Thề

Đã bao giờ bạn nghe nói đến lời thề Hippocrates và tuổi đời của nó? Dạ vâng, đó là lời thề của vị bác sĩ được coi là ông tổ của nền y học hiện đại, một người sinh ra trên đảo Aegean (Hy Lạp) vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Sở dĩ tôi xin phép mượn câu chuyện lời thề Hippocrates để dẫn chuyện cho bài viết của mình bởi giờ đây mỗi năm hàng trăm ngàn sinh viên y khoa trên thế giới không chỉ tìm hiểu mà họ vẫn đặt tay lên trái tim đọc thời thề thiêng liêng ấy trước khi ra trường. Điều gì làm cho một lời thề có sức sống vĩnh cửu như vậy? Có lẽ cần một nghiên cứu sâu hơn để giải mã, nhưng tôi nghĩ có lẽ ít nhất nó cũng không phải là một lời thề suông.

Chúng ta sống bên cạnh lời thề, chúng ta sống bên trong lời thề và có thể nói chúng ta sống giữa vô vạn những lời thề đan bện vào nhau. Có lúc chúng ta quên, không nhận ra và cũng không còn quan tâm đến nó. Rất nhiều những lời thề đi suốt cuộc đời nhưng cũng không ít những lời thề nằm ở đầu môi chót lưỡi. Thành phố du lịch thơ mộng Đà Lạt có một thung lũng gọi là thung lũng Tình Yêu, ở đó có một cây cầu cũng gọi là cầu Tình Yêu. Xung quanh khu vực cây cầu này xinh đẹp và lãng mạn này người ta bán những chiếc ổ khóa xinh xắn cho các đôi lứa yêu nhau. Đại ý sau lời thề cùng trăng cùng suối, để “chắc ăn” họ kéo nhau đến cây cầu Tình Yêu, mua một chiếc ổ khóa bấm vào thành cầu và vứt chìa xuống hồ thẳm. Về mặt “lý thuyết” thì tình yêu của họ đã được “khóa” vĩnh viễn và lời thề của họ được ràng buộc bởi yếu tố kim khí! Tưởng vậy mà chưa chắc là vậy, một người bán khóa dạo mà tôi có dịp gặp ở đầu cầu Tình Yêu bật mí rằng chị không thiếu khách quen vì có cô dắt cả mấy chàng đến khóa mà vẫn… trật! Có những lời thề đến từ lý trí, có những lời thề đến từ trách nhiệm, cũng có những lời thề đơn thuần đến từ cảm xúc. Chuyện chẳng đâu xa, vị hàng xóm nhà tôi thề bỏ đánh đề lần thứ 12 mà vẫn thất bại. Cuối cùng anh ấy chỉ còn cách tuyên bố “tôi thề là từ nay trở đi tôi không bao giờ thề nữa”! Người yếu đuối tựa vào một lời thề cũng yếu đuối, nhũn là đương nhiên.

Người quân tử coi lời thề là sinh mệnh, kẻ tiểu nhân lấy lời thề làm công cụ. Chúng ta từng nghe không ít lần về những lễ cắt máu ăn thề đâu đó trong các câu chuyện có tính kiếm hiệp. Có thể đó là sự thật, cũng có thể đó là giai thoại, nhưng chắc chắn đã có những lời thề khắc vào non sông, đi vào lịch sử như hội thề Lũng Nhai của Lê Lợi cùng 18 vị quân thần, thề sống chết cùng nhau chiến đấu tới cùng đánh đuổi xâm lăng bảo vệ giang sơn bờ cõi. Hoặc như Hội thề Đông quan, giữa Lê Lợi với chủ tướng nhà Minh là Vương Thông, hai bên cam kết bảo đảm an toàn khi quân Minh rút về nước. Chính lời thề này đã góp phần mang lại hòa bình cho nước nhà và cả những hòa hảo trong mối quan hệ của hai bên sau đó.

Lời thề không là đặc hữu của bận trượng phu nam giới, hãy nghe những câu này của Hai Bà Trưng trước khi xuất binh:

“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”

Lịch sử còn hằn vết thề trong cuộc chiến tranh Nguyên Mông, hàng ngàn binh sĩ nước Việt trước khi ra trận đã quyết xăm lên tay mình hai chữ “Sát Thát” (giết giặc Mông). Chính những lời thề in lên máu ấy đã góp phần dệt nên những chiến thắng lẫy lừng của cha ông.

Lịch sử oai hùng chống ngoại xâm của dân tộc ta đã được các thế hệ nối tiếp bằng chính những lời thề. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, trong lễ ra mắt “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã trực tiếp soạn thảo và đọc 10 lời thề danh dự, sau này đã trở thành 10 lời thề chính thức của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đúng như tinh thần trong lời bài hát “Vì nhân dân quên mình” của nhạc sĩ Doãn Nho, ca khúc được chọn làm nhạc hiệu của các chương trình phát thanh và truyền hình quân đội: “Thề vì dân suốt đời thề tranh đấu không ngừng/ Vì đất nước thân yêu mà hy sinh/ Thề diệt hết đế quốc kia giành tự do hoà bình/ Đoàn vệ quốc quên mình vì nhân dân”.

Tháng 8 năm 1945, nắm bắt thời cơ cách mạng, Trung ương đã mở hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sáng 17/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt các thành viên trong Ủy ban giải phóng dân tộc đã ra mắt và trân trọng đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng cũng không lùi bước. Xin thề!” Lời thề như sắt đá ấy vọng vào lịch sử, chỉ hai tuần sau, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, chính Người đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Vậy là, lời thề giành độc lập cho Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đình Tân Trào ngày 17/8/1945 đã trở thành hiện thực và một lời thề mới trước đồng bào cả nước được đọc lên. Chính những lời thề ấy đã góp phần làm nên những Điện Biên chấn động địa cầu, làm nên những đoàn quân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Đó là những lời thề được chưng cất từ sự cháy bỏng của lòng quả cảm và ý chí quyết tâm. Không giả dối, không đối phó, không qua loa hình thức và không né tránh. Như câu ngạn ngữ của cha ông, “lời nói đọi máu”!

Điều tối kị của lời thề là nước đôi, hoặc mặc cả những điều không liên quan. Có một câu chuyện tếu hàm ý bỡn cợt lời thề rằng: “Anh mà không lấy em thì bạn ông anh rể nhà anh sẽ chết”.

Viết những dòng này bỗng nhiên tôi lại chợt nhớ đến một lễ hội đang được bảo tồn và nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo giới cũng như dư luận – lễ hội Minh thề. Một di sản văn hóa cấp quốc gia, diễn ra hàng nằm vào ngày 14 tháng Giêng tại Miếu Thành hoàng bản thổ, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ Hải Phòng. Lễ hội được ví là “Hội thề không tham nhũng”. Năm nào cũng như năm nào, lễ hội minh thề được tổ chức trang trọng, đầy đủ các nghi thức. Các cấp địa phương về dự và “chỉ đạo” lễ hội đông đủ lắm, tuy nhiên phần quan trọng nhất của lễ hội là thề thì chỉ ưu tiên cho các bô lão thôi! Các cụ bô lão trong làng lên thề không tham nhũng, vui thì cũng vui mà may thì cũng may. May mà các cụ không… tham nhũng! Năm trước, trả lời câu hỏi của báo chí “Sao cán bộ không lên thề?” thì một vị công bộc đã nói rất hay và cũng rất đúng: “Cán bộ thề trước Đảng trước dân, còn thề trước thần linh thì để các cụ bô lão nó mới trang trọng và ý nghĩa”. Đúng là ý nghĩa thật.

Có những lời thề cần được công bố rộng rãi để mọi người theo dõi và kiểm chứng, nhưng cũng có những lời thề không nhất thiết phải nói ra, đó là khi chúng ta tự thề với chính mình. Việc các cụ già ở xã Thuận Thiên lên thề không tham nhũng thì cũng từa tựa như các cụ bô lão ngoắc khóa vào cây cầu Tình Yêu trong Đà Lạt vậy thôi, thề cái mà nó gần như là hiển nhiên xảy ra. Thôi thì ai thề cũng quý, thề ở đâu cũng đáng trân trọng nhưng nếu khi người ta biết tự thề với chính mình thì có lẽ nặng giá trị hơn. Lời thề đến từ trong tâm mới là lời thề có sức mạnh. Thầm lặng mà thực chất còn hơn ồn ào mà hình thức. Nói một cách nôm na, đã thề thì cũng không nhất thiết phải thốt!