Thể thao hay thể hiện
Tập thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe là một nhu cầu và thói quen của nhiều cán bộ, công chức. Đây là kết quả của việc đưa phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Phong trào này sẽ là rất tốt nếu không có những biểu hiện “mạo danh” và lệch lạc…
(Baonghean) - Tập thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe là một nhu cầu và thói quen của nhiều cán bộ, công chức. Đây là kết quả của việc đưa phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Phong trào này sẽ là rất tốt nếu không có những biểu hiện “mạo danh” và lệch lạc…
Hiện nay, ở tỉnh ta Golf được xem như một môn thể thao “quý tộc” thượng lưu; thứ nhất là vì chi phí bỏ ra để tập luyện như sân, gậy, bóng, mũ, nón, thuê xe điện, Caddie... đều được tính bằng ngoại tệ, quá lớn so với thu nhập của một cán bộ công chức. Những tưởng chỉ có những thương gia, chủ doanh nghiệp cỡ lớn mới có đủ điều kiện để tham gia; nhưng không, tại sân Golf Cửa Lò 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, không ít cán bộ công chức trong tỉnh có thẻ hội viên, thành viên cũng như có bộ gậy hàng chục nghìn USD. Trang bị như vậy nhưng dăm thì mười họa mới đến quơ gậy đôi lần. Một anh công chức có thẻ “vàng” thú thực: Golf là phương tiện thôi. Lâu lâu vào cuối tuần cũng đến tham gia để mọi người chung quanh biết mình đẳng cấp; thứ nữa, đến đây toàn là nhân vật Vip, mình cũng có dịp giao lưu, kết bạn. Biết đâu qua đó có lợi cho mình…
Tương tự như anh công chức nói trên trên, một chị cán bộ khác cứ đợi hết giờ hành chính là váy ngắn, quần bó sát, áo phông, vác vợt lên xe vù đến các sân tenis để “tập luyện”. Rất ngạc nhiên là tập thế nào mà mấy năm rồi, đến cú giao banh tư thế chân, tay cầm, tung bóng, vung vợt cũng chưa chuẩn. Một “hót girl” cho hay: “Để chơi tennis chỉ cần mua trang phục thi đấu như áo, quần, giày và dụng cụ tập luyện, vợt, bóng nỉ. Tất cả hết khoảng trên 10 triệu đồng. Ngoài ra phải thuê thầy dạy khoảng chừng 20 buổi tập cơ bản cũng tốn tiền triệu. Mà cũng chẳng cần phải biết đánh; Cần là chân thẳng, trắng, dáng đẹp, lên sân lượn lờ vài vòng là được rồi. Các bác, các anh cứ gọi là... tít mắt”.
Có chuyện trên, thì hóa ra chuyện “Một bà vợ thấy ông chồng chiều nào cũng đánh cầu lông, tối mịt mới về lại chẳng thấy giọt mồ hôi nào; lấy làm lạ, chiều nọ, bà vợ bèn bỏ chiếc chổi vào túi vợt. Tối về, ông chồng vẫn thao thao bất tuyệt, hồn nhiên kể hôm nay làm mấy séc rất căng thẳng” không tiếu lâm chút nào. Điều đó để thấy, sự thật là một số người đang mượn thể thao để thể hiện một điều khác đi ngược lại tinh thần rèn luyện sức khỏe.
Sân bóng đá cỏ nhân tạo luôn được “ưa thích” bởi sân cạnh sân có quán nhậu.
Song, đáng mừng là tình trạng “mượn danh thể thao” này không phải phổ biến. Hiện, ở tỉnh ta, các cơ quan, đơn vị rất coi trọng ý nghĩa và thực hiện tốt việc rèn luyện sức khỏe, đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao góp phần bồi dưỡng, nâng cao thể chất, thể lực và ý chí cho cán bộ, nhân viên, tạo ra bầu không khí vui tươi, tinh thần đoàn kết trong tập thể. Bằng chứng là, đến bất cứ cơ quan, đơn vị nào cũng thấy có sân, bãi và sau giờ làm việc mỗi buổi chiều đều rất rộn rã bởi không khí tập luyện, thi đấu thể thao sôi nổi. Những môn thể thao được đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động lựa chọn để tập luyện chủ yếu là: bóng chuyền, bóng đá, việt dã, cầu lông và đi bộ... Mỗi người theo sở thích, lứa tuổi, điều kiện kinh tế, thời gian, sức khỏe đã chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để rèn luyện. Từ đó hình thành nhiều nhóm, nhiều đội thể thao trong các cơ quan, đơn vị.
Cái hay của thể thao công sở đã thấy rõ, nhưng cái biến tướng, cái hậu thể thao dẫn đến tác dụng ngược không phải mấy ai cũng hay. Những chuyện trên sân bóng, sân cầu lông như: Chia phe để thi đấu, ban đầu thì cũng thách nhau, ai thắng được vài cốc bia, dần dần chuyện ăn thua của thể thao lấn vào quan hệ đồng nghiệp; nhìn nhau bằng mặt mà chẳng bằng lòng”… Cá độ bắt đầu đi vào thể thao công sở là thế và dần trở nên phổ biến, không có phần thưởng, không có thách đấu thì mất vui. Người, đội mạnh chấp người yếu vài điểm số để cân bằng. Người thi đấu ở trong lập kèo đã đành, người cổ vũ ngoài sân cũng cá độ. Ban đầu, cũng chỉ vài cốc nước giải khát, sau lâu dần đến tiền triệu. Do quá ăn thua, không ít vụ lộn xộn gây gổ từ thể thao công sở đã xuất hiện và xuất hiện ngay ở các giải thể thao làm cho ý nghĩa tốt đẹp, lành mạnh về hoạt động rèn luyện thân thể mất đi.
Môn bóng đá mini, khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, hệ thống sân cỏ nhân tạo ở Vinh mọc lên như nấm sau mưa. Đến thời điểm này, cả thành phố có khoảng 80 sân cỏ đạt chuẩn thi đấu. Yêu môn thể thao vua, các sở ban, ngành, đơn vị đều thành lập một hoặc nhiều đội bóng. Đội thì có tập luyện, thi đấu giao hữu, giao lưu giữa các cơ quan, đơn vị và những trận đá “kèo” cũng đã xuất hiện. Những “kèo” thế này thường là đội thua sẽ trả tiền thuê sân, lớn hơn tý nữa là kèo bia.
Thế mới có chuyện, một trận đấu bóng chỉ tầm 1-1,5 giờ đồng hồ nhưng “hậu” thể thao thì kéo dài gấp đôi, gấp ba thời gian thi đấu. Mượn thể thao để bia rượu, la cà, đàn đúm kéo theo nhiều hệ lụy làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Chị Trần Thị Hằng, khối 15, phường Hà Huy Tập than thở: “Tôi không muốn chồng đi tập thể thao chút nào. Đã từ lâu, ông xã nhà tôi cứ xong việc ở sở là lấy lý do cầu lông, đá bóng đến tận khuya mới về. Tập thì ít còn thời gian ngồi bia rượu thì nhiều, ngày nào cũng như ngày nào, con cái cả tháng không thấy mặt cha. Khỏe đâu chưa thấy nhưng tốn tiền tốn bạc, gia đình thì lúc nào cũng căng thẳng”. Chưa kể, kiểu thể thao trên còn làm cho một số người muốn chơi thể thao thật sự, cũng không dám tham gia.
Tác dụng của việc chơi thể thao đúng cách thì đã rõ, tuy nhiên sẽ là phản tác dụng nếu thể thao bị biến tướng như trên, không những thế còn rất nguy hiểm nếu sau hoạt động thể dục, thể thao lại uống bia, rượu. Hệ quả tất yếu sau nhưng cuộc thể thao gắn liền với bia, rượu chính là hiệu quả chất lượng công việc sút kém, hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng… Đã đến lúc phải có những biện pháp chấn chỉnh tình trạng này, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt cần gương mẫu thực hiện. Như vậy, thể thao sẽ không còn là thể hiện.
Bài, ảnh: Thanh Sơn