Thêm bằng chứng cho thấy châu Phi đang bị tách đôi
Một vết nứt khổng lồ rộng khoảng 15m, dài vài cây số vừa được phát hiện ở Kenya, là bằng chứng tiếp theo cho thấy châu Phi đang tách làm đôi.
Vết nứt vừa xảy ra ở Kenya - Ảnh: Daily Mail
TS Lucia Perez Diaz thuộc ĐH London (Anh) cho biết vết nứt xảy ra kèm theo các hoạt động địa chất, khiến một phần đường cao tốc Nairobi-Narok phía tây nam Kenya sạt lở.
Trên tờ Daily Mail, các chuyên gia cho biết các vết nứt ở Kenya đang lan rộng kèm theo các hoạt động địa chất dễ dàng cảm nhận được. Đây là một dấu hiện cho thấy châu Phi đang tách làm đôi.
Trong khoảng 10 triệu năm tới, châu Phi có thể tách làm đôi như thế này - Ảnh: Twitter
Các nhà khoa học chỉ ra phần lớn lục địa châu Phi nằm trên mảng Phi nhưng phần phía đông châu Phi lại nằm trên mảng Somali.
Nơi 2 mảng gặp nha gọi là Thung lũng tách giãn lớn, dài khoảng 3.000km từ phía bắc Syria, Tây Nam châu Á đến trung tâm Mozambique, Đông Phi. Nơi đây thường xảy ra các hoạt động địa chất khi 2 mảng tương tác với nhau.
Thung lũng tách giãn lớn ở Engaruka, Tanzania - Ảnh: Alamy
Theo TS Lucia Perez Diaz, trong khoảng chục triệu năm tới, thung lũng dần nứt ra hoàn toàn khi 2 mảng di chuyển tách xa nhau và phân đôi châu Phi khiến một phần Ethiopia và Somalia trở thành đảo, từ đó hình thành một vùng biển mới.
Một vết nứt ở thung lũng tách giãn lớn ở Tanzania - Ảnh: Shutterstock
Kịch bản này từng xảy ra khoảng 138 triệu năm trước khi một mảng đất rộng lớn tách đôi tạo ra Nam Mỹ và châu Phi bây giờ.