Thế giới và chuỗi sự kiện nổi bật tuần qua

Hữu Quân 06/05/2018 11:26

(Baonghean.vn) - Các nước tuần hành kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, những bước đi đầu tiên của Triều Tiên và Hàn Quốc trong việc nối lại hòa bình hai nước, đàm phán thương mại Mỹ - Trung thất bại, xung đột Israel - Palestine tại Dải Gazal,… là những vấn đề nổi bật trong tuần qua.

1. Biểu tình ngày Quốc tế Lao động biến thành bạo lực

Chiếc xe bị đốt bên ngoài một cửa hàng ở Paris trong cuộc biểu tình ngày Quốc tế Lao động. Ảnh: Reuters

Trong khi người lao động ở nhiều nước trên thế giới mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 với nhiều hoạt động trang trọng, quy mô lớn, thì ở một số nơi, cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực bởi những người quá khích.

Tại Pháp, hàng trăm người đã đập phá các cửa hàng, đốt xe và ném đá vào cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Paris, Pháp, trong cuộc biểu tình ngày Quốc tế Lao động 1/5 nhằm phản đối các chính sách cải cách kinh tế của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Cảnh sát phải dùng đến hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông. Hơn 200 người biểu tình đã bị bắt giữ và 4 người bị thương nhẹ.

Xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát cũng diễn ra ở một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Puerto Rico...

2. Những bước đi thực tế sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Triều Tiên - Hàn Quốc

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trái, và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trong cuộc gặp ngày 27/4. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái), và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp ngày 27/4. Ảnh: AFP.

Ngày 1/5, Triều Tiên và Hàn Quốc cùng tháo dỡ các hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền đặt tại các điểm dọc biên giới hai nước. Đây là bước đi mới nhất nhằm tiến tới hòa giải giữa hai nước, sau cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4.

Triều Tiên cũng đã bắt đầu đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri bằng việc tháo dỡ các hệ thống hỗ trợ trong đường hầm. Việc rút các dây cáp khỏi đường hầm ở Punggye-ri được cho là khởi đầu của quá trình ngừng hoạt động của bãi thử hạt nhân duy nhất Triều Tiên đang sở hữu. Ông Kim tuyên bố sẽ mời các chuyên gia, nhà báo của Mỹ và Hàn Quốc đến nước này để chứng kiến và đảm bảo sự "minh bạch" khi đóng cửa bãi thử hạt nhân.

Ngày 5/5, Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) thông báo nước này chỉnh giờ nhanh lên 30 phút để khớp múi giờ với Hàn Quốc.

Cùng ngày, 4 bộ trưởng của Hàn Quốc gồm Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo, Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-wha, Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon và Bộ trưởng Đại dương Kim Young-choon, ra thăm các đảo Yeonpyeong và Baengnyeong ở biên giới phía Tây của Hàn Quốc để thu thập ý kiến người dân về thỏa thuận thành lập vùng hòa bình trên biển.

3. Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

My yeu cau TQ khan cap giam muc tham hut mau dich hinh anh 1

Phái đoàn Mỹ bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross không đưa ra bất cứ phát biểu nào sau đàm phán. Ảnh: Getty.

Ngày 5/5, phái đoàn thương mại cấp cao Mỹ và các quan chức Trung Quốc kết thúc 2 ngày làm việc để giải quyết vấn đề thâm hụt mậu dịch giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Cuộc đàm phán không đi đến bất kỳ thỏa thuận nào và hai bên cũng không sắp xếp thời gian buổi làm việc tiếp theo.

Cuộc thương lượng này sẽ là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai quốc gia kẻ từ khi Tổng thống Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hồi đầu tháng 4.

Đây được cho là động thái trừng phạt Trung Quốc vì cách đối xử thiếu công bằng trong thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao. Cụ thể, ông Trump cáo buộc Bắc Kinh đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và ép buộc Mỹ phải chuyển giao các công nghệ tiên tiến.

Chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng đưa ra đòn đáp trả bằng cách áp thuế 50 tỷ USD lên các mặt hàng của Mỹ bao gồm ôtô, máy bay và một số mặt hàng nông nghiệp. Sau đó, Tổng thống Trump tiếp tục đe dọa sẽ đánh thuế thêm 100 tỷ USD với Trung Quốc.

4. IS đánh bom khủng bố tại nhiều nước

Cảnh sát giúp đỡ nạn nhân vụ đánh bom ở Kabul. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát giúp đỡ nạn nhân vụ đánh bom kép ở Kabul. Ảnh: Reuters.

Ngày 30/4, tại thủ đô Kabul, Afghanistan, một kẻ đánh bom tự sát lái xe phân khối lớn tự kích nổ và khoảng 20 phút sau, một kẻ đánh bom khác đi bộ hòa vào đám đông nhà báo đưa tin về sự kiện và cũng tự kích nổ. 29 người chết, trong đó 9 người là nhà báo. Đây là vụ tấn công khiến nhiều người làm việc trong ngành truyền thông chết nhất ở Afghanistan từ năm 2001.

Ngày 2/5, một nhóm phiến quân đã tấn công văn phòng của Ủy ban bầu cử Libya tại thủ đô Tripoli, và đụng độ đã xảy ra giữa những kẻ tấn công và lực lượng an ninh trước khi một kẻ đánh bom liều chết kích hoạt thiết bị nổ ngay trong ủy ban khiến 14 người thiệt mạng. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận gây ra vụ đánh bom liều chết trên.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo vừa bắt giữ ít nhất 5 thành viên của một nhóm khủng bố được điều hành bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khi những kẻ này đang lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công tại nhiều khu vực trên khắp cả nước. Những kẻ khủng bố này sở hữu lượng lớn vũ khí và các thiết bị nổ tự chế. Trong quá trình truy bắt các đối tượng kể trên, lực lượng chức năng đã phát hiện một kho chứa các thiết bị nổ tự chế, cùng nhiều vũ khí và đạn dược.

5. Xung đột Israel - Palestine tại Dải Gaza tiếp diễn

israel no sung lam 1 000 nguoi palestine bi thuong tai dai gaza hinh 1
Biểu tình bạo lực tại Dải Gaza. Ảnh: AP

Cuộc biểu tình của người Palestine bước sang tuần thứ sáu liên tiếp nhằm phản đối sự chiếm đóng của Israel và quyết định chuyển Đại sứ quán từ Ten Avip tới Jerusalem của Mỹ dự kiến vào ngày 15/5 tới.

Hàng trăm người Palestine đã bị thương do nghẹt thở hơi cay khi tuần hành ở dải Gaza nhân ngày "Công nhân Palestine" 3/5. Bộ Y tế Palestine cho biết, tổng số người bị thương lên tới 431, trong đó có 69 người bị trúng đạn và số còn lại bị ngạt hơi cay do lực lượng Israel tấn công đoàn tuần hành hòa bình ở phía Đông biên giới Dải Gaza.

Tại các cuộc đụng độ nổ ra vào chiều 4/5, ngay khi kết thúc lễ cầu nguyện ngày thứ Sáu. Binh sĩ Israel đã bắn hơi cay và đạn thật vào hàng trăm người biểu tình Palestine để ngăn họ tiến về hàng rào biên giới giữa Đông dải Gaza và Israel.

Cuộc biểu tình này nằm trong chiến dịch tuần hành chống Israel mà người Palestine gọi là “Tuần hành lớn để Trở về”, được bắt đầu từ ngày 30/3 và cao điểm vào ngày 15/5, ngày mà 70 năm về trước Israel tuyên bố độc lập trong khi người Palestine gọi là Ngày Thảm họa (Nakba Day).

6. Tổ chức ly khai xứ Basque (ETA) hoàn toàn giải tán

Logo của tổ chức ly khai xứ Basque ở làng Bermeo, phía Bắc Tây Ban Nha, năm 2017. Ảnh: AFP

Tổ chức ly khai xứ Basque (ETA) tuyên bố tổ chức này đã hoàn toàn giải thể, đặt dấu chấm hết cho chiến dịch vũ trang của ETA đòi độc lập cho xứ Basque, vùng đất nằm ở miền Bắc Tây Ban Nha và Tây Nam nước Pháp kéo dài 4 thập kỷ qua. ETA khẳng định tổ chức này đã hoàn toàn giải thể mọi bộ phận của tổ chức này.

ETA được tướng Francisco Franco thành lập vào năm 1959, nhằm đấu tranh đòi độc lập cho xứ Basque. Để đạt được mục đích này, ETA đã tiến hành nhiều vụ bạo lực đẫm máu, cướp đi sinh mạng của ít nhất 829 người. Đến năm 2011, ETA đồng ý chấm dứt các hoạt động thù địch đối với chính quyền Tây Ban Nha và Pháp nhưng không đồng ý giải trừ quân bị.

Hồi đầu tháng 4, ETA đã hoàn tất quá trình giải trừ quân bị. Ngày 20/4, ETA lần đầu tiên công khai thừa nhận lỗi và cầu mong sự tha thứ vì những nỗi đau mà do chiến dịch đòi độc lập gây ra.

Theo Tổng hợp
Copy Link

Mới nhất

x
Thế giới và chuỗi sự kiện nổi bật tuần qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO