Thế giới nói gì về cuộc gặp lịch sử của ông Donald Trump và Kim Jong-un

Thái Bình (Tổng hợp)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) -Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể gặp mặt vào tháng 5 tới đây đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.

1. Nga: Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là "bước đi đúng hướng"

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov 
Ngày 9/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng một cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là "một bước đi đúng hướng." 

Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga coi cuộc gặp của Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên là quan trọng, bởi đây không đơn giản là kết thúc một cuộc nói chuyện, mà là mở ra con đường hòa giải. Do đó không cần phải suy luận nhiều về nguyên nhân khiến Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.

Phát biểu sau hội nghị tại trụ sở của Liên minh châu Phi ở thủ đô Addis Ababa, Ethiopia, ông Lavrov nhấn mạnh: "Chúng tôi thực sự hy vọng cuộc gặp này sẽ diễn ra. Chắc chắn, điều này là cần thiết để bình thường hóa tình hình trên Bán đảo Triều Tiên." 
Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, đây sẽ không chỉ là một cuộc gặp đơn thuần, mà còn là cơ hội mở ra con đường nối lại tiến trình ngoại giao toàn diện nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, dựa trên các nguyên tắc đã được nhất trí trong khuôn khổ đàm phán 6 bên và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
2. Trung Quốc hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng.
Ngày 9/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết nước này hoan nghênh tuyên bố lịch sử về cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đồng thời hối thúc lãnh đạo hai nước này thể hiện sự “can đảm chính trị” trong việc theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. 
Phát biểu với báo giới, ông Cảnh Sảng nêu rõ: “Chúng tôi hoan nghênh tín hiệu tích cực này của Mỹ và Triều Tiên trong việc tổ chức đối thoại trực tiếp.”
Người phát ngôn này đồng thời nhấn mạnh “vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đang đi đúng hướng” và bày tỏ hy vọng tất cả các bên có thể thể hiện "sự can đảm chính trị" để đưa ra các quyết định chính trị đúng đắn.
3. Nhật Bản lạc quan thận trọng về cuộc gặp Mỹ - Triều Tiên
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 9/3 đã nói rằng việc Triều Tiên sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump là do nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản đang gây sức ép với Triều Tiên.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Suga cũng cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ vào sáng 9/3 đã nói rằng dù đã thiện chí, Triều Tiên vẫn cần chứng minh cho thế giới thấy, Triều Tiên đang nỗ lực phi hạt nhân hóa theo cách minh bạch và không thể đảo ngược.

4. Tổng thống Hàn Quốc: Cuộc gặp Trump - Kim sẽ là cột mốc lịch sử

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: The Financial Express
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: The Financial Express
"Cuộc gặp tháng 5 sẽ được ghi nhớ là cột mốc lịch sử hiện thực hóa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", Yonhap dẫn lời ông Moon Jae-in ngày 9/3 nói. "Nếu Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim gặp sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên sẽ đi đúng hướng chưa từng có". 

Ông Moon cũng tỏ lòng biết ơn tới Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vì "sự dũng cảm và thông minh" của họ. "Đặc biệt, sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, người vui vẻ chấp nhận lời mời của Chủ tịch Kim, sẽ nhận được lời khen không chỉ của nhân dân Hàn Quốc và Triều Tiên, mà còn cả nhân dân trên khắp thế giới", ông Moon nói. 

Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố nước này sẽ tận dụng "cơ hội đến như một phép màu". 

5. Chuyên gia dự đoán kết quả cuộc gặp gỡ "lịch sử" Donald Trump - Kim Jong-un

Ông Robert Gallucci, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Mỹ trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên năm 1994 cho biết: “Đây là một tín hiệu bất ngờ và rất đáng hoan nghênh. Nếu đại diện của chính phủ hai nước có thể gặp mặt và tổ chức một hội nghị, đó sẽ là một bước tiến đáng kể nằm giảm bớt căng thẳng và nguy cơ chiến tranh”.

“Nếu các cuộc đàm phán giữa hai nước giúp dẫn đến việc vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên được hủy bỏ và chấm dứt chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa, nguồn cơn chính dẫn đến căng thẳng giữa Triều Tiên cũng như của toàn thế giới cũng sẽ chấm dứt”, ông Gallucci nói thêm.

Ông Takashi Kawakami, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Takushoku ở Tokyo cho biết: “Tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ chờ đợi kết quả của các cuộc thảo luận giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong tháng 4 trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tôi nhận thấy 3 kịch bản có thể xảy ra: Thứ nhất là Triều Tiên sẽ đồng ý giải giáp vũ khí hạt nhân, thứ hai là Triều Tiên sẽ đồng ý đóng băng hạt nhân với Mỹ và thứ ba là họ sẽ rút lui và tiếp tục phóng thử tên lửa”.

“Trong ba khả năng này, khả năng thứ hai có thể xảy ra nhất. Nhật Bản không thể làm gì hơn ngoại trừ ủng hộ Mỹ tiếp tục kêu gọi sức ép đối với Triều Tiên”, ông Kawakami nói thêm.

Lần cuối cùng Triều Tiên thử nghiệm tên lửa là vào tháng 11/2017.
Lần cuối cùng Triều Tiên thử nghiệm tên lửa là vào tháng 11/2017.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham viết trên trang Twitter cá nhân của mình, : “Sau nhiều cuộc thảo luận với Tổng thống Trump, tôi tin rằng quan điểm cứng rắn của ông ấy trước Triều Tiên và hoạt động hạt nhân của nước này đã mang cho chúng ta hi vọng rõ ràng nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây nhằm giải quyết hiểm họa này”.

“Tôi tin Triều Tiên hiện nay thực sự tin rằng Tổng thống Trump sẽ dùng vũ lực. Tôi có lời cảnh báo muốn gửi đến lãnh đạo Kim Jong-un, đó là ông nhất định không được tìm cách qua mặt Tổng thống Trump khi gặp mặt ông ấy. Nếu ông Kim làm vậy, chính ông Kim và chính phủ của mình sẽ phải nhận kết cục không mấy tốt đẹp”, ông viết.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết: “Ông Trump có lẽ tin rằng ông có thể tự mình thuyết phục ông Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân. Một cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ và cơ hội. Mỹ sẽ phải rất, rất cẩn thận và biết những gì mình cần đạt được cũng như những gì mà Mỹ có thể nhượng bộ”.

Ông Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện Mỹ của đảng Cộng hòa cho biết: “Mong muốn đàm phán của ông Kim Jong-un cho thấy lệnh trừng phạt mà chính phủ Mỹ áp dụng đang bắt đầu có hiệu lực. Chúng ta có thể theo đuổi các biện pháp ngoại giao thông thường, đồng thời gây thêm sức ép hơn nữa. Cần phải hiểu rằng Triều Tiên đã có những lời hứa suông và kêu gọi đàm phán để tìm cách buộc các nước tham gia nhượng bộ và kéo dài thời gian”.

“Đây có thể là cơ hội để Triều Tiên thúc đẩy chương trình tên lửa và hạt nhân của mình. Chúng ta phải phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Mỹ và Hàn Quốc phải sát cánh với nhau để gây thêm sức ép cần thiết để chấm dứt mối đe dọa này. Bắc Kinh cũng phải thực hiện điều họ phải làm”, ông Royce nói thêm.

Ông Daniel Russel, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nói rằng: “Hãy thử nghe những điều mà Triều Tiên đề xuất. Chúng ta có nhiều lý do để cẩn trọng trước những gì họ làm. Cần phải nhớ rằng Triều Tiên đã từng đưa ra đề xuất hòa bình nhưng không bao giờ thực hiện. Họ cũng yêu cầu Tổng thống Mỹ đối thoại với lãnh đạo Triều Tiên như những người ngang hàng, giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân với nhau. Chúng ta phải có phản ứng khác với những lần trước đây”.

Ông Mark Dubowitz, Giám đốc Điều hành của Quỹ Quốc phòng vì Dân chủ của Mỹ nói rằng: “Chiến dịch gây sức ép tối đa của chính phủ Mỹ dường như đang mang lại kết quả tích cực. Tuy vậy chúng ta phải rất cẩn trọng: Đây là những điều mà Triều Tiên từng nói, khi trong quá khứ ông Kim Jong-il nói rằng ông ta muốn gặp Tổng thống Clinton. Bình Nhưỡng phải nghiêm túc trong việc giải giáp vũ khí hạt nhân. Trong khi đó chính quyền Trump cần phải tiếp tục các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất trước khi cuộc gặp mặt diễn ra vào tháng 5 tới”.

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.