Thêm yêu bản làng

11/12/2013 16:07

(Baonghean) - Là một huyện miền núi cao còn nhiều khó khăn, nên hầu hết các trường mầm non trên địa bàn huyện Tương Dương thiếu các điểm vui chơi ngoài trời phục vụ cho trẻ. Năm 2012, ngành giáo dục huyện đã triển khai xây dựng mô hình “Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” trong các trường mầm non. Đây là mô hình nhà sàn cổ của người Thái, vừa giúp trẻ vui chơi, học tập, nâng cao các kỹ năng, vừa góp phần giáo dục trẻ tình yêu bản làng…

Chúng tôi đến thăm điểm trường lẻ bản Lũng, Trường Mầm non Tam Thái (huyện Tương Dương) khi các em đang có giờ học tại “Nhà Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” trong khuôn viên sân trường. Trong không gian mô hình nhà sàn của người Thái thu nhỏ với diện tích 6m2, được trang trí đầy đủ các vật dụng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất, nhạc cụ truyền thống…, giúp các em thích thú khám phá những nét văn hóa độc đáo của dân tộc.

Mỗi tuần học sinh Trường Mầm non Tam Thái có 4 tiết học trong không gian mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Thái. Ngoài hướng dẫn trẻ khám phá không gian văn hóa, cuộc sống thường ngày của người Thái cổ, vui chơi với nhiều trò chơi dân gian, các giáo viên còn lồng ghép dạy các kỹ năng cho trẻ. “Mô hình “Nhà Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” đã giúp các trẻ phát triển đồng thời nhiều kỹ năng: giao tiếp, làm việc nhà, giúp đỡ người lớn… Đặc biệt, học sinh của trường đều là người dân tộc Thái nên khi được giới thiệu về các phong tục tập quán; hay tổ chức chơi trò chơi dân gian; tổ chức lễ hội truyền thống các em rất hào hứng tham gia. Ở trường bây giờ, các em gái rất thích mặc những bộ váy của dân tộc mình đến trường; biết chơi nhiều trò chơi dân gian và tìm hiểu các phong tục tập quán của dân tộc”, cô Vy Thị Thảo, giáo viên Trường Mầm non Tam Thái chia sẻ.

Trường Mầm non Tam Thái có 3 điểm trường, hiện tại 2 điểm trường đã có mô hình “Nhà Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” được xây dựng từ năm 2012. Để xây dựng mô hình này, nhà trường vận động phụ huynh đóng góp nguyên, vật liệu sẵn có như: mét, nứa, lá tranh… và ngày công lao động. Để trang trí nhà bảo tồn, mỗi phụ huynh tự nguyện đóng góp 5 món đồ (đồ chơi, vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động) tự làm để làm phong phú thêm kho vật dụng của nhà người Thái cổ, phục vụ các em học tập.

Mô hình “Nhà Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” được phụ huynh học sinh nhiều bản làng nhiệt tình hưởng ứng xây dựng. Điểm chính của Trường Mầm non Yên Thắng (bản Văng Lin - xã Yên Thắng) có 27 học sinh dân tộc Thái. Mặc dù đời sống người dân còn nghèo nhưng khi nhà trường phổ biến về ý nghĩa thiết thực của mô hình “Nhà Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”, 100% phụ huynh nhiệt tình ủng hộ. Trưởng bản Văng Lin, ông Vy Văn Minh phấn khởi: “Bây giờ nhiều người dân trong bản đã không còn biết cách giã gạo bằng cối. Trẻ con bây giờ ít biết về trò chơi dân gian ném còn, đánh đáo; trang phục dân tộc cũng có nhiều thay đổi nên việc xây dựng mô hình nhà Thái cổ trong trường học để giúp con em trong bản thêm yêu quý và tiếp tục giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của cha ông”.

Các cháu Trường Mầm non Tam Thái tham quan mô hình Nhà Bảo tồn văn hóa dân tộc.
Các cháu Trường Mầm non Tam Thái tham quan mô hình Nhà Bảo tồn văn hóa dân tộc.

Không chỉ được biết thêm về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình mà các em còn được bồi đắp thêm vốn ngôn ngữ thông qua mô hình này. “Trong mỗi tiết học, giáo viên thường hướng dẫn trẻ tìm hiểu, khám phá các bộ phận ngôi nhà, tên gọi, công dụng, sản phẩm các làng nghề truyền thống qua các đồ dùng, vật dụng sinh hoạt, lao động… bằng 2 thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Thái. Nhờ vậy, bên cạnh vốn ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ ngày càng phong phú thì các em cũng học tiếng Việt nhanh hơn”, cô Nguyễn Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Thắng cho biết.

Góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống, ngôn ngữ dân tộc, hiện nay trên địa bàn huyện Tương Dương, đã có 6/18 trường xây dựng được 10 mô hình “Nhà Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” phục vụ trẻ mầm non. Có thể thấy rằng, với ý nghĩa thiết thực trong việc tạo ra không gian cho trẻ trải nghiệm khám phá môi trường tự nhiên. Đồng thời giáo dục học sinh vùng đồng bào dân tộc luôn nhớ về cội nguồn, nâng cao ý thức dân tộc và tình yêu quê hương, làng bản.

Cô Vy Thị Bích Thủy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết: “Trong điều kiện đời sống bà con trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, ngành Giáo dục đã thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhưng thay vì quyên góp bằng tiền thì vận động ngày công và tận dụng những vật liệu sẵn có để góp phần nâng cao chất lượng giờ học cho các cháu. Đây là mô hình giáo dục phù hợp với đặc điểm các trường học vùng dân tộc thiểu số. Cách bố cục, thiết kế mô hình đặc biệt tôn trọng và quan tâm đến yếu tố văn hóa dân tộc bản địa, lưu giữ và phản ánh khá đầy đủ các nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc tại địa phương nơi trẻ đang sinh sống. Mô hình có giá trị sử dụng lâu dài, diện tích sử dụng rộng rãi đủ cho trẻ vui chơi theo hình thức cá nhân, nhóm nhỏ hoặc tập thể đông người. Bên cạnh đó, chúng tôi đang triển khai vận động các nhà trường, phụ huynh học sinh cùng góp sức để làm thêm nhiều đồ chơi, vật dụng ngoài trời phục vụ trẻ từ những nguyên vật liệu sẵn có trong tự nhiên ở các bản, làng…”.

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2014, ngành Giáo dục Tương Dương chỉ đạo các trường mầm non đăng ký và thực hiện đại trà (chỉ tiêu mỗi đơn vị xây dựng từ 1-2 mô hình/1- 2 điểm trường). Đây là một cách làm hay, sáng tạo nhằm kêu gọi sự chung tay, sẻ chia khó khăn của cộng đồng với ngành Giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp dạy và học trong điều kiện các trường học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Đinh Nguyệt

Mới nhất
x
Thêm yêu bản làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO