Thay đổi cách tính lương hưu, lao động nữ chịu thiệt thòi
Từ 1/1/2018, nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017.
Theo Luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2018, nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (lên đến 10%). Thay đổi trên đã khiến nhiều lao động nữ lo lắng, bức xúc.
Từ 1/1/2018, lao động nữ về hưu có số năm công tác dưới 30 năm sẽ chịu thiệt thòi do thay đổi cách tính lương hưu. |
Chị Nguyễn Thị Huyền ở quận Thanh Xuân cho biết, sẽ được chốt sổ BHXH và giải quyết chế độ hưu trí khi đủ 55 tuổi vào ngày 15/1/2018. Mới đây, cơ quan đã gửi thông báo về việc nghỉ hưởng chế độ hưu trí sau gần 25 năm công tác. Theo quy định mới, chị chỉ được hưởng 65% lương. Trong khi nếu được chốt sổ BHXH trong năm 2017, chị có thể được lĩnh lương hưu với mức tối đa là 75%.
Chị Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: “Khi bị trừ đi 10%, mỗi tháng cũng mất mấy trăm nghìn. Với tôi, mấy trăm nghìn này cũng giải quyết được nhiều vấn đề. Tuổi càng cao, sức khỏe càng yếu, ốm đau phải thuốc men và rất nhiều thứ phải chi tiêu. Nếu bị trừ như thế, cuộc sống của tôi sẽ rất khó khăn, nhất là những người về hưu những không có nghề phụ. Cho nên tôi cũng mong muốn, đề nghị Nhà nước nghiên cứu lại, vì cuộc sống phát triển như thế mà để cho những người về hưu, nhất là lao động nữ phải thiệt thòi…”.
Theo khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, BHXH Việt Nam sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu. Cụ thể, lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH, khi có thời gian đóng BHXH đủ 16 năm và nghỉ hưu năm 2018, đủ 17 năm và nghỉ hưu năm 2019, đủ 18 năm và nghỉ hưu năm 2020, đủ 19 năm và nghỉ hưu năm 2021, đủ 20 năm và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi.
Còn với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau khoảng thời gian trên, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động (cả nam và nữ) được tính thêm 2%. (Trước năm 2018, cứ mỗi năm đóng BHXH tăng thêm sau khi đạt tỷ lệ 45% lao động nữ được tính thêm 3%).
Với việc thay đổi cách tính này, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%). Như vậy, sau ngày 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu đóng đủ 25 năm BHXH thì chỉ được hưởng 65% tiền lương tháng đóng BHXH.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: cách tính này sẽ thiệt thòi cho lao động nữ, nhất là việc áp dụng không có lộ trình sẽ gây sốc cho người lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng lao động ồ ạt nhận BHXH một lần đang diễn ra hiện nay.
Bà Trần Kim Yến cho biết thêm: “Nhiều trường hợp lao động nữ đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH do tham gia lao động và đóng BHXH muộn thì có muốn kéo dài thời gian làm việc để đủ thời gian đóng BHXH cũng sẽ không thực hiện được. Tôi thấy điều này rất bất cập. Đối với lao động nam có lộ trình từ năm 2018 đến năm 2023 thì cũng nên thực hiện việc này cho nữ có lộ trình như nam, điều này sẽ giảm bớt được những thiệt thòi cho lao động nữ”.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự báo năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm, có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5% đến 10%.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng phân tích, về nguyên tắc, phụ nữ phải đóng BHXH 30 năm để hưởng 75% lương cơ bản là hoàn toàn đúng. Nhưng có sự “khập khễnh” khi chỉ sau một đêm, từ 31/12/2017 đến 1/1/2018, cũng là phụ nữ có cùng số năm công tác là 25 năm, chỉ chênh nhau một ngày đã bị mất 10% lương. Rõ ràng, điều này không có lợi, thậm chí là bất công cho nhiều chị em.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan liên quan, Chính phủ nghiên cứu thực hiện lộ trình cho nữ giới giống như nam giới, để “giảm sốc” từ từ, tránh việc người phụ nữ cảm thấy hụt hẫng và thua thiệt.
Ông Bùi Sỹ Lợi nói: “Điều này rất đáng nghiên cứu để chúng ta kéo dài lộ trình thêm cho phụ nữ để giảm bớt căng thẳng nhưng tôi chưa thấy cơ quan nào đề xuất. Tôi có đề nghị với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu để báo cáo Chính phủ đề xuất. Nếu đề xuất điều này, tôi nghĩ rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội ra một Nghị quyết hoặc có lộ trình để chúng ta kéo dài để đảm bảo lương hưu.
Nhưng muốn đề xuất thì phải nghiên cứu, đánh giá tổng hợp xem là bao nhiêu người chịu tác động, có tác động cả không? Tôi nghĩ rằng đa số phụ nữ về hưu bây giờ không phải chỉ 25 năm, có nhiều người 30 năm, 35 năm, những người đó không có tác động bao nhiêu. Nếu tình trạng nhiều người rơi vào 25 năm thì chúng ta nên điều chỉnh”
Chỉ còn 2 tháng nữa là quy định BHXH mới có hiệu lực. Trong thời điểm chuyển giao chính sách, người lao động không còn sự lựa chọn mà phải chấp nhận thực tế này. Để khắc phục những tồn tại bất cập nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét, sửa đổi Điều 56 và Điều 74 Luật BHXH 2014 theo hướng điều chỉnh cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ theo lộ trình nâng dần, đạt được mục đích bình đẳng giới và hạn chế sốc cho lao động nữ do thay đổi chính sách./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|