Thế giới tuần qua: Giá vàng tăng kỷ lục; Cấp bách cuộc đua sản xuất vaccine phòng Covid

Mỹ Nga 02/08/2020 08:02

(Baonghean.vn) - Giá vàng thế giới tuần qua đã tăng lên mức kỷ lục, do các nhà đầu tư đổ xô thu gom vàng trong bối cảnh lo ngại sự lây lan dịch bệnh gia tăng, tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, và vaccine phòng ngừa dịch bệnh trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đây là những vấn đề được chú ý trong tuần qua.

CƠN SỐT VÀNG

Vàng từ lâu được xem là tài sản an toàn, một nơi trú ẩn “thiên đường" cho các nhà đầu tư khi các khoản đầu tư khác không ổn định, nhất là trong các cuộc khủng hoảng kinh tế. Vàng không in thêm được như đồng đô la, và cũng khó trượt dốc nhanh như cổ phiếu. Thêm vào đó, đồng đô la Mỹ đã trượt dài trong những tuần gần đây, và giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm so với các loại tiền tệ khác. Vì thế, khi thế giới có biến động, người ta lại giữ vàng.

Giá vàng đã đạt mức kỷ lục 1944 USD một ounce hồi đầu tuần này. Ảnh: The Guardian
Giá vàng đã đạt mức kỷ lục 1944 USD một ounce hồi đầu tuần này. Ảnh: The Guardian

Carlo Alberto De Casa - nhà phân tích tại sàn giao dịch trực tuyến Activ Trades cho hay, vàng được xem là bảo hiểm chắc chắn nhất từ sự hỗn loạn trên thị trường tiền tệ. Trong khi các loại tiền tệ đều có thể in được, thì tính chất hữu hạn của vàng khiến chúng trở thành kho lưu trữ giá trị tốt nhất vào những thời điểm đầy nhạy cảm và không chắc chắn này.

Theo tờ CNN, giá vàng giao tháng 8 trong phiên giao dịch đầu tuần này đã vượt mốc giá kỷ lục, ở mức hơn 1.944/ounce, đánh bại kỷ lục trước đó là 1.921 USD/ounce được thiết lập vào năm 2011. CNN cho biết, tính cả năm nay, vàng đã tăng 27% giá trị. Còn trong tuần vừa qua, theo Market watch, vàng cũng đã tăng 4,8% giá trị. Đây là mức giá tăng cao nhất trong tuần, kể từ giữa tháng 4. Lo ngại nhiều bang sẽ phải đóng cửa trở lại, đồng đô la mất giá, lãi suất giảm sâu, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là một loạt các lý do khiến vàng tăng giá.

Các chuyên gia nhận định, lãi suất thấp khiến cho tiền gửi không sinh được nhiều lời, nên không ít người đã rút tiền ra mua vàng. Có nhiều người mua vàng cũng vì sợ, sợ người ta mua mà mình không mua. Đây là giai đoạn đặc biệt, khi mà các yếu tố đều đang đẩy người ta đi mua vàng. Và người đi mua đông đến nỗi, quên cả yếu tố rủi ro rằng vàng đã lập đỉnh thì cũng sẽ xuống dốc.

Vàng được xem là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh nền kinh tế đầy biến động. Ảnh: Financial times
Vàng được xem là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh nền kinh tế đầy biến động. Ảnh: Financial Times

Một lý do nữa khiến giá vàng tăng cao chính là nhiều quốc gia cũng đang tăng lượng dự trữ vàng trong giai đoạn khủng hoảng này. Dịch Covid-19 đang khiến cho khả năng khai thác vàng giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Việc giao vàng cũng có lúc bị gián đoạn. Vì thế, khi vàng đã cập bến giao dịch như New York thì các nước đều tăng thu gom mua. Gom vàng trên thị trường hàng hóa đối với các nước trong lúc này, được ví như người dân gom đồ ăn ở siêu thị trong thời kỳ đỉnh dịch.

Giá vàng dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa do căng thẳng địa chính trị. Các yếu tố chính đẩy giá vàng lên cao chính là mối tương quan đối nghịch giữa lãi sất thực và đồng đô la. Yếu tố này kết hợp với nguồn cung hạn chế khi các công ty tiếp tục chạy đua thu gom, sẽ đẩy giá vàng tăng cao hơn.

Mark Haefele - Giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management

Các nhà phân tích dự đoán rằng, giá vàng sẽ đạt 2.000 USD/ounce, vì đồng đô la dự kiến sẽ chịu nhiều áp lực bởi Cục dự trữ Liên bang Mỹ. Cơ quan này có thể quyết định giữ nguyên lãi suất thấp lâu hơn ở mức gần 0% cho tới khi tin tưởng nền kinh tế sẽ vượt qua được những khó khăn hiện tại và hướng tới các mục tiêu ổn định giá cả, và tạo ra việc làm.

Bên trong kho vàng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.
Bên trong kho vàng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.

CUỘC CHIẾN VACCINE

Vaccine Covid-19 đang trở thành cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nước trên thế giới. Đó là điều mà các tổ chức y tế trên toàn cầu lo sợ khi lập kế hoạch thu mua số lượng lớn và phân phối vaccine một cách công bằng trên toàn thế giới.

Điều đáng nói, hiện nay một số quốc gia giàu có đã quyết định “đi một mình”, thực hiện các thỏa thuận với các nhà sản xuất dược phẩm lớn để đảm bảo mang về hàng triệu liều vaccine cho công dân của mình.

Các quốc gia như Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các thỏa thuận với các hãng dược phẩm lớn như Pfizer, BioNtech, AstraZeneca và Moderna. Theo các chuyên gia, động thái này đang phá hủy xu hướng toàn cầu. Pfizer trong tuần này cho biết, công ty này đang đàm phán với EU và một số nước thành viên về việc cung cấp vaccine Covid-19 tiềm năng. Ngoài ra hôm 29/7, Anh đã công bố thỏa thuận với GlaxoSmithKline và Sanofi về việc đảm bảo nguồn cung cấp vaccine Covid-19 tiềm năng.

Theo Tổ chức từ thiện y tế toàn cầu Medecins Sans Frontieres (MSF), tất cả những hành động này sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc cạnh tranh toàn cầu để tích trữ vaccine của các quốc gia giàu có, và nuôi dưỡng xu hướng nguy hiểm - chủ nghĩa dân tộc vaccine.

Nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống Covid-19 tại trường Đại học Y Duke-NUS, Singapore. Ảnh: Reuters
Nghiên cứu phát triển vaccine phòng, chống Covid-19 tại Trường Đại học Y Duke-NUS, Singapore. Ảnh: Reuters

Khác với việc phân bổ vaccine trong đại dịch do virus cúm H1N1 hồi năm 2009/2010, các chuyên gia y tế cho biết, Covid-19 là mối đe dọa lớn hơn nhiều. Do đó, việc mất cân bằng trong phân phối vaccine sẽ khiến một số lượng lớn dân số trên thế giới rơi vào tình cảnh nguy hiểm. Điều này sẽ chỉ khiến đại dịch ngày càng lan rộng và thiệt hại mà nó gây ra cũng ngày càng khủng khiếp hơn.

Hơn 75 quốc gia giàu có, bao gồm cả Anh đã bày tỏ sự quan tâm đến chương trình tài trợ COVAX do Tổ chức Y tế thế giới WHO và Liên minh Các sáng kiến chuẩn bị dịch tễ học (CEPI) cùng thực hiện. Tuy nhiên theo Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), các quốc gia như Mỹ, Nga, và Trung Quốc lại chưa bày tỏ quan tâm tới chương trình này. Còn Ủy ban châu Âu thậm chí đã khuyến cáo các nước thành viên không qua vaccine thông qua COVAX.

Các chuyên gia ước tính thế giới sẽ có khoảng 2 tỷ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm 2021, nếu một số ứng viên hàng đầu chứng minh hiệu quả trong các thử nghiệm giai đoạn cuối hiện đang diễn ra. Mục tiêu của COVAX là phân phối vaccine cho ít nhất 20% dân số của các quốc gia đăng ký tham gia.

Các chuyên gia ước tính thế giới sẽ có khoảng 2 tỷ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm 2021. Ảnh: Reuters
Các chuyên gia ước tính thế giới sẽ có khoảng 2 tỷ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm 2021. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Seth Berkley - Giám đốc điều hành của GAVI cho biết, nếu các quốc gia hoặc khu vực tư lợi, tìm cách thu mua vaccine để đảm bảo cho toàn bộ dân số của mình, thay vì chia sẻ giữa các quốc gia và ưu tiên bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất, thì đại dịch sẽ không thể kiểm soát được. Nếu một số nước, thậm chí 30 - 40 nước có vaccine Covid-19, nhưng hơn 150 nước và vùng lãnh thổ còn lại trên thế giới không có, thì đại dịch sẽ vẫn hoành hành.

Virus này lan nhanh như tia sét. Và đại dịch chỉ kết thúc khi chấm dứt sự lây lan trên toàn cầu.

Seth Berkley - Giám đốc điều hành của GAVI

Mới nhất

x
Thế giới tuần qua: Giá vàng tăng kỷ lục; Cấp bách cuộc đua sản xuất vaccine phòng Covid
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO