Thế giới tuần qua: Giữ vững lập trường khôn ngoan

Mỹ Nga 07/02/2021 07:51

(Baonghean.vn) - Mặc biểu tình quy mô lớn và phản đối từ phương Tây, tòa án tại Nga đã xét xử ông Alexei Navalny, nhân vật chỉ trích Điện Kremlin. Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc điện đàm đầu tiên, nhất trí hợp tác vì mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa và mang lại hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên. Đây là những vấn đề quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Quan điểm cứng rắn của Điện Kremlin

Vụ bắt giữ chính trị gia đối lập Alexei Navalny từ lâu đã trở thành mâu thuẫn gay gắt giữa Nga và phương Tây. Nay lại càng đẩy lên đỉnh điểm, khi một tòa án ở Moskva đồng ý xét xử ông Navalny. Thẩm phán đã đưa ra án phạt giam giữ 2 năm 8 tháng thay cho bản án 3 năm 6 tháng tù treo được áp dụng đối với ông Navalny vào năm 2014 do biển thủ công quỹ.

Ông Navalny được áp tải đến phiên tòa. Ảnh: DW
Ông Navalny được áp tải đến phiên tòa. Ảnh: DW

Phản ứng với bản án trên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, Mỹ vô cùng quan ngại trước quyết định của chính quyền Nga khi đưa ra mức án như vậy đối với nhà đối lập Navalny. Ông Blinken còn cho biết, ngay cả khi hợp tác với Nga để thúc đẩy các lợi ích của mình, Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác nhằm buộc Nga phải chịu trách nhiệm vì đã không duy trì các quyền công dân. Không chỉ vậy, một nhóm thượng nghị sĩ của cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ còn đề xuất dự thảo trình Quốc hội Mỹ về các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các quan chức Nga sau vụ việc này.

Các quốc gia phương Tây như Liên minh châu Âu EU, Anh, Pháp, Đức đồng loạt chỉ trích và lên tiếng đòi thả ông Navalny. Trong phiên tòa xét xử Navalny, đã có khoảng 20 nhân viên các đại sứ quán quyết định tham dự phiên tòa gồm Mỹ, Áo, Latvia, Ba Lan, Thụy Sỹ, Bulgaria... Hàng chục nhà báo cũng tác nghiệp trong và ngoài tòa nhà.

Đối với Nga, việc xét xử nhà chính trị gia đối lập Navalny là công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Cho nên, những đòi hỏi từ phương Tây là một yêu cầu “không thực tế” và phi lý. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova đánh giá, Mỹ luôn viện ra nhiều lý do để áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Do đó, Moskva sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc đáp trả lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh nhằm vào nước này.

Dòng người biểu tình cầm biểu ngữ yêu cầu thả tự do cho Navalny tại Berlin, Đức. Ảnh: Getty
Dòng người biểu tình cầm biểu ngữ yêu cầu thả tự do cho Navalny tại Berlin, Đức. Ảnh: Getty

Việc tuyên án đối với Navalny còn cho thấy sự cứng rắn của các nhà lãnh đạo Nga. Bỏ bản án được ân xá của chính quyền, Navalny mới đây còn công bố cuộc điều tra chi tiết về một cung điện ở Biển Đen trị giá 1 tỷ USD được cho là xây dựng cho Tổng thống Putin. Quyết định của tòa án lần này khiến Navalny trở thành tù nhân chính trị nổi tiếng nhất ở Nga và có thể là phán quyết quan trọng nhất đối với người đối lập với Putin.

Mặc dù vẫn chưa thấy rõ phạm vi và mức độ phản ứng của phương Tây chống lại Nga, nhưng điều này có thể tác động trực tiếp đến đám đông biểu tình ủng hộ Navalny ở Nga. Sau phán quyết, hàng nghìn người đã tập trung biểu tình tại thủ đô Moskva.

Daragh McDowell, nhà phân tích chính về Nga tại Công ty Phân tích rủi ro Verisk Maplecroft cho rằng, việc tuyên án và bỏ tù Navalny sẽ tạo thành “một đòn giáng mạnh vào phe đối lập vốn đã mất đi một trong những nhà hoạt động hiệu quả nhất của họ”. Và liệu diễn biến các cuộc biểu tình có thay đổi hay không vẫn là một ẩn số. Chắc chắn, phán quyết bỏ tù Navalny có khả năng kích hoạt ít nhất một sự gia tăng ngắn hạn các cuộc biểu tình trên đường phố, đi kèm với đó là những vụ đụng độ và bắt giữ của cảnh sát.

Một số chuyên gia khác lại cảnh báo về sự bế tắc tiềm tàng giữa Điện Kremlin và phe đối lập. Christopher Granville, Giám đốc điều hành EMEA và nghiên cứu chính trị toàn cầu tại TS Lombard nhận định: “Sự hỗn loạn trong nước này có nhiều khả năng kéo dài hơn, kéo theo đó là những căng thẳng xã hội ngày càng nặng nề và phân cực”.

Cảnh sát chống bạo động tại các cuộc biểu tình ủng hộ Alexei Navalny ở trung tâm Moskva. Ảnh: Tass
Cảnh sát chống bạo động tại các cuộc biểu tình ủng hộ Alexei Navalny ở trung tâm Moskva. Ảnh: Tass

Xây dựng chiến lược dựa trên bài học kinh nghiệm

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden đã cam kết hợp tác chặt chẽ để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng là hai nước đồng minh phải giữ vững lập trường về vấn đề này.

Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Moon, người từng đề nghị đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên, đối mặt với thách thức đưa các cuộc đàm phán bị đình trệ giữa Washington và Bình Nhưỡng trở lại đúng hướng.

Đối với Nhà Trắng, việc cam kết củng cố liên minh Mỹ-Hàn chính là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng ở Đông Bắc Á. Tổng thống Moon Jae-in, từng đóng vai trò là động lực thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cựu Tổng thống Donald Trump. Hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump được đánh giá là sụp đổ vào năm 2019, khi Mỹ từ chối lời kêu gọi của Triều Tiên về việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt rộng rãi, để đổi lại hạn chế các bước phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, thống nhất quan điểm về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, thống nhất quan điểm về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP

Tổng thống Moon - người muốn kết nối lại ngoại giao hạt nhân, vào tháng trước từng tuyên bố rằng, người đồng cấp Biden có thể học hỏi từ những thành công và thất bại của ông Trump trong việc đối phó với Triều Tiên, mặc dù ông Biden có khả năng đưa ra cách tiếp cận khác.

Còn tân Tổng thống Mỹ đã gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là “một tên côn đồ”, đồng thời chỉ trích người tiền nhiệm Donald Trump vì đã cố gắng tìm kiếm các cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong-un. Các chuyên gia nhận định rằng, Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ không ngồi lại đàm phán “một đối một” với ông Kim Jong-un, trừ khi Triều Tiên thể hiện sự chân thành trong nỗ lực loại bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Tháng trước, tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định rằng, số phận quan hệ Mỹ-Triều sẽ phụ thuộc vào liệu Washington có từ bỏ chính sách thù địch với Bình Nhưỡng hay không. Song song với đó, ông Kim còn tiết lộ một loạt hệ thống vũ khí hạt nhân công nghệ cao đang được phát triển, trong một nỗ lực, rõ ràng, nhằm gây áp lực lên Mỹ.

Mỹ có khoảng 28.500 binh sĩ đóng tại Hàn Quốc, thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc. Triều Tiên coi những động thái quân sự này, đi kèm với các biện pháp trừng phạt của thế giới do Mỹ dẫn đầu, là bằng chứng nói lên sự thù địch của Mỹ.

Để khôi phục và duy trì động lực đàm phán, Hàn Quốc đã từng đề xuất nới lỏng một phần cấm vận Bình Nhưỡng, bởi hơn tất cả đây là điều khích lệ hấp dẫn nhất với Triều Tiên. Mọi cuộc đối thoại chỉ có tác dụng khi mang đến những gì Triều Tiên muốn và đó là điều bảo đảm đàm phán không sụp đổ. Và tất nhiên, Hàn Quốc và Mỹ biết Triều Tiên muốn gì.

Lãnh đạo hai nước Mỹ-Hàn tái khẳng định quan hệ đồng minh suốt 7 thập kỷ qua là chìa khóa để đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực. Ảnh: AP
Lãnh đạo hai nước Mỹ-Hàn tái khẳng định quan hệ đồng minh suốt 7 thập kỷ qua là chìa khóa để đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực. Ảnh: AP

Tổng thống Moon, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022, coi việc tiếp cận với Triều Tiên là mục tiêu chủ chốt và luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán Mỹ-Triều. Tuy nhiên, vai trò của Hàn Quốc trở nên mơ hồ khi họ không tìm ra được khoảng trống nào trong các lệnh trừng phạt để giúp Triều Tiên. Những đề xuất hỗ trợ kinh tế đều bị Bình Nhưỡng từ chối thẳng thừng.

Joseph Yun, cựu đặc phái viên Mỹ phụ trách Triều Tiên cho hay, đội ngũ của Biden biết rằng không phải điều gì dưới thời Trump cũng là sai lầm. Họ thừa nhận Trump đã góp phần mở cửa, dù chỉ 1 chút, và đạt được một số thành tựu trong những cuộc gặp với Kim. Mặc dù, chính quyền Trump chưa đạt được những gì họ đề ra, và Tổng thống Biden ít có khả năng tái sử dụng bản chiến lược đó. Tuy nhiên, chính quyền Biden nên đưa ra lộ trình ngoại giao mới thực tế hơn, dựa trên những bài học trong nhiệm kỳ của Trump.

Các chuyên gia cho rằng, cần có suy nghĩ sáng tạo và những sáng kiến chung để ngăn tình trạng đối thoại đi vào bế tắc như trước đây.

Mới nhất

x
Thế giới tuần qua: Giữ vững lập trường khôn ngoan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO