Thế giới hiện thực dưới ngòi bút Nguyễn Bình Phương

Hoàng Thuỵ Anh 08/09/2022 14:50

(Baonghean.vn) - Thế giới hiện thực dưới ngòi bút của Nguyễn Bình Phương là thế giới “thậm phồn”, được cơi nới mọi chiều kích, tận cùng và vô cùng. Ở đó, cái tôi đa bản thể - đời sống của hiện thực tinh thần, chảy trôi, chênh vênh trong vũ điệu bất tín, ngổn ngang thật giả, đúng sai, thực ảo. Một “cõi đời lẩn quẩn” cứ đi về trong các tiểu thuyết của ông, giao thoa trong cái nhìn nhân văn nhưng luôn chuyển động riêng khác và mới mẻ. Một ví dụ xoàng (*) - cuốn tiểu thuyết vừa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn cuối năm 2021, là một minh chứng.

Sự mời gọi của các phạm trù đối lập

Nguyễn Văn Sang học hành tử tế, làm tiến sĩ ở Liên Xô, về làm nghề dạy, không đủ trang trải cuộc sống, vợ thì bỏ theo trai, mong có cái Tết ấm áp, anh đã đánh liều cú chót buôn 4 cân chè Đại Từ về Thái Nguyên, nhưng vô tình bắn chết quân nhân nên anh đã bị kết án tử hình chỉ trong vòng hơn một tháng. Sau này, một trong hai người con trai của Sang đã phỏng vấn, ghi âm lại những người có liên quan đến cuộc đời và cái chết của bố mình. Chuyện cuộc đời Sang và xử bắn Sang chẳng có gì là lạ. Nói như Chánh án tòa án tối cao, đó chỉ là một ví dụ xoàng, một án tử hình trong vô vàn án tử hình. Ấy vậy mà, trong tay Nguyễn Bình Phương, một nhà văn vốn nổi tiếng với sự chăm chút, nghiêm túc từng chi tiết, cái chết của Sang không hề xoàng xĩnh chút nào bởi sự đan bện, va quệt của vô vàn câu chuyện, kiếp sống và nhân sinh. Sang trở thành cái trục chính, làm nền cho sự bất ổn, thoái hóa của cuộc sống “đâm chồi nẩy lộc”.

Bìa cuốn sách "Một ví dụ xoàng" của Nguyễn Bình Phương.

Truy tìm về cuộc đời và cái chết của Sang, các vấn đề của đạo đức, truyền thống giữa tốt - xấu, thiện - ác, đúng - sai, hay - dở, luân lí - loạn luân, phẩm hạnh - mất trinh tiết, chung thủy - ngoại tình,… được Nguyễn Bình Phương đưa ra phán xét lại, đặt chúng đúng vị trí mà chúng hiện tồn. Nhà văn bới những cuộc đời lên ở nhiều giác độ: trực tiếp - gián tiếp, chủ quan - khách quan, gần - xa… rồi lật trần bản chất thông qua sự bổ trợ, phản biện, đối cực. Sự sinh động của mỗi lời kể, lúc đổi tráo ngôi, lúc đối thoại, lúc chỉ là những lời độc thoại,… đã gắn vào cuộc đời Sang những yếu tố vừa thực vừa ảo, đầy bí ẩn, mời gọi. Ánh sáng và bóng tối cuộc đời Sang theo đó cũng làm cho các phạm trù đối lập liên tục chuyển đổi, khó có thể tìm ra căn nguyên, chân lí, kết quả cuối cùng. Mỗi người là một mảnh ghép tạo nên bức tranh điển hình cho cõi người méo mó, kì dị.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Trong sự đối thoại không có hồi kết giữa cái tốt với cái xấu, cái thiện với các ác, Nguyễn Bình Phương vẫn chậm rãi kể chuyện như cách mà ông đã kể trong cuốn tiểu thuyết gần đây - Kể xong rồi đi. Một ví dụ xoàng kể xong rồi đi, để lại mặt bằng bừa bộn, rỗng tuếch đạo đức, người đọc tự chắp nối, lượm vá, tự giải đáp những bất thường. Chỉ khi người đọc giải mã được giá trị của tác phẩm lúc đó người đọc mới thấy được ý nghĩa của sự cào bằng đối thoại: đặt mọi hệ giá trị lên một bàn cân, sự nặng lại không thuộc về bên nào, mà nó thuộc về ý - thức - làm - người - cái nhân vị hằng trường ẩn lấp này sẽ trồi lên khi lương tâm được đánh thức.

Cái nhân vị hằng trường được Nguyễn Bình Phương giấu nhẹm trong tận cùng của sự đổ vỡ, phi lí. Mặt bằng là sự đối thoại “trơ trẽn” giữa các thể loại người nhưng bề sâu là nền tảng đạo đức, nhân phẩm. Nhân vật khách - con trai của Sang, đi tìm lại vết dấu của người bố mà thuở nhỏ anh chưa thể cảm nhận được ngoài cái hôm dặn dò bố đi thì nhớ mang theo khẩu súng cho oai, qua cái máy ghi âm của anh, bao tính cách, phận người được bày ra. Lúc này, cái máy ghi âm tồn tại như một con người, một nhân chứng góp phần hoàn thiện những mảnh ghép của cuộc sống. Người đọc men theo đó mà quán chiếu mà ngẫm ngợi mà thức tỉnh mà chua xót mà đắng cay.

Tiếng nói của quá nhiều nhân cách

Các nhân vật của Nguyễn Bình Phương thường hiện lên với đầy đủ góc cạnh, diện mạo, thông qua sự phức hợp của nhiều điểm nhìn. Nhân vật này kể, phán xét nhân vật kia, các tổ hợp điểm nhìn liên tục vặn xoắn vào nhau và phơi lên những gì đã và đang hiện hữu. Thế giới nội tâm, thân phận, tình yêu, lẽ sống,… được lần lượt khám phá, lật trở, không có kết quả cuối cùng mà chỉ có những đối thoại lúc tương hỗ lúc đối kháng lúc đồng thuận lúc phản biện. Mỗi nhân vật mang trong mình hơn một/ nhiều nhân cách tạo nên một hiện thực chông chênh, hỗn loạn, phức tạp, đầy phi lý.

Sang đã có lần tâm sự với Quyết: “…gia đình giống cốc nước đầy, ai khéo lắm cũng chỉ giữ được một quãng, trước sau rồi cũng sánh đổ” [tr.74]. Quả đúng vậy, sự thối nát, mục rữa đến từ bên trong. Cái thành trì máu mủ vững bền của gia đình đã bị đồng tiền và danh lợi thao túng. Tình cảm vợ chồng cũng bị chi phối bởi đồng tiền, vì mấy cục vàng mà chủ cửa hàng sẵn sàng đẩy vợ mình vào cửa ngõ của sự bán thân. Vì tiền, vì cái nhà mà Vân - cô con dâu cả, tìm mọi cách phủ dụ lão Chính - bố chồng, bất chấp mối quan hệ loạn luân. Cũng vì tiền mà vợ của Sang đã bỏ theo người đàn ông khác… Chị gái Uyên một lần đến nhà chơi đã dặn Uyên: “Nhà rộng thì lạnh, cố mà giữ cho nó ấm áp” [tr.16]. Một người như Uyên, đã từng khiến đời Sang vơi bớt cô lẻ, nhưng cũng bị vấy bẩn, đổi thay bởi cuộc đời. Uyên giữ ấm áp ngôi nhà bằng cách mất đi một người đàn ông thì bù đắp vào một người đàn ông khác. Cái sự vờn nhau giữa ông Chính và bà Uyên như đẩy mọi sự tha hóa lên đến đỉnh điểm.

Như vậy, bản tính thú - người của lão Chính đã kéo theo những hệ lụy buồn đau: cả gia đình què quặt, dị dạng tâm hồn, đều sống kiếp người không ra người, ngợm không ra ngợm. Những cử chỉ, lời nói thản nhiên, tỉnh queo đến rợn người túa ra từ những thành viên trong gia đình lão Chính dưới dạng đối thoại phản đối thoại: “Ông anh tôi đi vừa khéo” (lời Quyết nói với Uyên), “Nhân quả đấy” (lời Uyên nói với lão Chính), “Ừ, nhân quả đấy” (lời lão Chính đáp trả…

Dạng đối thoại không nhằm vào câu chuyện đang nói, không có mối liên hệ giữa người nói và người nghe nhưng nó gián tiếp bộc lộ bản chất của nhân vật. Sự không bình thường về tâm lí lẫn cử chỉ, hành động của gia đình lão Chính chính là phiên bản, là lát cắt thu nhỏ của xã hội hỗn độn bi hài. Những câu chuyện rời rạc, đứt đoạn giữa xưa - nay, quá khứ - hiện tại, cõi sống - cõi chết,… trong Một ví dụ xoàng được Nguyễn Bình Phương thu về một mối - ấy là sự đi vắng của tình người.

Nguyễn Bình Phương viết cái gì cũng ra tấm ra món. Khoản nào cũng hấp dẫn, ấn tượng. Ông không đao to búa lớn, xoáy vào trung tâm mà thường bám vào cái ngoại vi, mượn cái ngoại vi đả phá, giải trung tâm. Ở góc nhìn bên lề, ở góc nhìn hẹp, góc nhìn từ gia đình lão Chính, ông nới rộng ra vô biên, đó là các vấn đề về chiến tranh, chính trị, pháp luật, văn hóa, giáo dục, đạo đức, tình dục,… Tất cả đều vận động, châu tuần trong kĩ thuật “đảo thuật”, đánh tráo không thời gian, ngôi kể, điểm nhìn nhưng vẫn đảm bảo được tính hệ thống, liên tục của sự hỗn độn, gợi mở, không hoàn kết: “Trong cái đầu lồ chồ hóc hiểm kia còn muôn vàn những câu chuyện phấp phỏng chờ đợi đến lượt mình. Muốn chuyện khác lên tiếng thì chuyện này cần dừng lại, dứt khoát phải dừng lại” [tr.202]. Đấy là cái bình thường, tự nhiên nhưng đầy bất ổn, nghịch lí của cuộc đời mà Một ví dụ xoàng gửi gắm.

Nguyễn Bình Phương sinh tại Thái Nguyên, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là cây bút tiểu thuyết nổi bật của văn học Việt Nam đương đại. Hơn 30 năm qua, Nguyễn Bình Phương luôn bền bỉ sáng tác bằng phong cách nghệ thuật độc đáo với 10 cuốn tiểu thuyết ấn tượng.

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương "Một ví dụ xoàng" được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 với 100% số phiếu.


(*). Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, NXB Hội Nhà văn, 2021.

Mới nhất

x
Thế giới hiện thực dưới ngòi bút Nguyễn Bình Phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO