Thế giới tuần qua: 'Lửa thử vàng, gian nan thử sức'

Mỹ Nga 03/05/2020 07:01

(Baonghean) - Được xem là ngoại lệ, “một mình một kiểu” tại châu Âu, Thụy Điển vẫn kiên định với chính sách “miễn dịch cộng đồng” được cho là hiệu quả trong cuộc chiến chống Covid-19, song những số liệu lại phản ánh một bức tranh hoàn toàn khác. Còn ở Nga, các biện pháp chống dịch trong nước đang tụt hậu so với các nước châu Âu khác, khiến một bộ phận công chúng bất bình. Những di sản dày công vun đắp và uy tín của Tổng thống Putin cũng được “thử lửa”.

Lập trường kiên định

So với các quốc gia khu vực Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy - sớm đóng cửa biên giới và thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội, thì ở Thụy Điển, cuộc chiến chống đại dịch lại có sự tương phản rất lớn. Không phong tỏa hay đưa ra các lệnh hạn chế nghiêm ngặt như các quốc gia láng giềng, hình ảnh của Thụy Điển hiện lên với những con phố tấp nập, các quán cà phê đông khách ngồi tán chuyện. Trẻ em tiếp tục tới trường, hoạt động kinh doanh vẫn mở.

Người dân tận hưởng tiết trời mùa xuân ấm áp bên dòng sông Hornstull ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: CNN
Người dân tận hưởng tiết trời mùa xuân ấm áp bên dòng sông Hornstull ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: CNN

Chính quyền Stockholm đặt niềm tin vào cách tiếp cận “mềm mỏng” cũng như ý thức tuân thủ của người dân. Thụy Điển tin rằng chiến lược “miễn dịch cộng đồng” của mình đang đạt hiệu quả, và người dân sớm vượt qua Covid-19 mà không phải chịu lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Song những con số báo cáo lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.

Chiến lược “miễn dịch cộng đồng” bị nhiều học giả và bác sĩ y khoa chỉ trích gay gắt. So với các quốc gia trong châu lục như Tây Ban Nha, Italy, tỷ lệ người chết do Covid-19 của Thụy Điển thấp hơn, song so với các nước láng giềng Bắc Âu thì lại cao hơn nhiều. Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, tỷ lệ tử vong ở Thụy Điển đã tăng cao đáng kể, chạm ngưỡng 22 trên 100.000 người dân, trong khi đó, con số này của Đan Mạch chỉ là 7, Na Uy và Phần Lan là 4. Với dân số 10,3 triệu người, hiện tại số ca nhiễm tại Thụy Điển (tính đến 2/5) ở mức 21.520 và ghi nhận trên 2.653ca tử vong.

Jan Albert, Giáo sư Khoa Vi sinh và Sinh học tế bào tại Viện Karolinska cho rằng: “Rõ ràng Thụy Điển đã ghi nhận số ca tử vong nhiều hơn các nước châu Âu khác. Đó có lẽ một phần do chúng tôi không áp dụng lệnh phong tỏa”. Nhưng ông tin rằng, phần lớn các nhà khoa học ở Thụy Điển “tương đối im lặng” về kế hoạch “miễn dịch cộng đồng” của chính phủ bởi họ tin rằng nó có thể mang lại hiệu quả.

“Sự thật, không ai, kể cả ở Thụy Điển, biết rõ chiến lược nào là tốt nhất. Thời gian sẽ trả lời điều đó”, ông Jan Albert nhận định và bày tỏ tin tưởng rằng những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn chỉ giúp làm “phẳng đường cong” của dịch, nhưng điều đó không có nghĩa là dịch sẽ biến mất.

Các quán cà phê, bar vẫn đông người dân tụ tập, ăn uống tại Thụy Điển. Ảnh: CNN
Các quán cà phê, bar vẫn đông người dân tụ tập, ăn uống tại Thụy Điển. Ảnh: CNN

Nhà dịch tễ học nổi tiếng Anders Tegnell - “nhạc trưởng” của chiến dịch chống Covid-19 của Thụy Điển đánh giá, Thụy Điển sẽ ứng phó tốt hơn với đợt bùng phát Covid-19 thứ hai bởi nhiều người ở dây đã bị nhiễm Covid-19. Ông khẳng định cách tiếp cận “mềm mỏng” đã có hiệu quả ở một số khía cạnh. Ngoại trưởng Thụy Điển nhấn mạnh các quốc gia khác nhau có phương pháp khác nhau, và cách nước này đang thực hiện “chỉ đơn giản cố gắng làm mọi điều mà mình tin là đúng”.

Những di sản bị “đe dọa”

Thủ đô Moskva của Nga đã bị Covid-19 tấn công mạnh mẽ. Theo số liệu mới nhất, hiện ở Nga đã có hơn 114.493 người nhiễm, trong đó hơn 1.169 người chết và hơn một nửa trong số này là ở Moskva. Đáng chú ý, Thủ tướng Mikhail Mishustin là quan chức cao cấp đầu tiên của Nga bị dương tính với virus. Trước tình thế đó, Tổng thống Putin đã chỉ định người thay thế, và ra lệnh kéo dài thời gian cách biệt cộng đồng đến hết ngày 11/5 do nước này chưa qua đỉnh dịch. Như vậy, số ca nhiễm ở Nga đã chính thức vượt Trung Quốc - tâm dịch Covid-19 của thế giới trong giai đoạn đầu, xếp thứ 9 trên thế giới về số ca nhiễm.

Tổng thống Putin, cũng giống như các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khôn lường, và vị thế có thể bị “lung lay” trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và suy giảm nền kinh tế. Điều đáng nói, nếu Covid-19 không xuất hiện, người dân Nga đã có thể tham gia cuộc trưng cầu dân ý ngày 22/4 về sửa đổi Hiến pháp tạo điều kiện cho Tổng thống Putin tiếp tục lãnh đạo.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho rằng: “Ưu thế cạnh tranh của chúng tôi không phải là dầu mỏ hay khí đốt. Đó là Vladimir Putin”. Các nhà quan sát đánh giá, đại dịch gây khủng hoảng hiện hữu cho nhà lãnh đạo Nga trong lúc ông cần công chúng hỗ trợ để củng cố quyền lực trong tương lai.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thông báo ông bị nhiễm Covid-19 và đề nghị Tổng thống Putin tìm người tạm thời thay thế. Ảnh: Ria Novosti
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thông báo ông bị nhiễm Covid-19 và đề nghị Tổng thống Putin tìm người tạm thời thay thế. Ảnh: Ria Novosti

Ban đầu Nga đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó như đóng cửa biên giới, khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành tại láng giềng Trung Quốc. Song các biện pháp chống dịch trong nước của Nga được đánh giá là tụt hậu so với các nước châu Âu khác. Điều này khiến một bộ phận công chúng bất bình, và những di sản dày công vun đắp của ông Putin cũng bị “đe dọa”.

Khi Covid-19 bắt đầu lan rộng khắp đất nước, Tổng thống Putin đã vận dụng nó để cải thiện vị thế của mình bằng cách ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh mọi thứ đang được kiểm soát, hay như Nga chuẩn bị ứng phó với cuộc khủng hoảng tốt hơn so với châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, khi dịch bệnh đang có dấu hiệu mất kiểm soát, ông Putin xuất hiện trước công chúng và mô tả mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, trong vài tuần tới sẽ rất quan trọng để xác định, liệu Nga có thể làm phẳng đường cong hiệu quả và giảm tốc độ lây lan của virus hay không. Nếu cần thiết, quân đội Nga “sẵn sàng vào cuộc triển khai”. Tổng thống đẩy mạnh các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn, ra lệnh cho toàn quốc nghỉ làm và có lương. Tuy nhiên, các biện pháp này bắt đầu gây tác dụng ngược.

Một “cú đánh” khác không kém phần quan trọng mà Covid-19 dành Tổng thống Putin khi ông phải hoãn cuộc duyệt binh truyền thống Ngày Chiến thắng 9/5, kỷ niệm 75 năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến II. Đối với Điện Kremlin, kỷ niệm chiến thắng là một trong những sự kiện quan trọng, giúp nâng cao mức tín nhiệm trong nước của Tổng thống Putin.

Cảnh sát Nga tuần tiễu Quảng trường Đỏ vắng bóng người ở Moscow ngày 13/4/2020 giữa một cuộc phong tỏa để chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ảnh: AFP
Cảnh sát Nga tuần tiễu Quảng trường Đỏ vắng bóng người ở Moskva ngày 13/4/2020 giữa một cuộc phong tỏa để chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Ảnh: AFP

Tổng thống Putin đã lên kế hoạch cả năm với hy vọng củng cố quyền lực, kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga, và mở ra giai đoạn tiếp theo trong sự nghiệp của mình, nhưng hiện tại thay vào đó, ông đang bị cuốn vào một cuộc đấu tranh với kẻ thù vô hình, và khó khống chế.

Các quan chức Nga đã dự đoán rằng, số ca nhiễm của nước này có thể ổn định trong tháng 5 bởi hầu hết các khu vực đang được kiểm dịch tốt. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên khắp thế giới, Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo thế giới khác đang phải vận dụng các chiến lược mới để đối phó và duy trì quyền lực của họ.

Mới nhất
x
Thế giới tuần qua: 'Lửa thử vàng, gian nan thử sức'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO