"Thế khó" của cây cao su Tân Kỳ

15/07/2011 10:18

Giá mủ cao su trên thị trường đang tăng cao nhưng điều đó vẫn không hấp dẫn nông dân Tân Kỳ. Chính vì vậy, kế hoạch trong năm 2011 này huyện cơ cấu trồng 520 ha cao su, nhưng đến nay chỉ trồng được 63 ha. Theo nhận định của cán bộ huyện, Tân Kỳ sẽ rất khó khăn trong việc phát triển cây cao su.

Giá mủ cao su trên thị trường đang tăng cao nhưng điều đó vẫn không hấp dẫn nông dân Tân Kỳ. Chính vì vậy, kế hoạch trong năm 2011 này huyện cơ cấu trồng 520 ha cao su, nhưng đến nay chỉ trồng được 63 ha. Theo nhận định của cán bộ huyện, Tân Kỳ sẽ rất khó khăn trong việc phát triển cây cao su.


Trở ngại lớn nhất đối với người trồng cao su ở Tân Kỳ là thiếu vốn đầu tư. Trước đây thông qua nguồn đầu tư của Chương trình 327, diện tích cây cao su vẫn phát triển chậm và nay khi nguồn lợi đó không còn, thì tỉnh chỉ hỗ trợ 2.000 đồng/1 cây giống. Mới đây huyện Tân Kỳ ban hành chính sách hỗ trợ 50% lãi suất năm đầu cho 10 triệu đồng/1 ha trồng mới, nhưng vẫn không đủ lực thu hút sự quan tâm đầu tư của người dân đối với cây cao su.

Lãnh đạo huyện Tân Kỳ cho hay, vốn đầu tư cho 1 ha cao su là rất lớn và thời gian kiến thiết cơ bản lại dài (7 năm) trong khi đó vốn hỗ trợ cho đầu tư chăm sóc hàng năm không có, nên người dân rất khó theo đuổi được với loại cây trồng này.


Phát triển cây cao su thành vùng tập trung cần quy hoạch và có chính sách đồng bộ



Đã vậy trong thời gian qua thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán, rét đậm, bão, lốc xoáy xẩy ra ảnh hưởng đến diện tích, chất lượng cây cao su. Đặc biệt trong cơn bão số 3 năm 2010 đã làm nghiêng, đổ 410 ha trong đó có 50 ha đang thời kỳ khai thác tại xã Tân Phú, Tân Long và Tân An, ảnh hưởng đến tâm lý của người đầu tư trồng cao su ở Tân Kỳ.


Tân Kỳ hiện có 1.999 ha cây cao su và chủ yếu được trồng tập trung tại Công ty TNHH nông nghiệp Sông Con, Công ty TNHH An Ngãi và Tổng đội TNXP4. Sau khi có đề án phát triển cây cao su của huyện (năm 2009) Tân Kỳ quy hoạch theo định hướng nhân rộng ra các xã phụ cận các Công ty nông nghiệp và Tổng đội TNXP4.

Tuy nhiên do chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động và cơ chế chưa phù hợp, cùng với đó chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong việc chỉ đạo, nên việc mở rộng diện tích cao su gặp khó khăn. Nhìn chung trong thời gian qua, cây cao su ở Tân Kỳ còn manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu là do các hộ trồng tự phát. Muốn xây dựng Tân Kỳ trở thành một trong vùng trọng điểm cây cao su cần có quy hoạch, chính sách đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, rất cần tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân, nhất là những doanh nghiệp lớn về ngành công nghiệp cao su.


Các doanh nghiệp lớn về ngành công nghiệp cao su sau khi khảo sát ở Tân Kỳ đều đánh giá rất cao tiềm năng của vùng đất này, nhưng rút cuộc đều "khó vào". Thiếu vốn, giống, kỹ thuật, tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ và thiếu sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, nên giai đoạn 5 năm (2006 - 2010) diện tích trồng mới cây cao su của Tân Kỳ đạt chưa tới 60% kế hoạch.

Cụ thể, năm 2006 kế hoạch 300 ha trồng chỉ được 145 ha, năm 2007 kế hoạch 250 ha trồng mới 120 ha, năm 2009 kế hoạch 950 ha trồng 566 ha, năm 2010 kế hoạch 570 ha trồng được 316 ha và năm 2011 kế hoạch 520 ha, trong 6 tháng đầu năm 2011 trồng được 63 ha.


Qua tìm hiểu được biết, định hướng phát triển cao su của Tân Kỳ là theo mô hình tiểu điền. Cách làm này hiện phù hợp với thực tế của địa phương, nhưng để cây cao su phát triển thành vùng tập trung, huyện cần có những cách làm năng động, sáng tạo, mang tính chất đột phá và nhất thiết đầu tư phát triển cao su cần theo hướng đại điền. Có như vậy đề án phát triển cây cao su của Tân Kỳ là đến năm 2015 có 5.000 ha mới hy vọng trở thành hiện thực./.


Hoàng Vĩnh

Mới nhất
x
"Thế khó" của cây cao su Tân Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO