Thế giới tuần qua: Khủng hoảng niềm tin vào vaccine
(Baonghean.vn) - Số người chết sau khi tiêm phòng cúm mùa ở Hàn Quốc đã lên tới 13 người, và giới chức y tế đang cố gắng trấn an người dân. Còn Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro khẳng định, chính phủ của ông sẽ không mua loại vaccine chống Covid-19 do Trung Quốc phát triển... Tất cả đang khiến niềm tin vào vaccine bị lung lay, thậm chí có nguy cơ nhuộm màu chính trị.
Một lần nữa lòng tin bị lung lay
Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc kêu gọi ngừng chương trình tiêm vaccine miễn phí cho tới khi an toàn được đảm bảo. Các quan chức y tế Hàn Quốc cho biết không có mối liên hệ nào giữa các ca tử vong và vaccine cúm mùa. Nhưng những ca tử vong, hai vụ thu hồi vaccine gần đây, đã làm dấy lên lo ngại, lung lay lòng tin của công chúng về sự an toàn, vào thời điểm quan trọng cho các nỗ lực tiêm chủng.
Cho tới nay, khoảng 13 triệu người ở Hàn Quốc đã được tiêm vaccine phòng cúm mùa. Hàn Quốc bắt đầu chương trình tiêm vaccine miễn phí cho 19 triệu người đủ điều kiện vào tháng trước, với mục đích ngăn chặn dịch cúm bùng phát giữa lúc đang đối phó với đại dịch Covid-19.
Người dân được tiêm phòng cúm mùa ở Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: Reuters |
Các trường hợp tử vong đang được điều tra, nhưng giới chức đã nhanh chóng loại trừ nguyên nhân chính là do vaccine. Thay vào đó họ cho rằng tất cả đều xuất phát từ các nhà sản xuất thuốc địa phương chứ không phải từ các lô hàng xuất khẩu.
“Chúng tôi không tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa những trường hợp tử vong và vaccine, hoặc mối liên lệ giữa những ca tử vong và tác dụng phụ sau khi tiêm phòng cúm”.
Ca tử vong đầu tiên được giới chức chú ý đến là một thiếu niên 17 tuổi, tử vong sau khi tiêm phòng cúm được 2 ngày.
Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đã xem các chương trình tiêm phòng cúm hàng năm là rất quan trọng trong nỗ lực đối phó với đại dịch, đặc biệt là trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và nhân viên y tế. Các quan chức còn tiết lộ kế hoạch mua thêm 20% vaccine cúm cho mùa đông năm nay, so với năm ngoái, để tiêm chủng cho một nửa dân số cả nước.
Nhưng chiến dịch này đã khiến dư luận dậy sóng vào tháng trước, sau khi 5 triệu liều bị phát hiện ở nhiệt độ phòng khi vận chuyển, trong khi chúng lẽ ra phải được giữ lạnh. Một cuộc thu hồi đã được thực hiện và các quan chức cho biết, khoảng 2.300 người đã tiêm chủng từ lô thuốc bị lỗi, chủ yếu dành cho trẻ nhỏ và thanh, thiếu niên.
Tuy nhiên, giới chức cũng cho rằng, nếu chỉ riêng nhiệt độ thì không gây nguy hiểm cho vaccine. Theo CDC Hàn Quốc, việc thiếu kiểm soát nhiệt độ có thể khiến vaccine mất tác dụng, chứ không gây độc hại.
Các quan chức Hàn Quốc lo ngại rằng, tính an toàn của vaccine cúm có thể làm suy yếu nỗ lực trong phòng, chống đại dịch và phát triển vaccine chống Covid- 19. Ảnh: AFP |
Sự lo lắng về việc tiêm phòng cúm có thể làm suy giảm lòng tin của công chúng vào một loạt ứng viên vaccine chống Covid-19. Nhiều nhà khoa học đã bày tỏ quan ngại về tốc độ phát triển vaccine Covid-19. Nâng cao nhận thức của công chúng là một việc khác, đặc biệt nếu có lo ngại về việc vaccine bị quản lý sai trong quá trình vận chuyển và bảo quản.
“Không phải là chuột bạch”
Không chỉ ở Hàn Quốc, những lo ngại về vaccine còn xảy ra ở quốc gia Nam Mỹ. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro từ chối mua 46 triệu liều vaccine tiềm năng chống Covid-19 do một công ty Trung Quốc phát triển, bởi không thể sử dụng một loại vaccine mà hiệu quả và tính an toàn của nó chưa được Bộ Y tế nước này kiểm chứng, cũng như chưa được Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia cấp phép.
Ông Bolsonaro viết trên Facebook: “Người dân Brazil sẽ không trở thành “chuột bạch” của bất cứ bên nào. Đó là lý do vì sao tôi quyết định sẽ không mua vaccine đó”.
Tổng thống Brazil Bolsonaro tuyên bố từ chối mua vaccine chống Covid -19 của Trung Quốc. Ảnh: AP |
Động thái của Tổng thống Bolsonaro diễn ra sau khi ông hứng chịu áp lực từ những người ủng hộ trung thành kêu gọi cấm vaccine CoronaVac do Công ty dược Sinovac của Trung Quốc phát triển. Trên thực tế, CoronaVac đang bị vướng vào cuộc đối đầu chính trị ở Brazil, khiến nhiều người lo ngại rằng, màu sắc chính trị đang xâm lấn vào những quyết định liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
Thống đốc bang Sao Paulo, bang đông dân nhất của Brazil - João Doria, một đối thủ chính trị của Bolsonaro đang tham gia phát triển vaccine tại Viện Butantan, thông qua việc hợp tác với Sinovac để thử nghiệm và sản xuất vaccine Covid-19. Trong khi đó, chính phủ của Tổng thống Bolsonaro lại có xu hướng thúc đẩy mua 1 loại vaccine Covid-19 khác đang được Đại học Oxford ở Anh phát triển, thay vì CoronaVac.
Sau khi đăng bài trên mạng xã hội, ông Bolsonaro đã cáo buộc đối thủ, rằng Doria đang sử dụng lá bài cuối cùng để tìm kiếm sự nổi tiếng, khôi phục lại tất cả những gì đã mất trong đại dịch.
Claudio Couto - Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Getulio Vargas nhận định, động thái của nhà lãnh đạo Brazil không liên quan nhiều đến việc ngăn chặn đại dịch. Thay vào đó lại là một phương tiện để cạnh tranh với Doria - người được xem là đối thủ nhiều thách thức, có nhiều lợi thế trong cuộc đua tái đắc cử năm 2022.
Quy trình kiểm tra đóng gói vaccine chống Covid-19 của nhà sản xuất Sinovac, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Bolsonaro và Doria có mối quan hệ thù địch, kể từ khi đại dịch hoành hành. Mỗi người đều có quan điểm trái ngược nhau về những khuyến cáo và biện pháp hạn chế. Thống đốc ban đông dân nhất của Brazil chú trọng đến lời khuyên của các chuyên gia y tế cộng đồng và áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch, trong khi Tổng thống cho rằng, suy thoái kinh tế mới giết chết nhiều người hơn dịch bệnh.
Về phía mình, ông Doria cho rằng, đây là thời điểm không dành cho trò chơi chính trị. “Đó không phải là hệ tư tưởng, không phải là chính trị, không phải là quá trình bầu cử. Đó là vaccine” - Doria bày tỏ. Thống đốc bang Sao Paulo, nhiều đối thủ chính trị khác của ông Bolsonaro, cùng các chính trị gia đã lên tiếng phản đối động thái của tổng thống. Họ cho rằng, sức khỏe người dân là tài sản lớn hơn những tranh chấp về chính trị.
Brazil đã xác nhận hơn 153.000 trường hợp tử vong do Covid-19, cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đã báo cáo 5,2 triệu ca nhiễm bệnh, đứng thứ 3 trên thế giới.