho chuyến đi tầm 60 triệu đồng. Nhưng hầu như chuyến nào đi, sau khi bán cá cho đầu nậu vẫn không đủ tiền trả cho lao động. “Vụ cá nam năm ngoái, có chuyến chúng tôi đánh bắt được 30 - 40 tấn cá, nhưng năm nay chỉ được 15 tấn. Đã thế, giá cá lại giảm, cá đốm giảm chỉ còn 5,5 ngàn đồng/kg (loại nhỏ), 12 ngàn đồng/kg (loại lớn). Khai thác không được nên việc vay vốn để đầu tư cho chuyến biển sau khó khăn hơn”, anh Hùng tâm sự.
Thu mua cá tại cảng Lạch Quèn (Quỳnh Lưu). |
Vụ cá nam là vụ đánh bắt hải sản chính trong năm của ngư dân vùng biển nhưng đã không đạt được như mong đợi. Ông Ngô Tùng, chủ một tàu đánh bắt xa bờ cho biết: Không như mọi năm thời điểm này là đã có lãi khá, nhưng mấy chuyến biển đầu năm nay có khi không đủ tiền dầu và tiền công bạn tàu. Mong thời tiết tốt lên, ra khơi trúng luồng cá lớn may ra còn có động lực, chứ đánh bắt kiểu này e phải cho tàu nghỉ nằm bờ. Theo ông Hồ Sỹ, chủ tàu xa bờ nhiều năm gắn bó với biển khơi thì nguyên nhân khiến lượng hải sản đánh bắt bị giảm sút là do thời tiết không ổn định. Ông Sỹ cho biết: “Trời cứ mưa rét diễn ra đan xen với nắng liên tục, kéo dài nên những người đi biển chúng tôi gặp khó. Cùng với đó, thời tiết như thế này rất khó để đoán định được luồng cá. Ngư trường thì đang có xu hướng ngày càng cạn kiệt, thu hẹp cũng là nguyên nhân khiến ngư dân thất thu. Vì đánh bắt sụt giảm, giá cả hải sản không cao, trong khi đó kinh phí dầu mỡ, công cán cho bạn tàu ngày càng tăng nên rất khó có lãi”.
Theo kế hoạch, chỉ tiêu sản lượng khai thác vụ cá nam năm 2014 của tỉnh là 44.500 tấn hải sản các loại, chiếm 56% sản lượng khai thác hải sản của cả năm. Trong đó, sản lượng cho các đối tượng cụ thể là tôm 1.000 tấn, cá các loại 35.100 tấn, mực 3.500 tấn, hải sản khác 4.900 tấn. Tuy nhiên, với những khó khăn mà ngư dân gặp phải trong những tháng đầu năm đang khiến cho ngành Thủy sản khó đạt chỉ tiêu đề ra. Tại huyện Quỳnh Lưu, nơi được xem là có số lượng tàu thuyền, nhất là tàu thuyền có công suất lớn vươn khơi nhiều nhất tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2014, sản lượng khai thác của toàn huyện chỉ đạt được 6.650 tấn, đạt 14,78% so với kế hoạch năm.
Anh Bùi Xuân Trúc, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Nếu như so với cùng kỳ năm 2013 thì sản lượng khai thác của đầu vụ cá nam năm nay là rất thấp. Không chỉ xảy ra ở một vài tàu thuyền, một vài xã mà hầu hết chuyến đi biển nào của ngư dân về cũng không đạt kết quả cao. Vì thế, đời sống của ngư dân từ khi ra Tết đến nay gặp rất nhiều khó khăn, đánh bắt không được nên việc xoay vòng vốn rất khó. Trung bình, một tháng thì 1 phương tiện có thể đi được 4 chuyến, ít nhất cũng 3 chuyến nhưng nay chỉ đi được 2 chuyến. Đi nhiều thì lỗ nhiều nên người dân cũng ngại.
Dự báo thời tiết trong vụ cá nam năm nay diễn biết bất thường, nên để đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền hoạt động khai thác an toàn, tỉnh đã hỗ trợ hơn 1.400 bộ phao cứu sinh cho ngư dân nghèo tham gia đánh bắt trên biển, hỗ trợ 21 máy thông tin liên lạc tầm xa tích hợp định vị vệ tinh VX1700 (ICOM) cho 21 tổ hợp khai thác thủy sản. Hiện Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT) đang phối hợp tích cực với Bộ đội Biên phòng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý tàu cá, kiểm tra an toàn cho tàu cá, đảm bảo các tàu cá đủ điều kiện an toàn mới được phép ra khơi khai thác hải sản. Nắm chắc số lượng tàu thuyền trên các ngư trường, theo dõi và cập nhật tình hình thời tiết, đặc biệt khi có thời tiết xấu (bão, áp thấp nhiệt đới), kêu gọi các tàu về bờ và tìm nơi neo đậu an toàn.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự năng động, tự tin của người dân, mong rằng, trong những tháng tiếp theo, tình hình khai thác sẽ được cải thiện, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân và giúp ngư dân yên tâm bám biển để làm chủ vùng biển của Tổ quốc.
Hưng Nguyên