Thế giới - căng thẳng và hòa hoãn

13/12/2015 14:18

(Baonghean) - Trong tuần qua, có nhiều diễn biến mới trên bàn cờ ngoại giao giữa các quốc gia trên khắp thế giới. Đó là quan hệ căng thẳng vẫn tiếp diễn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Iraq, là sự ấm lên chưa nhiều nhưng chứa đựng tín hiệu lạc quan trong quan hệ Mỹ - Cuba, Hàn Quốc - Triều Tiên,…

Ankara: chưa hết hục hặc với Moskva lại đến Baghdad

Nhiều tuần trôi qua, và những căng thẳng Ankara - Moskva vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga. Giờ đây, mối quan ngại lớn nhất của Chính quyền ông Erdogan là vấn đề năng lượng - xương sống trong mối quan hệ song phương Nga -Thổ.

1
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Theo tờ DW, khi nói đến sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, vẫn có nhiều ý kiến đoán định rằng khả năng sẽ xảy ra sự gián đoạn trong dòng chảy khí đốt của 2 đường ống dẫn hiện nay - đường ống xuyên Balkan/phía Tây và Dòng chảy màu xanh hiện cung cấp cho Ankara 55% lượng tiêu thụ khí đốt hàng năm. Nếu bị gián đoạn, không chỉ các hộ dân của Thổ Nhĩ Kỳ mà kể cả các nhà máy điện lớn và hoạt động sản xuất công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Rõ ràng, đây không phải là kịch bản mà Tổng thống Erdogan mong muốn.

Ngược lại, như nhiều chuyên gia đã nhận định, Nga chưa và sẽ khó có động thái cắt đứt nguồn cung năng lượng cho Thổ Nhĩ Kỳ vì xét cho cùng, làm vậy cũng không đem lại lợi lộc gì cho Moskva, nhất là trong bối cảnh xứ sở bạch dương đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, và nguồn thu từ việc bán khí đốt chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP của nước này.

Chưa hết hục hặc với Nga, tuần qua Thổ Nhĩ Kỳ lại “dính líu” vào rắc rối với Iraq, khởi phát từ sự kiện ngày 4/12, hơn 100 binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ được 20-25 xe tăng hộ tống triển khai tới một khu vực gần Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh của Iraq, nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng từ tháng 6/2014. Được biết, số quân này nhằm thay thế lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã được điều tới đây hơn 2 năm trước, tiếp quản sứ mệnh huấn luyện lực lượng người Kurd bản địa chống IS.

Sau nhiều tranh cãi qua lại trên mặt trận ngoại giao, hành vi triển khai quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ gần Mosul đã làm xấu đi nhanh chóng quan hệ giữa Ankara và Baghdad. Thậm chí, trong diễn biến mới nhất, hôm 12/12, Iraq đã kiến nghị lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm luật pháp quốc tế. Nội dung bức thư Đại sứ Iraq Mohamed Ali Alhakim gửi cho Hội đồng Bảo an có đoạn: “Chúng tôi kêu gọi Hội đồng Bảo an yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức rút quân… và không tái xâm phạm chủ quyền của Iraq”.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “gánh vác trách nhiệm” và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc “gánh vác trách nhiệm” và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân. Ảnh: Reuters.

Đáp lại, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power, đang giữ chức chủ tịch luân phiên của cơ quan này trong tháng 12, cho biết lá thư nói trên đang được xem xét cẩn thận. Đại sứ Power nói thêm: “Bất cứ động thái triển khai quân đội nào cũng phải có được sự chấp thuận của chính quyền Iraq”.

Trước hành động vời tới sự can thiệp và “gánh vác trách nhiệm” của Hội đồng Bảo an, Ankara chắc chắn sẽ khó lòng tiếp tục phớt lờ những cáo buộc của Baghdad trong những ngày qua, và nhiều khả năng sẽ có một cuộc gặp cấp cao giữa 2 nước để các nhà lãnh đạo cùng thẳng thắn thảo luận, tháo gỡ những ngòi nổ xung đột có thể xảy ra tại khu vực chảo lửa Trung Đông vốn dĩ đã hết sức nóng bỏng.

Xuất hiện những dấu hiệu lạc quan

Bên cạnh những tín hiệu xấu, tuần qua cũng có không ít mảng màu lạc quan xuất hiện trên phông nền chính trị thế giới. Ngày 11/12, Cuba và Mỹ đã đạt được thỏa thuận tái thiết lập dịch vụ thư tín trực tiếp vốn bị đình trệ từ năm 1963, đánh dấu bước khởi sắc mới trong mối quan hệ song phương được tuyên bố bước vào tiến trình bình thường hóa cách đây gần 1 năm (từ 17/12/2014).

Mỹ và Cuba vừa đạt thỏa thuận tái thiết lập dịch vụ thư tín trực tiếp sau 52 năm đình trệ. Ảnh: Internet.
Mỹ và Cuba vừa đạt thỏa thuận tái thiết lập dịch vụ thư tín trực tiếp sau 52 năm đình trệ. Ảnh: Internet.

Như vậy, 52 năm sau khi bị ngưng trệ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, giờ đây dịch vụ bưu điện trực tiếp đã được khôi phục giữa 2 quốc gia chỉ cách nhau vỏn vẹn 150 km này, và “sẽ cung cấp các chuyến bay chuyên chở thư từ giữa 2 quốc gia với tần suất vài lần mỗi tuần, thay vì chuyển thư từ qua một nước thứ 3 như trước đây từng làm” - theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hai bên cũng cho biết, sẽ khởi động một chương trình thí điểm để kiểm nghiệm dịch vụ trực tiếp này. Dù vậy, cả Mỹ lẫn Cuba đều không cho biết thời điểm khôi phục dịch vụ trên, mà chỉ cho hay các khía cạnh kỹ thuật, vận hành và an toàn đang trong quá trình thảo luận.

Nhiều năm qua, thư từ và bưu phẩm từ Mỹ sang Cuba và ngược lại đều buộc phải di chuyển thông qua các nước trung gian, chẳng hạn như Mexico và Canada, trong nhiều trường hợp khiến quá trình giao nhận thư tín bị chậm trễ cả tháng trời, gây bất tiện cho người dân sinh sống và làm việc tại cả 2 quốc gia.

Sau khi tuyên bố khôi phục các quan hệ ngoại giao, tái mở cửa Đại sứ quán tại mỗi nước và nối lại đường dây điện thoại trực tiếp giữa Washington và La Habana, có thể thấy rằng quan hệ song phương Mỹ - Cuba đang có những nỗ lực mạnh mẽ hơn bao giờ hết để dần làm tan chảy những tảng băng tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua trong mối quan hệ láng giềng - cựu thù.

Cũng trong ngày 11/12, tín hiệu tích cực cũng được phát đi từ Bán đảo Triều Tiên khi quan hệ ngoại giao giữa 2 miền Nam - Bắc có dấu hiệu cải thiện bằng việc tiến hành cuộc hội đàm cấp Thứ trưởng. Kể từ khi cuộc chiến tranh 1950 -1 953 không kết thúc bằng một hiệu ước hòa bình mà thay vào đó là một thỏa thuận đình chiến, quan hệ Seoul - Bình Nhưỡng vẫn thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, mới đây nhất là những leo thang về mặt quân sự hồi tháng 8/2015.

 Cuộc hội đàm cấp cao Hàn Quốc-Triều Tiên hôm 11/12 tại Kaesong. Ảnh: Yonhap.
Cuộc hội đàm cấp cao Hàn Quốc-Triều Tiên hôm 11/12 tại Kaesong. Ảnh: Yonhap.

Lần đầu tiên kể từ khi bà Park Geun-hye nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc vào năm 2013 và sau khi 2 miền Triều Tiên nhất trí đạt thỏa thuận ngày 25/8 vừa qua để xoa dịu tình hình căng thẳng tại “điểm nóng” này, cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng được tổ chức tại khu công nghiệp chung Kaesong, với hy vọng hạ nhiệt căng thẳng và tiến tới cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Trong bối cảnh chương trình nghị sự của cuộc hội đàm không được tiết lộ, có nhiều đồn đoán cho rằng phía Hàn Quốc đã đưa ra bàn thảo các vấn đề hòng xoa dịu căng thẳng tại biên giới và tăng cường tổ chức các cuộc gặp mặt thân nhân các gia đình bị ly tán bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trong khi đó, nhiều khả năng Bình Nhưỡng lại đề cập tới việc nối lại các tour du lịch chung tới Kumgang, một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng nằm ở bờ biển phía Đông Bán đảo này.

Và dù những cuộc hội đàm như trên chưa mang lại nhiều kết quả lạc quan, ít nhất chúng cũng là bằng chứng cho thấy thiện chí hòa hoãn và giải quyết những nút thắt căng thẳng tồn tại không phải ngày một ngày hai trong mối quan hệ song phương luôn thu hút mọi ánh nhìn này.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Thế giới - căng thẳng và hòa hoãn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO