Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất tuần qua những bức ảnh nổi bật:
|
Trump nối lại thượng đỉnh Mỹ-Triều Ngày 1/6 (giờ Mỹ), sau cuộc gặp với quan chức cấp cao Triều Tiên Kim Yong-chol, Tổng thống Donald Trump khẳng định ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đúng như kế hoạch, tức ngày 12/6 tại Singapore. Trump còn cho biết quan chức Triều Tiên đã chuyển cho ông một lá thư rất “tử tế” và “rất thú vị” từ ông Kim, nhưng sau đó nói thêm rằng ông vẫn chưa đọc thư. Ảnh: Nhà Trắng |
|
“Tôi chưa bao giờ nói mọi chuyện sẽ diễn ra trong một cuộc gặp, tôi nghĩ nó sẽ phải là một quá trình. Nhưng quan hệ đang được vun đắp, và đó là điều rất tích cực”, Trump khẳng định. Cuộc gặp Trump-Kim lần này nếu được tổ chức sẽ là hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên từ trước đến nay. Ảnh: CNN |
|
Phản ứng trước thông tin trên, ngày 2/6, Hàn Quốc đã tỏ ý hoan nghênh việc nối lại thượng đỉnh Trump-Kim. Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) Kim Eui-kyeom cho biết: “Có vẻ như con đường dẫn tới hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ đã được thúc đẩy và mở rộng. Chúng tôi sẽ háo hức nhưng cũng sẽ bình tĩnh trông đợi cuộc gặp lịch sử sắp được tổ chức tại Singapore”. Ảnh: Yonhap |
|
Nhà báo Nga "bị sát hại" ở Ukraine bất ngờ “hồi sinh” Ngày 29/5, Ukraine thông báo nhà báo kiêm MC truyền hình của Nga Arkadiy Babchenko - người từ lâu đã khiến Điện Kremlin khó chịu bởi những bài viết chỉ trích Nga “xâm lược” Ukraine, bất ngờ bị bắn 3 phát vào lưng tại căn hộ ở Kiev. Thông tin này ngay lập tức đẩy quan hệ Nga-Ukraine vào vòng xoáy căng thẳng mới: Ukraine cáo buộc Nga đứng sau vụ ám sát phóng viên bất đồng chính kiến, trong khi Ngoại trưởng Lavrov lên tiếng bác bỏ, gọi đây là một phần chiến dịch bài Nga. Ảnh: Internet |
|
Bất ngờ, 1 ngày sau, chiều 30/5, ông Babchenko xuất hiện trong trạng thái khỏe mạnh tại một cuộc họp báo do cơ quan an ninh Ukraine tổ chức để nói về “cái chết” của chính mình. Theo đó, cái chết giả của Babchenko là một phần trong chiến dịch đặc biệt nhằm chặn trước âm mưu ám sát thực sự. Phía Nga cho rằng Kiev đang lợi dụng câu chuyện để phục vụ mục đích tuyên truyền, quả quyết đây là “chiến dịch cờ giả” nhằm bôi nhọ uy tín của Moskva. Ảnh: CNN |
|
Chính trường Italy: Thỏa hiệp để thoát khủng hoảng Ngày 23/5, Tổng thống Italy Sergio Mattarella chỉ định Giáo sư luật Giuseppe Conte làm Thủ tướng, giao ông đứng ra thành lập chính phủ. Tuy nhiên, 5 ngày sau, ông Conte từ chức do không hoàn thành nhiệm vụ trên, khi ông Mattarella bác đề cử cựu Bộ trưởng Công nghiệp làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính. Ảnh: Express |
|
Song đến ngày 30/5, 2 bên chấp nhận thỏa hiệp, theo đó ông Conte quay lại chiếc ghế Thủ tướng, và sau đó 1 ngày đệ trình lên Tổng thống danh sách đề cử nội các mới, đưa ra các nhượng bộ thích hợp hơn. "Chúng tôi sẽ tích cực nỗ lực đạt các mục tiêu chính trị trong thỏa thuận cương lĩnh lãnh đạo đất nước. Chúng tôi sẽ nêu cao quyết tâm cải thiện đời sống người dân", tân Thủ tướng Italy nhấn mạnh. Ảnh: CNN |
|
Mỹ bắt đầu đánh thuế bạn bè Ngày 31/5, Mỹ tuyên bố áp thuế nhôm và thép nhập khẩu đối với Liên minh châu Âu (EU), Mexico và Canada, kết thúc 2 tháng miễn trừ đối với các thị trường này. Phản ứng trước thông tin trên, lãnh đạo Ủy ban châu Âu (EC) cho biết động thái của Mỹ không thể chấp nhận được, khẳng định EU sẽ trả đũa. Ảnh: Internet |
|
Cùng ngày, Mexico và Canada đưa ra các biện pháp đáp trả, theo đó từ ngày 1/7, Canada sẽ áp thuế lên hàng loạt mặt hàng của Mỹ có tổng giá trị lên tới 16,6 tỷ USD, còn Mexico sẽ nhằm vào các mặt hàng gồm thép, chân giò lợn, táo, nho,… có xuất xứ từ các bang của Mỹ ủng hộ ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống. Giới phân tích nhận định quyết định của Mỹ có thể khơi mào cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ với các đồng minh. Ảnh: RNN |
|
Mỹ nêu lập trường cứng rắn về Biển Đông Sau các động thái quân sự hóa trái phép các đảo tại Biển Đông của Trung Quốc như di chuyển các tên lửa đất đối không, các hệ thống phòng không đến khu vực này, cho máy bay ném bom lần đầu tiên đáp xuống một hòn đảo, Lầu Năm Góc hôm 31/5 đã cảnh báo khả năng cho nổ tung đảo nhân tạo của Trung Quốc. Trung tướng Mỹ McKenzie nói rằng họ sẽ không nhân nhượng, khẳng định “chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải được luật pháp quốc tế cho phép. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm những việc mà mình đang làm”. Ảnh: Internet |
|
Tiếp đó, bên lề Hội nghị An ninh châu Á ở Singapore với tên gọi Đối thoại Shangri-la lần thứ 17, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis nhất trí với các đối tác từ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về việc tăng cường mối quan hệ an ninh giữa Mỹ với khu vực, trong bối cảnh dấy lên quan ngại về hoạt động quân sự hóa gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: CNN |