Thế giới và sự “dịch chuyển” 2021 – 2022

Bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2021 được tạo nên từ 6 sự kiện nổi bật sau đây: 1) Hai cuộc gặp giữa Tổng thống J. Biden và Tổng thống V. Putin; 2) Cuộc gặp giữa Tổng thống J. Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình (trực tuyến); 3) Mỹ rút quân khỏi Afghanistan; 4) Hình thành liên minh quân sự Mỹ với Anh và Australia (AUKUS); 5) Sự bùng phát các biến thể mới của Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng; 6) Kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp do Covid-19.

Thứ nhất, chuyển động trong quan hệ Mỹ – Nga.

Trong năm 2021, Tổng thống Mỹ J. Biden đã có hai cuộc hội đàm với Tổng thống Nga V. Putin: Tại Geneva ngày 16/6/2021 và trực truyến ngày 7/12/2021. Cả hai cuộc hội đàm này đều do Tổng thống J. Biden chủ động đề nghị có cuộc gặp với Tổng thống V. Putin.

Về cơ bản, cuộc gặp ngày 16/6/2021 tại Geneva với Tổng thống V. Putin đã đạt được yêu cầu của Tổng thống J. Biden: Quan hệ Mỹ – Nga tạm ổn định và trong vòng kiểm soát (có thể đoán định được).

Thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Villa La Grange, Geneva (Thụy Sỹ) ngày 16/6/2021. 	Ảnh: Reuters
Thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Villa La Grange, Geneva (Thụy Sỹ) ngày 16/6/2021. Ảnh: Reuters

Vào những tháng cuối năm 2021, quan hệ Nga với Mỹ và NATO lại trở nên căng thẳng về vấn đề Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm Mỹ và được Washington và Brussels cam kết viện trợ vũ khí lớn cho Kiev và hứa hẹn tạo điều kiện cho Ukraine gia nhập NATO. NATO liên tiếp tổ chức tập trận quân sự lớn ở Biển Đen và Baltic giáp biên giới Nga ở Tây Bắc và Tây Nam.

Để chủ động đối phó với mọi tình huống bất trắc, Nga đã huy động hàng chục ngàn binh lính với hệ thống vũ khí hiện đại tập trung ở mặt trận Tây Nam dọc theo biên giới Nga – Ukraine. Ukraine và các thành viên NATO cho rằng Nga chuẩn bị chiến tranh xâm lược Ukraine. Quan hệ Nga – Ukraine nói riêng, Nga và NATO nói chung nóng lên từng ngày vào tháng 11 – 12/2021. Dư luận Mỹ cũng cho rằng Nga chuẩn bị cuộc chiến xâm lược Ukraine. Trước tình hình đó, Tổng thống J. Biden quyết định tổ chức cuộc gặp mặt thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống V. Putin theo hình thức trực tuyến nhằm tháo ngòi nổ cho cuộc chiến tranh Nga – Ukraine vào ngày 8/12/2021. Tại cuộc hội đàm trực tuyến 8/12/2021, Tổng thống J. Biden đã cảnh cáo: Nếu Nga xâm lược Ukraine thì Moskva sẽ phải chịu trừng phạt nặng nề mọi mặt; Tổng thống V. Putin phủ nhận việc Nga chuẩn bị xâm lược Ukranie và yêu cầu Washington kiềm chế những hành động vi phạm thỏa thuận Minsk của Tổng thống Ukraine, đặc biệt là không kết nạp Ukraine vào NATO.

Từ năm 2021, quan hệ Mỹ – Nga hòa hoãn về chiến lược (có thể kiểm soát), thường xuyên căng thẳng về chiến thuật.

Việc NATO mở rộng về phía Đông là mối lo ngại đối với Nga. Ảnh: Reuters
Việc NATO mở rộng về phía Đông là mối lo ngại đối với Nga. Ảnh: Reuters

Thứ hai, quan hệ Mỹ – Trung Quốc năm 2021.

Quan hệ Mỹ – Trung Quốc là quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới. Giữa Mỹ và Trung Quốc tồn tại mâu thuẫn đối kháng không thể dung hòa về mục tiêu chiến lược lâu dài. Hiện nay, Mỹ không thể cản trở được sự trỗi dậy của Trung Quốc và Trung Quốc cũng chưa đủ sức đối đầu với Mỹ.

Do đó, Washington và Bắc Kinh phải gặp nhau để đối thoại: Điện đàm Biden – Tập Cận Bình 90 phút ngày 9/9/2021 và hội đàm trực tuyến ngày 15/11/2021 (giờ Mỹ) – 16/11/2021 (giờ Trung Quốc). Cuộc điện đàm 9/9/2021 và hội đàm trực tuyến 15/11/2021 giữa Tổng thống J. Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình không tạo ra đột phá nhưng hai bên đi đến thống nhất: Hợp tác song song với cạnh tranh và cạnh tranh không dẫn đến xung đột, quan trọng hơn là Washington và Bắc Kinh tiếp tục đối thoại theo kiểu “câu giờ”, cả hai bên đều cố tránh xảy ra chiến tranh lạnh Mỹ – Trung Quốc phiên bản 2.0.

Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ dự cuộc họp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ngày 15/11/2021. Ảnh: Reuters
Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ dự cuộc họp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ngày 15/11/2021. Ảnh: Reuters

Thứ ba, Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Taliban tái chiếm Afghanistan.

Trong 20 năm (2001 – 2021), Mỹ dẫn dắt một liên minh gồm 40 quốc gia đồng minh, đối tác, trong đó nòng cốt là NATO, tiến hành cuộc chiến tranh chống Taliban ở Afghanistan. Tại cuộc chiến trước Afghanistan, gần 7.500 binh lính và nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng, hàng chục ngàn binh lính Mỹ mang thương tật suốt đời; Mỹ đã tiêu tốn ở đây hơn 3.000 tỷ USD, nếu cộng cả chi phí bảo trợ cho các gia đình có người chết và thương binh sẽ không dưới 5.000 tỷ USD. Ngày 15/8/2021, khi Mỹ chưa rút hết lực lượng và phương tiện chiến tranh khỏi Afghanistan, Taliban đã vào Kabul và tái chiếm Afghanistan.

Cuộc chiến 20 năm chống Taliban là một thất bại lớn, một chương buồn nhất và đen tối nhất trong lịch sử Mỹ kể từ khi lập quốc vào năm 1776.

Lãnh đạo và thành viên Taliban trong dinh tổng thống Afghanistan ở Kabul ngày 15/8/2021; Quang cảnh hỗn loạn ở sân bay quốc tế tại Kabul khi quân Mỹ rút chạy- Ảnh: AP - UVA Today - Getty
Lãnh đạo và thành viên Taliban trong dinh tổng thống Afghanistan ở Kabul ngày 15/8/2021; Quang cảnh hỗn loạn ở sân bay quốc tế tại Kabul khi quân Mỹ rút chạy- Ảnh: AP - UVA Today - Getty

Thứ tư, ngày 15/9/2021, ba cường quốc Mỹ, Anh và Australia tuyên bố thành lập Quan hệ đối tác An ninh ba bên – AUKUS.

Nội dung của Quan hệ đối tác An ninh ba bên – AUKUS mà Tổng thống Mỹ J. Biden, Thủ tướng Anh B. Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã ký ngày 15/9/2021 là Mỹ cung cấp công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Australia và sẽ giúp Australia đóng 8 tàu ngầm hạt nhân. Ngoài công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Australia, Mỹ, Anh và Australia còn trao đổi, hợp tác các công nghệ dưới nước (bảo vệ cáp biển dưới nước), an ninh mạng, điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), tên lửa phóng từ biển và trên không.

Về bản chất, AUKUS là một liên minh quân sự giữa Mỹ, Anh và Australia để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Vì thế, có thể xem AUKUS như một dấu mốc lịch sử trong cuộc đối đầu lâu dài giữa Mỹ với Trung Quốc.

AUKUS là một liên minh quân sự giữa Mỹ, Anh và Australia để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters
AUKUS là một liên minh quân sự giữa Mỹ, Anh và Australia để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters

Thứ năm, đại dịch Covid-19 có nhiều biến thể mới nguy hiểm trong năm 2021 như biến thể Delta và Omicron.

Có thể nhận xét sơ bộ, mặc dù chưa thực sự yên tâm, năm 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát nặng nề ở châu Âu (bao gồm cả Nga), châu Phi, khu vực ASEAN và Mỹ, một số khu vực Covid-19 đã gần đến đỉnh. Trong năm 2021, Nhật Bản đã khống chế được Covid-19, tỷ lệ người nhiễm và tử vong trên 1 triệu dân thấp nhất thế giới (số ca tử vong tính trên 1 triệu dân của Nhật Bản chỉ bằng 6,2% của Mỹ). Có thể gọi năm 2021 là “năm đại dịch Covid-19”.

Thứ sáu, kinh tế thế giới phục hồi rất chậm và không đều. Nhìn tổng thể, năm 2021 kinh tế thế giới vẫn trì trệ do đại dịch Covid-19.

Năm 2021 kinh tế thế giới vẫn trì trệ do đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Reuters - AFP
Năm 2021 kinh tế thế giới vẫn trì trệ do đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Reuters - AFP

Có 5 vấn đề được đề cập trong năm 2022: 1) Các sự kiện lớn tác động đến tình hình thế giới trong năm 2022; 2) Sự chuyển động trong quan hệ giữa các nước lớn, các trung tâm sức mạnh; 3) Diễn biến của đại dịch Covid-19; 4) Tình hình kinh tế thế giới; 5) Tình hình khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Thứ nhất, các sự kiện lớn tác động đến tình hình thế giới năm 2022.

Dự kiến vào tháng 10/2022, Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Đại hội XX. Có lẽ, Tổng Bí thư Tập Cận Bình cố giữ yên ổn trong quan hệ quốc tế để tập trung cho Đại hội XX – nhiệm vụ trọng tâm của ông trong năm 2022.

Bên cạnh một số thuận lợi, ông Tập Cận Bình phải đương đầu với khó khăn lớn:

1) Do đại dịch Covid-19 và do kinh tế thế giới trì trệ, nên kinh tế Trung Quốc đang chững lại với nợ công phình to (theo nhiều nguồn tin là 250% GDP) và nguy cơ bong bóng bất động sản (hàng chục thành phố “ma” không có người ở);

2) Môi trường quốc tế không thuận lợi đối với Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đã thức tỉnh thế giới: Suốt hơn 40 năm (1978 – 2019), Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đã mắc sai lầm “bỏ trứng vào một giỏ” trong quá trình hợp tác “vô tư” với Trung Quốc. Bản thân thị trường Trung Quốc cũng không còn hấp dẫn các nhà đầu tư như 2 – 3 chục năm qua. Đây là khó khăn lớn nhất đối với Trung Quốc khi bước vào Đại hội XX.

Công nhân làm việc tại công trường xây dựng Trung tâm Greenland Vũ Hán, một tòa nhà chọc trời cao 636 m ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Công nhân làm việc tại công trường xây dựng Trung tâm Greenland Vũ Hán, một tòa nhà chọc trời cao 636 m ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP

3) Khó khăn thứ ba đối với ông Tập Cận Bình là những vấn đề nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tập Cận Bình không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm kỳ (Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào chỉ làm 2 nhiệm kỳ 10 năm). Chắc chắn ông Tập Cận Bình sẽ làm nhiệm kỳ 3 (2022 – 2027), thậm chí làm nhiệm kỳ 4 (2027 – 2032); sự co kéo, thỏa hiệp ổn thỏa để ông tái nhiệm nhiệm kỳ 3 (2022 – 2027) và lựa chọn đội ngũ cán bộ chủ chốt sẽ là nhiệm vụ chủ yếu mà ông Tập Cận Bình phải dồn hết sức lực, tâm lực, trí lực vào giải quyết.

Thứ hai, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Hiện nay, Đảng Dân chủ đang chi phối cả Hạ viện và Thượng viện  Mỹ với một đa số khá mong manh. Hai năm đầu nhiệm kỳ (2021 – 2022), chính quyền J. Biden đã đạt được một số kết quả tích cực cả trong nước và trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, cử tri Mỹ chưa vừa lòng với nhiều chính sách kinh tế – xã hội của chính quyền J. Biden như vấn đề nhập cư, lạm phát, thất nghiệp… Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 là một cuộc “sát hạch” đối với ông J. Biden. Do đó, năm 2022, Mỹ cũng sẽ ưu tiên cho những vấn đề trong nước, cố gắng co kéo ổn định trong quan hệ quốc tế, trước hết là quan hệ với Trung Quốc và Nga.

Thứ ba, châu Âu vào thời kỳ “Hậu Merkel”.

Cuộc bầu cử Quốc hội Đức tháng 9/2021 với kết quả là một chính phủ của liên minh ba đảng: Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP). Ông Olaf Scholz của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) được cử làm Thủ tướng và ngày 24/11/2021 ông đã trình bày kế hoạch hành động của Chính phủ liên minh ba đảng trước Quốc hội Đức. Đây là Chính phủ liên minh ba đảng đầu tiên ở cấp độ quốc gia tại Đức. Chính quyền Merkel là liên minh của cả hai đảng trung hữu: Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và Đảng Xã hội Cơ đốc giáo. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz theo đường lối trung tả, Đảng Xanh chủ trương bảo vệ môi trường, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) ủng hộ giới doanh nghiệp.

Châu Âu “hậu Merkel” là một trong những vấn đề được quan tâm trong năm 2022. Ảnh: AP
Châu Âu “hậu Merkel” là một trong những vấn đề được quan tâm trong năm 2022. Ảnh: AP

Có khả năng Đảng Xanh sẽ phụ trách đối ngoại của Đức với vị trí Ngoại trưởng thuộc bà Annalena Baerbock – Chủ tịch Đảng. Đối với Nga và Trung Quốc, Đảng Xanh nói chung, bà Baerbock nói riêng luôn có thái độ cứng rắn trong nhiều vấn đề, nhất là vấn đề nhân quyền. Điều này báo hiệu quan hệ của Đức với Nga, nói chung quan hệ châu Âu – Nga, sẽ sang một chương mới không mấy tốt đẹp, nếu không muốn nói là xấu hơn thời Merkel.

Các mối quan hệ quốc tế lớn trong năm 2022:

Một là, quan hệ Mỹ – Trung Quốc: Trong năm 2022 sẽ không có cuộc gặp giữa J. Biden và Tập Cận Bình, nhưng sẽ có nhiều cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao của hai nước (cấp Bộ trưởng) để có một số bước tiến nhỏ, quan trọng hơn là giữ cho quan hệ Mỹ – Trung không xấu hơn. Tập Cận Bình và J. Biden tập trung giải quyết những vấn đề nóng trong nước, quan hệ Mỹ – Trung sẽ không có đột biến bất thường, căng thẳng và xung đột về chiến thuật (các vụ việc) vẫn diễn ra như cơm bữa. Năm 2022, châu Á – Thái Bình Dương sẽ không có bão tố lớn.

Hai là, quan hệ Mỹ – Nga ít có khả năng xấu hơn và vẫn trong vòng kiểm soát. Do chính quyền mới ở Đức ít thân thiện với Nga, nên Ukraine vẫn là điểm nóng làm nhức nhối quan hệ của Nga với châu Âu và Mỹ. Sẽ không có chiến tranh Nga – Ukraine. Châu Âu thời hậu Merkel sẽ có quan hệ thân thiện hơn với Mỹ và liên minh xuyên Đại Tây Dương sẽ cùng vấn đề Ukrainer để gây khó dễ với Nga và kìm hãm sự phát triển của Nga. Năm 2022, Tổng thống V. Putin sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng mềm mỏng hơn để tập trung cho vấn đề trong nước, chủ yếu là vấn đề kinh tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Nikkei
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Nikkei

Như vậy, năm 2022, do các ông lớn (Tập Cận Bình, J. Biden) tập trung lo “việc nhà”, tình hình chính trị – an ninh thế giới về cơ bản sẽ “sóng yên biển lặng”. Châu Âu vào thời “chuyển mùa “hậu Merkel”; quan hệ Nga – Mỹ, Nga – châu Âu sẽ căng thẳng hơn, chủ yếu xung quanh vấn đề Ukraine nhưng không có xung đột, vẫn trong vòng kiểm soát.

Về đại dịch Covid-19:

Nhiều khả năng, Covid-19 còn gây thảm họa cho thế giới trong năm 2022, từ cuối năm 2022 đại dịch Covid-19 sẽ suy giảm dần và từ năm 2023 thế giới sẽ vào thời kỳ “bình thường mới” – “chung sống hòa bình” với Covid-19 với điều kiện các nước giàu G-20 phải hỗ trợ các nước nghèo có vaccine tiêm cho người dân để tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Đến cuối năm 2021, tại các nước giàu, 74% người dân đã được tiêm 2 mũi vaccine, ở các nước nghèo chỉ 5%. Một nghiên cứu của các nhà khoa học cho kết quả: Các biến thể mới của Covid-19 (Delta, Omicron…) đều phát sinh từ các nước nghèo châu Phi với tỷ lệ tiêm vaccine chỉ dưới 5% dân số. Chính sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine tạo điều kiện cho đại dịch Covid-19 tồn tại và phát sinh nhiều biến chủng mới.

Nhiều khả năng, Covid-19 còn gây thảm họa cho thế giới trong năm 2022; Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Nam Phi vào:  tháng 12-2021. Ảnh: AFP/TTXVN - AP
Nhiều khả năng, Covid-19 còn gây thảm họa cho thế giới trong năm 2022; Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Nam Phi vào: tháng 12-2021. Ảnh: AFP/TTXVN - AP

Do đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu 1,3 tỷ người dân châu Phi chưa được tiêm 2 mũi vaccine thì đại dịch Covid-19 còn tồn tại và gây thảm họa cho loài người đến tận năm 2024, 2025 (2022 – 2023 chưa thể chấm dứt). Covid-19 là kẻ thù chung của 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên trái đất, nhưng hợp tác quốc tế trong phòng, chống Covid-19 lại bộc lộ yếu kém rất lớn.

Vẫn hy vọng từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, đại dịch Covid-19 sẽ được khống chế một bước quan trọng.

Về kinh tế thế giới:

Nền kinh tế thế giới năm 2022 sẽ chưa ra khỏi trì trệ do đại dịch Covid-19, nhưng có bước khôi phục khá hơn năm 2021. Các nền kinh tế lớn thuộc G-20, ở mức độ và tốc độ khác nhau, sẽ khởi sắc hơn năm 2021. Thương mại và du lịch toàn cầu bắt đầu có chuyển động tích cực trong năm 2022.

Cảng biển Singapore, Singapore. Ảnh: Tư liệu
Cảng biển Singapore, Singapore. Ảnh: Tư liệu

Về khu vực Đông Nam Á:

Campuchia là Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2022. Về đối ngoại, năm 2022, ASEAN vẫn duy trì được vai trò là trung tâm kết nối ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vấn đề nội khối, năm 2022, khó khăn lớn nhất đối với ASEAN là vấn đề Myanmar. Hy vọng, dưới tác động của các nhân tố trong nước và áp lực quốc tế, năm 2022, Myanmar sẽ có chuyển động tích cực hơn năm 2021, nhưng vẫn chưa ổn định.

Năm 2022, ASEAN vẫn bảo đảm được đoàn kết thống nhất trên nhiều vấn đề cơ bản về đối nội, đối ngoại.

Năm 2022, Việt Nam sẽ thế nào?

Tình hình khu vực và tình hình thế giới năm 2022 tác động đến Việt Nam cả tích cực và tiêu cực. Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức (cả cũ và mới), đồng thời có nhiều thuận lợi và cơ hội mới. Tính chung lại, năm 2022, đối với Việt Nam, cơ hội vẫn lớn hơn thách thức. Việt Nam cần tỉnh táo xác định đúng thách thức để vượt qua và phát hiện kịp thời cơ hội để tận dụng tạo ra bước phát triển mới nhanh và bền vững hơn.

Một góc thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu
Một góc thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu