Giáo dục

Thầy giáo 9X và những tấm huy chương Vật lý quốc tế đầu tiên của đôi bạn thân ở Trường Phan Bội Châu

Mỹ Hà 03/09/2024 08:55

Năm 2024, Phan Quang Triết và Nguyễn Thế Quân (học sinh lớp 11A3 - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) là người mang về hai tấm Huy chương Bạc và Đồng tại các kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu và châu Á.

Đây cũng là "quả ngọt" đầu tiên của thầy giáo Lê Xuân Bảo, một thầy giáo trẻ thuộc thế hệ 9X sau hơn 3 năm về công tác tại trường.

Đôi bạn cùng lớp

Phan Quang Triết và Nguyễn Thế Quân cùng lớn lên tại thành phố Vinh. Ngày còn học THCS, cả hai học cùng lớp tại Trường THCS Đặng Thai Mai. Vốn là học sinh chuyên Toán nhưng sau này cả hai cùng “rẽ ngang” và chọn theo đuổi môn Vật lý với một lý do đơn giản “rộng cơ hội vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu”.

Trước khi thi đậu vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thành tích nổi bật nhất của Triết là giải Nhất học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý. Trong khi đó, Quân dù đã dành giải Nhất, thủ khoa môn Vật lý của thành phố năm lớp 9 nhưng tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Quân chỉ đạt giải Khuyến khích. 4 tháng sau kỳ thi này, Quân khẳng định được thế mạnh của mình khi em đồng thủ khoa môn chuyên và lớp 10 chuyên Vật lý tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường chuyên.

Phan Quang Triết (bên phải) và Nguyễn Thế Quân mang về 2 tấm Huy chương môn Vật lý cho Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong năm học 2023- 2024. Ảnh: Mỹ Hà
Phan Quang Triết (bên phải) và Nguyễn Thế Quân mang về 2 tấm Huy chương môn Vật lý cho Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong năm học 2023- 2024. Ảnh: Mỹ Hà

Lớp 10 A3, K51, niên khoá 2022 – 2025 của Triết và Quân cũng là khoá học đầu tiên các em được thầy giáo Lê Xuân Bảo chủ nhiệm. Lúc bấy giờ, thầy Bảo mới tốt nghiệp và ra trường đi làm 2 năm. Chủ nhiệm một lớp chuyên lại là môn học vốn có truyền thống bậc nhất của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, áp lực của thầy và trò thực không dễ dàng.

Nhập học một thời gian ngắn, đúng vào thời điểm Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia. Dù không được tham gia thi chính thức nhưng thầy Bảo vẫn mạnh dạn cho học sinh của mình thử sức. Kết quả không ngoài bất ngờ khi Quân không hoàn thành kỳ thi của mình. Triết tự nhận em còn “tệ hơn” vì không được thầy chọn tham dự cùng với các bạn trong lớp.

bna_quan.jpg
Thầy giáo Lê Xuân Bảo và học sinh Nguyễn Thế Quân tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: NTCC

Từ thất bại đầu tiên này, quãng thời gian sau đó, để chính thức có tên trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Quân và Triết phải tham gia rất nhiều bài kiểm tra khác, kéo dài cho đến hết năm học lớp 10. Trong các lần thi, Quân luôn là cậu học trò được đánh giá cao bởi hầu hết các bài kiểm tra em đều nằm trong tốp 3 của lớp.

Từ khi vào lớp 10 em đã đặt mục tiêu cho mình phải vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Tuy nhiên thời gian đầu theo học, em không ít lần sao nhãng và chưa đặt toàn bộ tâm huyết cho việc học. Sau này, có lần thầy Bảo nhắc nhở em “đừng có đi theo vết xe đổ” của các anh chị đi trước em mới thực sự nghiêm túc”.

Học sinh Nguyễn Thế Quân

Ngược lại với Quân, Triết là một học sinh được đánh giá thông minh nhưng em khá tài tử. Để vào đội tuyển quốc gia, Quân chấp nhận đánh đổi nhiều môn học khác và dành hết thời gian cho môn chuyên. Triết thì đa tài, em yêu thích thể thao và từng có cơ hội chọn vào đội tuyển bóng bàn của tỉnh. Trước khi vào đội tuyển, Triết cũng đã có IELTS 7.5 và ôn thi SAT đạt kết quả 1540 điểm.

Nói thêm về điều này, Triết thừa nhận: Bản thân em ban đầu chưa cố gắng và còn có tâm lý chỉ thi cho biết. Nhưng Quân và nhiều bạn khác trong lớp đã cho em thấy rằng, nếu không chăm chỉ học tập thì không thể thành công. Thầy giáo chủ nhiệm cũng từng nhắc nhở em về thái độ học tập nhưng sau đó thầy đã cho em cơ hội để em được thử sức và em không muốn để thầy thất vọng về mình.

Vì sao lại yêu thích môn Vật lý, cả Quân và Triết đều nói rằng, đó là được thầy giáo chủ nhiệm “truyền lửa” dù với các em thầy Bảo là một người thực sự “nghiêm khắc”. Bên cạnh đó, các em cũng tìm thấy được niềm vui khi có thể sử dụng các bài giải về Vật lý để lý giải về các hiện tượng tự nhiên, khoa học. Ngoài học từ thầy cô, Quân và Triết đều rèn cho mình ý thức tự học, tự tham khảo các tài liệu và tìm kiếm các anh chị đi trước để học hỏi.

Em Phan Quang Triết (thứ 5 trái qua) và các thành viên Đội tuyển Việt Nam tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu. Ảnh: NVCC
Em Phan Quang Triết (thứ 5 trái qua) và các thành viên Đội tuyển Việt Nam tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu. Ảnh: NVCC

Với nhiều nỗ lực cố gắng, năm lớp 11, cả hai được cùng với các anh chị lớp 12 tham gia Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đạt thành tích xuất sắc. Trong đó, Quân là một trong hai học sinh đem về giải Nhất cho Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Triết sau nhiều cố gắng, bứt phá cũng đã không phụ lòng thầy cô và đã mang về giải Nhì cho nhà trường. Hai em cũng đủ điểm để được chọn vào vòng 2 tham gia Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic của Việt Nam.

Trên đấu trường quốc tế

Nhớ lại Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic của Việt Nam, Quân và Triết đều nói rằng đó là kỳ thi cực kỳ khó khăn khi 40 thành viên tham gia dự thi đều là những học sinh có kết quả cao tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Trước khi đến với kỳ thi này với bất lợi chỉ là học sinh lớp 11, cả hai cũng đã xác định là sẽ “thử sức, cọ xát” vì cơ hội không nhiều.

Đồng hành với các học trò, dù biết khó khăn nhưng thầy giáo Lê Xuân Bảo và các giáo viên khác trong đội tuyển Vật lý của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã luôn khích lệ động viên và tích cực bồi dưỡng, phụ đạo.

dscf8337.jpg
Nguyễn Thế Quân và Phan Quang Triết là đôi bạn đã học cùng nhau từ bậc THCS. Ảnh: Mỹ Hà

Ngày Quân nhận được tin là thành viên nhỏ tuổi nhất được lọt vào đội tuyển quốc gia tham dự Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á – Thái Bình Dương cả hai thầy trò đều hết sức vui mừng. Vui hơn, khi Quân đã thay thầy giáo Lê Xuân Bảo thực hiện được ước mơ ngày trước mà thầy đã từng lỡ hẹn.

Về phía Triết, thất bại ở Kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dù rất buồn nhưng em chưa bao giờ nghĩ rằng mình phải “dừng lại”. Vì thế, sau khi Hội Vật lý Việt Nam chọn đội tuyển tham dự Kỳ thi Olympic châu Âu, Triết đã tham gia và nỗ lực hết sức mình để có tên trong đội tuyển chính thức.

Lần đầu tiên được cùng với đội tuyển quốc gia “mang chuông đi đánh xứ người” cũng là lần đầu tiên Quân và Triết được xuất ngoại. Kể về Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á – Thái Bình Dương tại Malaysia, Quân nói rằng đó là một kỳ thi để lại cho em nhiều dấu ấn khó quên khi được cùng tranh tài với hơn 200 thí sinh khác đến từ 28 quốc gia và lãnh thổ.

Đây cũng là kỳ thi được đánh giá là có mức độ đề thi khó với nhiều câu hỏi mang tính ứng dụng cao. Bản thân Quân cũng nói rằng, em tiếp nhận đề thi này khá bình tĩnh và tự tin giải bài hoàn toàn bằng Tiếng Anh với hi vọng sẽ có điểm số cao. Sau khi hoàn thành bài thi, Quân khá hài lòng với bài thi của mình nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng khiến em khá buồn. Em chỉ đạt Huy chương Đồng và bỏ lỡ cơ hội tham gia Đội tuyển Việt Nam dự Kỳ thi Olympic quốc tế.

Em đã làm bài thi thực hành và lý thuyết khá tốt. Nhưng việc em mạo hiểm chọn giải bài thi
bằng tiếng Anh dường như không phải là lựa chọn đúng đắn nên em mất khá nhiều điểm ở bài thi lý thuyết.

Dù kết quả chưa như kỳ vọng, nhưng em xem đây một là kỳ thi để em thử sức bản thân và sẽ cố gắng hơn nữa trong năm học mới này.

Học sinh Nguyễn Thế Quân

Tham dự Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu muộn hơn 1 tháng, Phan Quang Triết cũng chia sẻ rằng em khá áp lực khi đến với kỳ thi này. Khác với kỳ thi Vật lý của châu Á, cách ra đề của Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu ngắn hơn nhưng lại đòi hỏi thí sinh phải tư duy và suy nghĩ kỹ. Sau 10 tiếng làm bài thi (gồm lý thuyết và thực hành), Triết chia sẻ em khá hài lòng với kết quả và thành công khi đem về tấm Huy chương Bạc duy nhất cho đội tuyển Việt Nam.

Định hướng và tôn trọng sự khác biệt của học trò

Hai năm gắn bó với tập thể lớp 11A3, thầy giáo Lê Xuân Bảo nói rằng đó là “duyên và may mắn”. Bản thân anh cũng luôn cảm ơn ban giám hiệu nhà trường, vì bản thân mới là thầy giáo trẻ (sinh năm 1996), thời gian công tác chưa đến 2 năm nhưng anh đã được nhà trường tin tưởng giao chủ nhiệm lớp chuyên và được đồng chủ nhiệm đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Thầy giáo Lê Xuân Bảo và học trò tại Kỳ thi chọn Đội tuyển Olympic Quốc gia. Ảnh: NVCC
Thầy giáo Lê Xuân Bảo và học trò tại Kỳ thi chọn Đội tuyển Olympic Quốc gia. Ảnh: NVCC

Trước đó, thầy giáo Lê Xuân Bảo được tuyển dụng vào trường theo hình thức thu hút. Bản thân thầy từng là cựu học sinh của trường, từng 2 lần đạt giải Nhì môn Vật lý quốc gia, từng 2 lần tham dự Kỳ thi chọn Đội tuyển Quốc gia tham dự các Kỳ thi Olympic.

Tốt nghiệp THPT, thầy giáo Lê Xuân Bảo đã được tuyển thẳng vào ngành Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau đó, tiếp tục nhận được học bổng và theo học 3 năm tại Trường Đại học Bách Khoa Saint Petersburg - Cộng hòa Liên bang Nga chuyên ngành Điện hạt nhân.

Vì lý do cá nhân, sau này thầy giáo Lê Xuân Bảo không tiếp tục theo đuổi ngành học này và lựa chọn để theo học ngành Sư phạm Vật lý ở Trường Đại học Vinh. Năm 2020, thầy giáo Bảo được Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Thời điểm đó, khi được trở lại với ngôi trường đặc biệt này, nguyện vọng lớn nhất của thầy giáo Lê Xuân Bảo là được tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Được đồng hành với các học sinh ở lớp chuyên Vật lý thầy Bảo nói rằng, được nhìn thấy lại hình ảnh của mình từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, anh cũng nhận ra có nhiều sự khác biệt giữa hai thế hệ.

Ngày trước chúng tôi chủ yếu chỉ học từ thầy giáo của mình, nguồn tài liệu tìm kiếm cũng khá bị động. Nhưng học sinh ngày nay các em năng động hơn trong học tập và chủ động để tiếp cận nhiều nguồn tài liệu.

Từ tiền đề thuận lợi này, thầy giáo chỉ cần làm tốt vai trò của người định hướng, truyền dạy kiến thức, tôn trọng sự đặc biệt của mỗi cá nhân và tạo cơ hội để học sinh tỏa sáng.

Thầy giáo Lê Xuân Bảo

Niềm vui của thầy giáo Lê Xuân Bảo và các học trò trong lễ tuyên dương học sinh đạt giải các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế do Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tổ chức. Ảnh: Mỹ Hà
Niềm vui của thầy giáo Lê Xuân Bảo và các học trò trong lễ tuyên dương học sinh đạt giải các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế do Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tổ chức. Ảnh: Mỹ Hà

Là một thầy giáo trẻ, ngoài truyền dạy kiến thức, thầy giáo Lê Xuân Bảo còn là người bạn, người anh của các học trò. Vì thế, trong quá trình làm chủ nhiệm lớp, có khi thầy rất nghiêm khắc nhưng bên cạnh đó lại luôn biết động viên, khích lệ học sinh.

Trong câu chuyện của mình, thầy giáo Bảo tâm sự thêm rằng, dù đã có thành tích nhất định nhưng chưa phải đó là mục tiêu cuối cùng của thầy và trò. Phía trước các em là lớp 12 và các em còn 1 năm học dài để thể hiện năng lực...

Mới nhất
x
Thầy giáo 9X và những tấm huy chương Vật lý quốc tế đầu tiên của đôi bạn thân ở Trường Phan Bội Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO