Thế giới - "may" và "rủi"
(Baonghean) - Tuần qua, thế giới chứng kiến nhiều sự kiện nổi bật, chẳng hạn như bản Thông điệp Liên bang cuối cùng của đương kim Tổng thống Mỹ trước khi mãn nhiệm, những vụ tấn công khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia,…
Bên cạnh đó, tình cảnh khốn cùng của những người dân kém may mắn xứ Madaya, Syria và giấc mộng đổi đời nhờ giải độc đắc Powerball ở Mỹ cũng thu hút vô số sự quan tâm của dư luận.
Những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên của Liên hợp quốc đã đến được với người dân ở thị trấn Madaya của Syria. Ảnh: THX. |
Nỗi bất hạnh của người Madaya
Madaya là tên của một thị trấn miền núi nhỏ tại Syria, nằm ở độ cao 1.400 m so với mực nước biển. Với dân số khoảng 40.000 người, nằm cách thủ đô Damascus chừng 40 km về phía Đông Bắc, đây được xem là khu nghỉ dưỡng tuyệt vời đối với nhiều du khách. Nhắc đến Madaya, người ta ngay lập tức nghĩ tới suối nước khoáng trong lành, rau quả tươi ngon và khí hậu dễ chịu, những khu biệt thự của giới thượng lưu Syria, khu chợ rộng lớn với đủ hàng hóa xuất xứ từ châu Âu,…
Đó là những gì thế giới từng được biết và nghĩ về Madaya. Còn giờ đây, mọi chuyện đã đổi khác. Những bức ảnh được cho là chụp lại nạn đói diễn ra tại thị trấn nhỏ này xuất hiện trên các trang mạng xã hội, rồi các phương tiện thông tin đại chúng, gây ám ảnh cho người xem và gợi nhớ về những cảnh tượng đau thương từng diễn ra dưới thời Chiến tranh thế giới thứ 2.
Cả thế giới lặng người trước hình ảnh những đứa trẻ gầy hốc hác, cơ thể chỉ còn mỗi da bọc xương, cất giọng thều thào cầu xin ban phát thức ăn đối với bất cứ ai từ xa đến. Và cả thi thể của một người đàn ông qua đời vì không chịu nổi sự hành hạ của cơn đói dai dẳng.
Đằng sau những cảnh tượng đó, người ta được nghe kể về những câu chuyện, những mảnh đời khốn khổ và bất hạnh, như bóp nghẹt trái tim những người chứng kiến: không ít gia đình nơi đây đã phải ăn cỏ dại và lá cây, cha mẹ buộc phải nhịn đói để có thể dàm dụm chút thực phẩm ít ỏi cho con, cũng chính là giành giật cho chúng chút sự sống đang héo tàn.
Điều đau lòng là đây không phải những số phận bước ra từ cuốn sử về thời trung cổ, cũng không phải xảy ra tại một đất nước chịu sự giày vò của thảm họa thiên nhiên, mà tại miền đất Syria - nơi được mệnh danh là điểm nóng rẫy của Trung Đông, nơi cảnh khốn cùng của dân thường không biết đến bao giờ mới có dấu hiệu kết thúc.
Madaya - thành phố bị vây hãm và cô lập từ tháng 7/2015, và chỉ vỏn vẹn trong 6 tháng đã rơi xuống vực sâu của nỗi bất hạnh và tuyệt vọng, trở thành nạn nhân cuộc cuộc xung đột dai dẳng kéo dài suốt 5 năm qua tại Syria.
Nhờ sức mạnh của truyền thông xã hội, những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên của Liên hợp quốc đã đến tận tay người dân nơi đây hồi đầu tuần. Ngày 14/1, những chiếc xe tải chất đầy thực phẩm, chăn màn, áo quần và thuốc men cũng chuyên chở đợt viện trợ thứ 2 cho dân chúng Madaya.
Theo đánh giá ban đầu của các nhân viên Liên hợp quốc và các tổ chức cứu trợ quốc tế, ít nhất 400 cư dân sinh sống tại thị trấn đang ở trong tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng. Cơn đói dai dẳng cũng đã cướp đi mạng sống của ít nhất 28 người, trong đó có 6 trẻ em.
Đáng quan ngại hơn, Madaya không phải là nơi duy nhất trở thành nạn nhân của chiến lược vây hãm. Liên hợp quốc ước tính tối thiểu 15 thành phố, thị trấn khác của Syria hiện cũng đang bị bao vây, kìm kẹp, tương ứng với đó là hơn 400.000 dân thường vô tội không thể tiếp cận với các nguồn cung thực phẩm và thuốc men.
2 năm đã trôi qua kể từ khi các nước thành viên Liên hợp quốc thống nhất ban hành nghị quyết buộc các bên tham chiến chấp thuận cho phép hàng hóa cứu trợ được lưu thông tự do, nhưng tình thế hiện nay dường như không lấy gì làm sáng sủa, nếu không muốn nói là ngày một xấu đi.
Xét cho cùng, Madaya tuy bất hạnh nhưng vẫn còn “may mắn” hơn nhiều nơi khác, khi sự chú ý của cộng đồng quốc tế những ngày qua đã đổ dồn về đây, kéo theo đó là chiếc “phao cứu sinh” tạm thời cho những sự sống đang hấp hối. Người ta lại đặt câu hỏi, biết đến bao giờ “vận may” mới mỉm cười với những khu vực còn lại?
1 trong 3 tấm vé độc đắc Powerball của Mỹ đã tìm được chủ nhân. Ảnh: Reuters. |
Độc đắc Powerball: Cơ may “trời cho”?
Cũng trong tuần qua, người dân Mỹ dường như sôi sục với “cơn sốt” giải xổ số Powerball, kéo theo đó là sự tò mò và có phần háo hức mong chờ của dân chúng trên khắp thế giới khi chứng kiến cảnh tượng dòng người dài bất tận mặc thời tiết giá rét đứng xếp hàng chờ đến lượt mua được tấm vé số này.
Cũng không khó lý giải hiện tượng trên, khi giá trị giải thưởng độc đắc Powerball năm nay lên tới 1,58 tỷ USD, tỷ lệ trúng chỉ là 1/292,2 triệu, do đó tất cả đều hồi hộp chờ đợi xem ai là người may mắn được nhận số tiền khổng lồ có thể thay đổi cuộc sống của cả gia đình chỉ trong chớp mắt từ giải độc đắc được cho là lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử nước Mỹ.
Ngày 13/1, kết quả quay số đã được công bố, theo đó có 3 chiếc vé may mắn trúng giải được bán ra ở các bang California, Florida và Tennessee. Theo quy định, mỗi người trúng thưởng sẽ nhận được số tiền chưa tính thuế là 528,8 triệu USD nếu chọn hình thức nhận từng phần trong vòng 30 năm, năm sau cao hơn năm trước 5%.
Trường hợp muốn nhận luôn toàn bộ số tiền trúng giải chỉ trong 1 lần, chủ nhân của tấm vé may mắn sẽ lĩnh về hơn 327,8 triệu USD. Thời hạn để người trúng giải đến lĩnh thưởng là 1 năm kể từ ngày công bố kết quả.
Đến ngày 15/1, mới chỉ có 1 trong 3 chủ nhân của những chiếc vé độc đắc đến nhận thưởng, đồng nghĩa với việc công bố danh tính cho người dân toàn nước Mỹ cũng như trên thế giới. Đó là gia đình ông John và bà Lisa Robinson sống tại Munford, bang Tennessee. Cặp vợ chồng cùng cô con gái đã cùng nhau đến nhận giải, và lựa chọn phương án nhận toàn bộ số tiền thưởng trong một lần, tức 187,2 triệu USD sau khi trừ đi các khoản thuế.
Họ chia sẻ rằng sẽ sử dụng số tiền trên để trang trải các khoản nợ cũ, lo cho con cái học hành, và dành phần còn lại để đầu tư sinh lời. Theo ông John, cuộc sống của gia đình sẽ chẳng có gì thay đổi, họ vẫn tiếp tục sống trong căn nhà cũ và làm những công việc cũ.
Với số tiền thưởng khổng lồ, giải xổ số Powerball đích thực là nơi gửi gắm giấc mộng đổi đời của bao người dân Mỹ, dẫu biết xác suất trúng giải vô cùng nhỏ. Và một khi trúng thưởng, cuộc sống của họ chắc chắn sẽ thay đổi, tích cực thì ít mà tiêu cực thì nhiều.
Nhiều năm qua, không ít chủ nhân của các giải thưởng trước đã vung tay tiêu xài khoản tiền “trên trời rơi xuống”, và nhanh chóng lâm vào cảnh phá sản, túng quẫn nợ nần sau vài năm.
Chưa hết, không ít người cũng tỏ ra lo sợ giải thưởng sẽ rơi vào tay những kẻ xấu, sử dụng tiền thưởng vào những mục đích không tốt đẹp, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại cho cả xã hội. Trong những trường hợp đó, rõ ràng chưa hẳn giải độc đắc đã là vận may “trời cho”.
Thu Giang
TIN LIÊN QUAN |
---|