Thế giới tuần qua: Khi những toan tính riêng che mờ lợi ích chung

Mỹ Nga 01/03/2020 07:34

(Baonghean) - Thông báo các “ranh giới đỏ”, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ hy vọng có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU), nhưng sẵn sàng dừng các cuộc đối thoại nếu hai bên không đạt được bước tiến. Bất chấp những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và Nhật Bản đang rốt ráo chuẩn bị cho chuyến thăm Tokyo của Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng 4 tới. Đó là những vấn đề quốc tế đáng chú ý trong tuần vừa qua.

Bất đồng xung quanh “ranh giới đỏ”

Các cuộc đàm phán thương mại hiếm khi bắt đầu bằng việc cả hai bên có cùng quan điểm, nhưng căng thẳng giữa EU và Anh đã gia tăng đáng kể trong những tuần qua, với việc Brussels cáo buộc London đang đi ngược lại mục tiêu đàm phán khối đưa ra trước đó. Điều này xuất phát sau khi Anh thông báo các “ranh giới đỏ” với EU hôm 27/2, thậm chí Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẵn sàng dừng các cuộc đối thoại nếu hai bên không đạt được bước tiến vào tháng 6/2020. Đặt ra khả năng về một Brexit hỗn loạn trong thời gian tới.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nêu rõ quan điểm thỏa thuận thương mại với EU. Ảnh: CNN
Thủ tướng Anh Boris Johnson nêu rõ quan điểm thỏa thuận thương mại với EU. Ảnh: CNN

Những điểm chính trong “ranh giới đỏ" của Anh đưa ra bao gồm việc không đàm phán bất cứ dàn xếp nào được cho là sẽ lấy mất đi “quyền kiểm soát pháp luật và đời sống chính trị" của nước Anh. Theo đó, Anh muốn tìm kiếm quan hệ thương mại với EU, tương tự như thỏa thuận thương mại mà khối này đã có với Canada, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Các thỏa thuận này loại bỏ hầu hết các mức thuế và các quốc gia không bắt buộc phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc của EU.

Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier nói rõ rằng, Thủ tướng Johnson sẽ không đạt được thỏa thuận thương mại tương tự như thỏa thuận giữa EU và Canada, bởi Anh “nằm trước cửa EU" và hai bên có mối quan hệ thương mại lớn hơn nhiều. “Mối quan hệ của chúng tôi với Anh và Canada có sự khác biệt lớn. Chuyến bay giữa Brussels - London chỉ mất 70 phút, trong khi đó phải mất 10 giờ để đến Ottawa”. Quan điểm này của EU ngay lập tức vấp phải sự phản kháng của giới chức Anh. Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove cho rằng, sự gần gũi về mặt địa lý không phải là yếu tố quyết định trong bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào giữa các quốc gia láng giềng với các nền kinh tế lớn.

Sản xuất ô tô tại Sunderland, Anh. Ảnh: CNN
Sản xuất ô tô tại Sunderland, Anh. Ảnh: CNN

Theo thỏa thuận trước đó, cả hai bên đồng ý rằng mối quan hệ tương lai phải đảm bảo “tính cạnh tranh công bằng và hợp lý, bao gồm các cam kết mạnh mẽ để đảm bảo một sân chơi bình đẳng”, bằng cách duy trì các tiêu chuẩn hiện có trong các lĩnh vực, cũng như hỗ trợ của chính phủ cho các công ty, và chống biến đổi khí hậu. Chính phủ Anh cam kết theo đuổi một hiệp định thương mại tự do cơ bản sẽ duy trì mức thuế và hạn ngạch bằng 0 đối với hàng hóa. Thế nhưng các điều khoản mà Anh đưa ra lại gây ra mâu thuẫn mới. Đây là kết quả mà giới doanh nghiệp lo ngại từ lâu. Việc không đạt được thỏa thuận có thể khiến các công ty của Anh phải chịu mức thuế mới, đe dọa chuỗi cung ứng của họ, khiến sản phẩm và dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn.

Ngay cả khi Brussels và London có thể đạt được tiến bộ sớm, một số vấn đề gây tranh cãi khác như quyền đánh bắt cá cũng có nguy cơ khiến các cuộc đàm phán thương mại thất bại. EU muốn duy trì quyền đánh cá của mình trong vùng biển của Anh, trong khi Anh muốn giám sát hoàn toàn toàn bộ ngư trường của mình như một quốc gia ven biển độc lập.

Giới quan sát nhận định, những quan điểm đối nghịch nhau của hai phía cho thấy giai đoạn đàm phán phía trước có thể gặp nhiều trắc trở như quá trình đàm phán thỏa thuận Brexit kéo dài 3 năm qua.

Anh và EU tiếp tục rơi vào căng thẳng khi đưa ra các quan điểm trong thỏa thuận thương mại. Ảnh: Financial Times
Anh và EU tiếp tục rơi vào căng thẳng khi đưa ra các quan điểm trong thỏa thuận thương mại. Ảnh: Financial Times

Hâm nóng quan hệ chính trị

Bất chấp những suy đoán về chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản có thể bị hoãn lại do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo cấp cao của hai bên đều tự tin chuyến thăm vào mùa Xuân 2020 vẫn được thực hiện. Chuyến thăm được đánh giá là “cực kỳ quan trọng” đối với việc thúc đẩy mối quan hệ song phương.

Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì - quan chức cấp cao phụ trách đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức các cuộc họp với Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, cố vấn an ninh quốc gia Shigeru Kitamura, thậm chí có cuộc hội đàm riêng rẽ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nếu được thực hiện vào tháng 4 tới, ông Tập Cận Bình sẽ là Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản kể từ năm 2008, sau chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào. Chuyến thăm bao gồm cuộc gặp với Hoàng đế Naruhito, và bữa tiệc tại Cung điện Hoàng gia, được xem là biểu tượng cho việc cải thiện quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc trong thời gian vừa qua, xóa đi những vết hằn thù hận trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, dẫn tới trạng thái “lạnh” về chính trị.

Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì có cuộc hội đàm riêng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Kyodo
Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì có cuộc hội đàm riêng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Kyodo

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định rằng, thực tế không những việc ấn định thời gian còn chưa chắc chắn, mà việc tổ chức các cuộc đàm phán vẫn còn nhiều điểm tranh cãi. Nhiều tranh cãi cho rằng, những chính sách của ông Tập không có cùng hướng đi và lợi ích với Nhật Bản. Một mặt, chính quyền Tokyo vẫn cam kết và bộc lộ mong muốn đẩy nhanh chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, diễn ra như dự kiến ban đầu. Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh những lo ngại mạnh mẽ của Nhật Bản về vùng lãnh thổ tranh chấp. Chính phủ của ông Abe đang thổi cả luồng gió “nóng” và “lạnh”, cho thấy sự kiềm chế trước những hành vi của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối thoại giữa hai bên, giải quyết những vấn đề chung. Tờ Nikkei gọi thái độ lạc quan này của chính phủ Nhật Bản là “trò chơi trí tuệ” của Tokyo.

Chủ đề cốt lõi của cuộc gặp gỡ vẫn sẽ là những tài liệu xung quanh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông. Hai bên cố gắng giải quyết hoặc ít nhất là vô hiệu hóa những vấn đề gây tranh cãi, đặt nền móng cho thập kỷ tiếp theo của mối quan hệ Trung - Nhật. Tuy nhiên, Tokyo và Bắc Kinh vẫn chưa thống nhất về nội dung để đưa ra tuyên bố chung. Do đó, đối với Nhật Bản, câu hỏi lớn đặt ra, liệu chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình có thật sự đạt được bước tiến cho vấn đề Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hay không. Thêm vào đó, Tokyo muốn chắc chắn rằng, nội dung thỏa thuận sắp tới sẽ có nhiều bước tiến bộ hơn những văn bản đã ký một thập kỷ trước.

Vào thời điểm đó, hai bên đã nhất trí xây dựng mối quan hệ chiến lược cùng có lợi, nhấn mạnh sự bình đẳng của hai bên và thừa nhận quyền lực của nhau. Song hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đã trỗi dậy, khiến Nhật Bản “lu mờ”, và Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập vững chắc vị thế trung tâm của châu Á. Do đó, đối với Nhật Bản, chìa khóa lớn nhất là đạt được thỏa thuận, khẳng định vị thế bình đẳng của hai nước, ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy.

Uotsuri, Minamikojima (giữa) và Kitakojima, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters

Về phía Trung Quốc lại cho thấy thiếu sự sẵn sàng thỏa hiệp. Ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là vận dụng chuyến thăm Nhật Bản để nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bắc Kinh dường như muốn Tokyo chấp nhận mối quan hệ đối tác đã được xây dựng truyền thống trong hai thập kỷ qua, đồng thời xây dựng một số lợi ích điển hình.

Bất chấp những quan điểm tranh cãi khác nhau, rất có khả năng hai nước cuối cùng sẽ đồng ý ký kết thỏa thuận và công bố trong chuyến thăm sắp tới của ông Tập Cận Bình. Cuối cùng, cả hai bên đều muốn chứng minh rằng cuộc đối thoại ngoại giao sâu sắc của họ tạo ra kết quả cụ thể và nâng tầm hợp tác trong các vấn đề chung.

Mới nhất

x
Thế giới tuần qua: Khi những toan tính riêng che mờ lợi ích chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO