Thầy giáo trẻ Trường chuyên Phan Bội Châu: 'Điểm kém quá đừng vào sư phạm'

12/08/2017 07:17

(Baonghean) - Bốn năm trước, nam sinh Lê Văn Tú (sinh năm 1995) - học sinh lớp 12 A4, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã từ bỏ cơ hội vào thẳng Trường Đại học Y Hà Hội để đăng ký vào học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau khi đạt Giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia. Vừa qua, chàng cử nhân sư phạm này trở thành giáo viên môn Hóa học của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với thầy giáo trẻ, từng là một học sinh, sinh viên tài năng này.

- Chào Tú, xin chúc mừng em vì vừa được nhận vào làm việc ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Đây có phải là mục đích lớn nhất của em khi quyết định đăng ký vào học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội?

- Từ năm lớp 11 em đã đạt giải Ba - Học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học và với kết quả này em đương nhiên được tuyển thẳng vào đại học. Đến năm lớp 12, em tiếp tục được chọn vào đội tuyển quốc gia và đạt giải Nhì. Em cũng đã tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học và đạt 27 điểm với suy nghĩ đơn giản là không muốn mình quá rỗi rãi và hơn thế muốn nhận được phần thưởng của UBND tỉnh dành cho những học sinh đạt điểm cao để hỗ trợ được phần nào cho mẹ…

Với kết quả trên, sau khi kết thúc lớp 12 em có khá nhiều sự lựa chọn và đa phần gia đình, thầy cô, bạn bè cũng khuyên em nên đăng ký vào Đại học Y Hà Nội vì đây là một ngôi trường danh giá, có nhiều cơ hội phát triển.

Hồi còn nhỏ, đã có lúc em nghĩ rằng mình thích ngành y. Tuy nhiên, đó chỉ là ý thức nhất thời còn trong sâu xa em luôn thích nghề sư phạm. Sự yêu thích bắt đầu được em nhen nhóm từ năm lớp 8, lớp 9 và cứ thế lớn dần lên. Đến khi được vào học ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu thì em thực sự ngưỡng mộ những người thầy giáo của mình và thầy giáo chủ nhiệm Hoàng Thanh Phong là một trong những người truyền cảm hứng cho em, người giúp đỡ cho em trong những lúc khó khăn vất vả nhất.

Thầy giáo Lê Văn Tú (thứ 2 từ trái sang) tại lễ bảo vệ tốt nghiệp
Thầy giáo Lê Văn Tú (thứ 2 từ trái sang) tại lễ bảo vệ tốt nghiệp. Ảnh: Mỹ Hà

Em cũng còn nhớ một kỷ niệm về thầy giáo nguyên hiệu trưởng Đậu Văn Mùi. Thời điểm ấy khoảng giữa năm học lớp 12, thầy có đến lớp và hỏi chúng em: Trong lớp mình có ai chọn ngành sư phạm không? Cả lớp chỉ một mình em giơ tay và em có hỏi thầy: “Học xong chúng em có cơ hội để về Trường Phan Bội Châu để dạy không?”.

Khi đó, thầy hiệu trưởng không khẳng định là “có” hay “không” nhưng câu trả lời của thầy: Lúc này các em đang ở trường làng và sau này ra khơi sẽ thấy đây chỉ là cái “ao nhỏ”. Nếu đã lựa chọn ngành sư phạm, cơ hội của các em sẽ rất nhiều chứ không chỉ riêng trường Phan. Câu trả lời của thầy đã thực sự giúp em nhận ra rất nhiều điều và em nghĩ rằng dù chọn ngành gì thì chỉ cần đam mê sẽ có rất nhiều cánh cửa khác mở ra cho mình.

- Với một bản thành tích khá dày, rõ ràng em có nhiều thuận lợi khi đến với trường Đại học Sư phạm. Vậy nhưng có bao giờ em nghĩ mình đã lãng phí “cơ hội” khi mà hiện tại để trở thành sinh viên sư phạm quá dễ dàng?

- Thực sự sau khi đọc những thông tin về việc “3,4 điểm cũng có thể vào sư phạm” cảm giác của em hơi chán nản và buồn. Điều này em cũng nhận thấy rất rõ trong 4 năm học sư phạm với những bạn cùng lớp, cùng khóa hay cùng khoa. Bởi lẽ, có rất ít bạn chọn sư phạm vì niềm đam mê. Rất nhiều trường hợp do “cùng đường” hoặc theo ý bố mẹ hoặc đơn giản muốn chọn một công việc “nghe có vẻ là nhàn hạ”.

Thực ra, theo em để làm một giáo viên bình thường thì không khó nhưng như vậy sẽ rất tầm thường với nghề giáo viên. Bây giờ xã hội có vẻ không coi trọng nhưng tự em lại nghĩ rằng vị thế của nó có thể cao ngang với nhiều ngành nghề khác như nghề bác sỹ, kỹ sư…

Thực tế, để theo đuổi nghề giáo viên phải là người có sự kiên trì lớn, không chỉ ở chuyên môn mà còn nhiều kỹ năng khác. Hơn thế, để làm một giáo viên biết truyền được cảm hứng cho học trò lại càng khó hơn. Làm giáo viên, cái cần nhất là lòng yêu nghề nhưng nếu các bạn không đến với nghề vì lý do này thì sẽ không vượt qua được mọi khó khăn. Hay, nếu đến với nghề sư phạm để xem đây là một công cụ để kiếm tiền thì sẽ khiến cho nghề trở nên tầm thường và làm tổn hại xã hội.

Một thầy giáo kém, không có đam mê hệ quả không chỉ trong 1 năm, 2 năm mà còn cho nhiều thế hệ, ảnh hưởng đến tư tưởng và nhận thức của học trò. Em cũng không ủng hộ những bạn điểm quá kém mà đăng ký vào sư phạm. Lý do đơn giản vì thầy giáo nhất định phải có trình độ. Nếu không nói sẽ không có ai nghe.

- Với riêng Tú, hành trang của em khi đến với nghề thầy giáo là gì? Em có lo ngại không khi được làm giáo viên ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - một trong những ngôi trường cấp III hàng đầu của đất nước?

- Do đã học lớp chuyên 3 năm và có 2 năm ở đội tuyển quốc gia nên khi vào học khoa Hóa ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội em không gặp khó khăn nhiều trong quá trình theo học, thậm chí có nhiều kiến thức em đã học và làm đi làm lại nhiều lần.

Tuy nhiên, em cũng không chủ quan và mỗi một lần được trường cử tham gia các cuộc thi như cuộc thi Olympic Hóa học em đều cố gắng hết sức mình để đạt được giải cao nhất và tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc. Từ năm thứ nhất, em cũng đã làm gia sư, năm thứ 2 đã về quê bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tỉnh cho các em ở quê để lấy kinh nghiệm. Em cũng tranh thủ thời gian để học phong cách sống, phong cách giảng dạy của các thầy giáo, cô giáo để làm kinh nghiệm sống cho mình.

Sau khi ra trường em cũng đã có nhiều dự định và thật may mắn đúng thời điểm này em biết Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đang tuyển giáo viên dạy môn Hóa học. Khi nhận được thông tin này, bản thân em khá lo lắng. Điều em tự tin nhất là chuyên môn nhưng bên cạnh đó em cũng thấy mình còn có nhiều hạn chế và nhiều khiếm khuyết do chưa có nhiều trải nghiệm trong nghề.

Khi quyết định nộp hồ sơ vào Trường Phan em đã quyết định viết một bức tâm thư, chia sẻ về ước mơ, về những nỗ lực của mình và muốn được cống hiến tại trường.

Hiện tại dù chỉ là một giáo viên thử việc nhưng em rất vui mừng và tự bảo mình phải cố gắng, cố gắng thật nhiều. Mỗi lúc gặp khó khăn em lại nghĩ tới hình ảnh được dạy học trò, được dìu dắt học trò qua mỗi kỳ thi và được nhìn học sinh trưởng thành.

Có thể nghề giáo không giàu nhưng đây là điều tuyệt vời nhất, là điều lớn lao nhất và là thành tựu lớn nhất mà chỉ có những người làm nghề giáo có được.

- Cảm ơn em và chúc em sớm đạt được thành công trên con đường mà mình đã lựa chọn!

Mỹ Hà

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Thầy giáo trẻ Trường chuyên Phan Bội Châu: 'Điểm kém quá đừng vào sư phạm'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO