Thế giới tuần qua: Nhượng bộ để tránh bất đồng

Mỹ Nga 26/07/2020 07:58

(Baonghean.vn) - Vượt qua mọi sự khác biệt và bất đồng, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt đồng thuận gói ngân sách lớn kỷ lục nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế từ đại dịch và kinh phí hoạt động trong 7 năm tới. Quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng mới và đáp trả lẫn nhau, sau khi phía Mỹ quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Đây là những vấn đề quốc tế được chú ý trong tuần qua.

Gạt bỏ những xung đột “xuyên đêm”

Lần đầu tiên trong 20 năm, một hội nghị thượng đỉnh của EU kéo dài trong nhiều ngày và căng thẳng tột độ. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên cũng đã vượt qua những khác biệt và mâu thuẫn để cùng đồng thuận về gói phục hồi 750 tỷ USD nhằm trao các khoản vay và hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch.

Nhưng khác với ban đầu, mức hỗ trợ đã được giảm từ 500 tỷ euro xuống còn 390 tỷ trong tổng số 750 tỷ euro, dưới dạng các khoản tài trợ miễn phí; và 360 tỷ euro dưới dạng các khoản vay ưu đãi. Italia - quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất từ Covid-19, sẽ nhận gần 209 tỷ euro.

Từ trái qua: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại một phiên làm việc ở Hội nghị Thượng đỉnh EU. Ảnh: Hội đồng châu Âu
Từ trái qua: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại một phiên làm việc ở Hội nghị Thượng đỉnh EU. Ảnh: Hội đồng châu Âu.

Hội nghị thượng đỉnh lần này càng trở nên đặc biệt bởi những xung đột “xuyên đêm” sâu sắc xuất phát từ các lợi ích kinh tế khác nhau và cách thức phân bổ các khoản ngân sách. Một số quốc gia Bắc Âu - nhóm “Frugals” bao gồm các quốc gia giàu có Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan đã cáo buộc Nam Âu không thực hiện cải cách cần thiết để phát triển nền kinh tế, tránh rơi vào cuộc khủng hoảng. Do đó, “Frugals” phản đối kịch liệt cơ chế phân bổ “cho không", và đề nghị cần giảm bớt phần trợ cấp, tăng thêm phần vay trả nợ. Trong khi đó, Italia và Tây Ban Nha - những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, đã cáo buộc những nước phía Bắc gây khó dễ cho dự án EU, làm rạn nứt mối đoàn kết của khối.

Để phá vỡ thế bế tắc và tránh sự đổ vỡ của cuộc đàm phán, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là “con đường hướng tới một thỏa thuận". Theo đó, khoản hỗ trợ 390 tỷ euro được đề xuất đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm “Frugals".

Cuối cùng, cái gật đầu đầy mong đợi của 27 nước thành viên đã xuất hiện trong sự thở phào nhẹ nhõm. Nhiều ý kiến cho rằng, gói ngân sách dài hạn hơn 1.000 tỷ euro cho 7 năm tới có vẻ dễ dàng hơn trong việc tập hợp tiếng nói chung của các nước thành viên.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: Reuters

Còn nhớ, 10 năm trước khi cuộc khủng hoảng đồng euro xảy ra, Thủ tướng Merkel đã bất chấp những điều kiện ngặt nghèo để hỗ trợ tài chính cho những nước EU có điều kiện kinh tế kém thuận lợi hơn. Tại thời điểm đó, bà Merkel đã phê duyệt các khoản vay mềm, đồng thời không đồng tình với các hình thức hỗ trợ như các khoản tài trợ.

Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra từ 17 - 21/7, đã phê duyệt ngân sách hoạt động trong 7 năm giai đoạn 2021 - 2027 với 1.074,3 tỷ euro. Việc thông qua một kế hoạch đầy tham vọng là cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng y tế đang tiếp tục đe dọa “lục địa già", và nền kinh tế châu lục đang bị nhấn chìm vào một cuộc suy thoái nặng nề với dự báo tăng trưởng âm 8,3% trong năm nay.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chúc mừng thành công của hội nghị thượng đỉnh EU. Ảnh: The Guardian
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chúc mừng thành công của hội nghị thượng đỉnh EU. Ảnh: The Guardian

“Chọc giận” lẫn nhau

Gọi Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một trung tâm tình báo của quân đội nước này, Mỹ đã yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc trong vòng 72 giờ. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ trong 41 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung. Mỹ giải thích họ làm vậy để “bảo vệ ở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ”, trong khi Trung Quốc gọi đây là “sự leo thang chưa từng có” và có hành động đáp trả.

Các nhà lập pháp Mỹ cho rằng cần phải chống gián điệp an ninh, nhưng một số khác lại nhận định, việc đóng cửa lãnh sự quán Houston mang mục đích chính trị. Nhà Trắng dường như đã vạch ra chiến lược gây khó khăn cho Bắc Kinh, đồng thời nhằm củng cố tỷ lệ ủng hộ cho Tổng thống Trump trong cuộc đua nước rút bầu cử.

Hơn nữa, đây cũng là cách làm chệch hướng dư luận khỏi thất bại của ông Trump trước nhiệm vụ kiểm soát Covid-19, và chĩa mũi dùi về phía một kẻ thù ở nước ngoài có thể phải chịu trách nhiệm cho đại dịch. Từ đó, dư luận sẽ quay trở lại với vấn đề kinh tế - chủ đề trọng tâm của Tổng thống Trump trong cuộc đua tranh cử.

Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Ảnh: Reuters
Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mike Pompeo vừa hoàn thành chuyến đi châu Âu để kêu gọi thành lập liên minh đưa ra lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh, đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về quyết định đóng cửa lãnh sự quán.

Thượng nghị sĩ Angus King - một chính trị gia độc lập đặt ra nghi vấn: “Chắc chắn là có một lý do chính đáng để đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi lo ngại động thái leo thang căng thẳng này có thực sự là nhằm đối đầu với Trung Quốc, hay nó có liên quan đến cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong 4 tháng nữa?”.

Một số quan chức trong chính quyền Trump thừa nhận rằng, tổng thống thường thúc giục các cố vấn đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Thế nhưng, khi Covid-19 bắt đầu tàn phá kinh tế Mỹ, các đồng minh của đảng Cộng hòa và nhân viên Nhà Trắng bắt đầu lập luận rằng, việc công kích Trung Quốc không sớm kiềm chế đại dịch là cách để củng cố nền tảng chính trị của Tổng thống Mỹ.

Quan hệ Mỹ-Trung xuống mức thấp nhất trong 41 năm thành lập quan hệ ngoại giao. Ảnh: AFP

Về phía mình, Trung Quốc ngay lập tức yêu cầu đóng Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên để đáp trả. Giới quan sát nhận định, trước các đòn tấn công ngày càng mở rộng của chính quyền Tổng thống Trump, Trung Quốc sẽ khó có thể đáp trả quyết liệt và “đoạn tuyệt” quan hệ với Mỹ. Bởi nếu điều đó xảy ra sẽ khiến Trung Quốc bị cô lập nhiều hơn, và cũng có thể gây tổn hại đến nền kinh tế nước này, vốn chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch.

Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc giấu dịch khiến Covid-19 lây lan, ảnh hưởng tới công tác chống dịch của nước khác, điều mà Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận. Chỉ trong vài tuần, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng “chọc giận” Trung Quốc bằng những lệnh trừng phạt vì chính sách liên quan đến Hong Kong và Tân Cương, đồng thời gây sức ép để các đồng minh dừng hợp tác với Huawei.

Mới nhất

x
Thế giới tuần qua: Nhượng bộ để tránh bất đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO