Thế giới tuần qua: Chật vật giải quyết khủng hoảng dịch Corona

Mỹ Nga 09/02/2020 08:21

(Baonghean) - Trước sự lây lan của dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra, người dân Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng khan hiếm trầm trọng khẩu trang và các vật tư y tế. Mối quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đẩy vào rối ren, khi tình hình khu vực phía Tây Bắc Syria diễn biến phức tạp. Đây là những vấn đề quốc tế đáng chú ý trong tuần vừa qua.

“Cơn khát” khẩu trang chống nCoV

Các kệ hàng bán khẩu trang trên khắp đất nước Trung Quốc trở nên trống trơn, do người dân ồ ạt đi mua tại các cửa hàng, bất chấp giá cả gia tăng chóng mặt. Trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do sự lây lan của nCoV 2019, người dân hoảng loạn mua bán, các bệnh viện kêu gọi quyên góp khẩu trang đã cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng mặt hàng này ở Trung Quốc.

Nhân viên đeo khẩu trang và kính bảo vệ tiếp khách hàng tại hiệu thuốc ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 3/2. Ảnh: Reuters
Nhân viên đeo khẩu trang và kính bảo vệ tiếp khách hàng tại hiệu thuốc ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 3/2. Ảnh: Reuters

Với số người tử vong do nCoV 2019 đạt mức cao kỷ lục từng ngày, từng tuần, khẩu trang trở thành vật dụng “bất ly thân” với người dân trên toàn Trung Quốc. Ngoài tỉnh Hồ Bắc - tâm của đại dịch bệnh, chính quyền một số địa phương như Quảng Châu, Tứ Xuyên, đã ra lệnh bắt buộc người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Tại Thượng Hải, doanh số bán khẩu trang đã tăng từ khoảng 10.000 chiếc/ngày lên 3 triệu chiếc/ngày trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo các nhà chức trách, Trung Quốc có khả năng sản xuất 20 triệu khẩu trang mỗi ngày và các nhà máy sản xuất thiết bị y tế đang hoạt động với 60% công suất vào thời điểm này. Tuy nhiên, các đơn vị sản xuất cũng chỉ có thể làm ra khoảng 600.000 khẩu trang N95 - loại có khả năng ngăn chặn 95% các loại bụi mịn. Việc cung cấp khẩu trang trở nên phức tạp do nhiều địa phương quyết định kéo dài thêm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và áp đặt các lệnh hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng nghĩa với việc nhiều công nhân đã không thể quay lại nhà máy để sản xuất khẩu trang, khiến dây chuyền bị đình trệ.

Trong khi đó, một số nhà máy hoạt động hết công suất suốt ngày đêm. Công ty sản xuất sản phẩm y tế Thượng Hải Dasheng cho biết sẽ tăng gấp đôi sản lượng mỗi ngày, đạt mức 200.000 chiếc/ngày trong vòng 10 ngày. Nhiều doanh nghiệp tiết lộ, chính phủ đang giám sát quá trình sản xuất. Theo Trung tâm Phát triển Công nghiệp Thông tin và Công nghệ (CCID), năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất 50 tỷ khẩu trang, hơn một nửa trong số này được dùng cho ngành y tế. CCID cho rằng, năng lực sản xuất của Trung Quốc đủ để đáp ứng nhu cầu chống lây lan nCoV 2019, còn tình trạng khan hiếm hiện tại là do các nhà máy chưa hoạt động hết tốc lực, bởi kỳ nghỉ Tết được kéo dài.

Công nhân tập trung sản xuất khẩu trang tại một nhà máy của tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Ảnh: Tân Hoa Xã

Thời điểm này, Trung Quốc đã tạm dừng xuất khẩu chất liệu và thiết bị dùng để sản xuất khẩu trang sang một số nước, bao gồm cả Hàn Quốc và Việt Nam, làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch đang có nguy cơ bùng phát trên toàn cầu. Bắc Kinh cũng đang tìm nguồn cung ứng khẩu trang từ nước ngoài. Cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết, trong khoảng thời gian từ 24/1 đến 2/2, nước này đã nhập khẩu 220 triệu khẩu trang.

“Cơn khát” khẩu trang khiến cộng đồng lo lắng, hoảng loạn, song những nhân viên y tế tuyến đầu trong cuộc chiến chống n-CoV 2019 đang là những người có nguy cơ gặp rủi ro cao nhất.

Hiệp hội Y tế thế giới (WMA) đã kêu gọi các chính phủ và WHO khẩn cấp đa dạng hóa chuỗi cung ứng quốc tế nhằm hỗ trợ thuốc và vật tư y tế cho các chuyên gia y tế Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/2 cho biết, những gì nước này cần khẩn cấp lúc này là khẩu trang, áo và kính bảo hộ y tế. Hiện tại, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Kazakhstan và Hungary đã quyên góp vật tư y tế cho Bắc Kinh. Các bệnh viện công lớn ở các thành phố sầm uất như Bắc Kinh, Thành Đô, Trùng Khánh, Quảng Đông và Thâm Quyến đã kêu gọi người dân quyên góp các vật dụng như khẩu trang, phun thuốc khử trùng. Trung ương cũng đã gửi hơn 150.000 bộ quần áo bảo hộ y tế đến tỉnh Hồ Bắc.

Lô hàng nặng 6 tấn của UNICEF gồm khẩu trang bảo vệ hô hấp và quần áo bảo hộ đã được chuyển đến Vũ Hán, hỗ trợ Trung Quốc đẩy lùi đại dịch do chủng mới virus corona gây ra. Ảnh: UNICEF
Lô hàng nặng 6 tấn của UNICEF gồm khẩu trang bảo vệ hô hấp và quần áo bảo hộ đã được chuyển đến Vũ Hán, hỗ trợ Trung Quốc đẩy lùi đại dịch do chủng mới virus corona gây ra. Ảnh: UNICEF

Rối ren quan hệ Nga - Thổ

Trong cuộc nội chiến kéo dài 9 năm ở Syria, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có sự hiện diện quân sự, cùng nhau ngăn chặn các xung đột đổ máu, cũng như củng cố mối quan hệ quốc phòng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, những diễn biến căng thẳng gần dây đã tạo ra thách thức đối với sự hợp tác mong manh giữa hai nước.

Căng thẳng tại Idlib đã diễn ra hơn 2 tháng qua, dù Moskva và Ankara đã đối thoại ở nhiều cấp khác nhau, song niềm vui hàn gắn chẳng “tày gang”. Đỉnh điểm chính là sự đụng độ quân sự trực tiếp giữa quân chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn và Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib vào hồi đầu tuần. Cuộc tấn công của quan đội Syria đã giết chết 8 nhân viên quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy quan hệ Moskva - Ankara vào thách thức lớn nhất kể từ khi đạt thỏa thuận ngừng chiến giữa hai bên ở khu vực Tây bắc tỉnh Idlib, Syria vào năm 2018.

Binh sĩ Syria chiến đấu. Ảnh Reuters
Binh sĩ Syria chiến đấu. Ảnh: Reuters

Trong cuộc điện đàm gần đây nhất, Tổng thống Tayyip Erdogan đưa ra lời cảnh báo sẽ đáp trả lại theo cách khắc nghiệt nhất nếu quân đội Syria tiếp tục các chiến dịch quân sự, vi phạm thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng mà Nga - Thổ đã ký. Và tất nhiên, ông Erdogan cũng không quên cảnh báo về sự chia rẽ trong mối quan hệ Nga -Thổ bởi Syria.

Giờ đây, máu đã đổ từ cả hai phía. Các lực lượng của Assad đã tăng cường tấn công các căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, giết chết nhiều quân nhân Ankara. Về phía Nga, cũng ghi nhận số lượng binh sĩ bị thiệt hại từ các cuộc tấn công xuất phát ở vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng trăm người Syria bao gồm binh lính và dân thường đã thiệt mạng trong cuộc chiến leo thang này, hàng chục ngàn người buộc phải di cư khỏi khu vực. Phát ngôn viên của Liên hợp quốc tại Syria David Swanson cho biết, 520.000 người đã phải di dời kể từ đầu tháng 12/2019 và con số này tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (trái) và Tổng thống Nga bất tay thân mật khẳng định mối quan hệ nồng ấm. Ảnh AFP
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (trái) và Tổng thống Nga bắt tay thân mật khẳng định mối quan hệ nồng ấm. Ảnh: AFP

Các nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ Nga - Thổ nên tồn tại qua “những câu thần chú”. Trong bối cảnh hiện tại, các lựa chọn của Tổng thống Putin và người đồng cấp Erdogan bị hạn chế. Đối với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có tiềm năng là đối tác kinh tế lớn. Hai nhà lãnh đạo muốn tăng kim ngạch thương mại song phương, hiện đang ở mức 30 tỷ USD, sẽ tăng lên 100 tỷ USD. Hơn thế, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng đối với Nga trong việc duy trì các tổ chức đa phương ở vùng Kavkaz và Trung Á.

“Những diễn biến như thế này không dẫn đến một cuộc chia tay vĩnh viễn giữa Moskva và Ankara. Họ sẽ tìm mọi cách để khắc phục điều này, bởi cả hai bên vẫn tiếp tục dựa vào nhau để ngăn chặn tình hình leo thang ở Idlib”.

Siman Ulgen - nhà cựu ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia phân tích tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách đối ngoại

Các quan chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara không có kế hoạch rút lực lượng quân sự khỏi 12 trạm quan sát trong khu vực, mặc dù hiện nay hai cơ sở đang bị bao vây bởi lực lượng quân chính phủ Syria. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Nga không thể đơn phương giải quyết vấn đề này, song có thể tiếp tục cố gắng đạt được những điều kiện theo thỏa thuận hiện có về Idlib với thái độ chân thành. Tổng thống Erdogan cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không cần tham gia vào cuộc xung đột hay mâu thuẫn nghiêm trọng với Nga trong giai đoạn này. “Tất nhiên, chúng tôi sẽ ngồi xuống và thảo luận về mọi thứ, không phải với sự tức giận. Bởi vì những người ngồi xuống cùng với sự tức giận, khi đứng dậy sẽ đi ra cùng với mất mát”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.

Xe quân sự của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc tuần tra chung tại Syria. Ảnh: Reuters
Xe quân sự của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc tuần tra chung tại Syria. Ảnh: Reuters

Cuộc đụng độ gần đây của lực lượng chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn tại Idlib cho thấy rõ ràng giới hạn của sự hợp tác Nga - Thổ ở Trung Đông. Konstantin Kosachev, nhà lập pháp cấp cao của Nga đã gọi cuộc đấu tranh tăng cường này là một bài kiểm tra về sức mạnh của các thỏa thuận Nga - Thổ đã đặt ra ở Idlib nói chung và toàn bộ phía đông bắc Syria nói riêng.

Mới nhất

x
Thế giới tuần qua: Chật vật giải quyết khủng hoảng dịch Corona
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO