Lên miền Tây Nghệ An, thăm các bản, làng vùng cao thường bắt gặp hình ảnh quen thuộc: những người phụ nữ miệt mài bên khung cửi lách cách tiếng thoi; người thì ngồi trước mái hiên nhà sàn, chăm chú vào từng đường kim, mũi chỉ. Trên tay họ là những sản phẩm thổ cẩm rực rỡ sắc màu...
Từ nhỏ lớn lên bên chiếc khung cửi, cùng những lần theo mẹ lên nương, vượt suối, trèo non để hái dâu, nuôi tằm, rồi dệt vải, nghề dệt thổ cẩm đã quá quen thuộc với chị Lương Thị May ở bản Nóng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.
“Biết cách dệt vải từ khi chưa đến trường học cái chữ; rồi khi lớn lên đủ sức để đưa thoi, kéo sợi thì được bà, mẹ bày dạy. Nay đã quá nửa đời người tôi theo nghề và giữ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái. Chỉ khác với bà, với mẹ ngày xưa hầu như không ra khỏi bản làng, dệt vải chỉ để phục vụ gia đình, thì nay tôi và các chị em ở bản nhờ thổ cẩm mà được đi đây, đi đó, được gặp nhiều người”, chị May chia sẻ.
Nói thêm về sự “đi đây, đi đó”, chị May giải thích: Dệt thổ cẩm đã trở thành một nghề phát triển kinh tế, đem lại thu nhập 1,5-3 triệu đồng/người/tháng, được xem là nguồn thu nhập khá so với sản xuất nương rẫy nơi đây. Từ nhu cầu bán sản phẩm, chị em các bản, các xã mới có dịp gặp và quen nhau thông qua hoạt động của các tổ dệt, các làng nghề trong tỉnh, vừa kết nối tiêu thụ, vừa học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ những việc buồn, vui trong cuộc sống. Nhờ thổ cẩm mà có thêm nhiều chị em thân thiết như người nhà!
Khi chúng tôi đến bản Buộc, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, được chị Vi Thị Hương “khoe” vừa mới ra thị trấn Mường Xén giao hàng thổ cẩm, kết hợp mua sắm vài vật dụng gia đình chuẩn bị đón Tết. Từ nhà chị Hương - trung tâm bản Buộc đến thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn chừng hơn 50 km. Mỗi lần đi, chị em các bản lân cận của các xã Bắc Lý, Huồi Tụ thường tụ họp lại một chỗ để “gom hàng” nhập cho thương lái, hoặc để tổ trưởng các tổ dệt chuyển cho khách hàng theo đơn đã đặt.
“Theo nghề dệt này, nhiều chị còn thường xuyên được đi nước ngoài, đi đến các tỉnh khác để học tập kinh nghiệm, tập huấn về thêu, dệt thổ cẩm như chị Tình ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ; chị Lô Thị Mai ở bản Na, xã Hữu Lập; rồi các chị ở Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Hoa Ban Xanh chuyên hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tập huấn chia sẻ về dệt thổ cẩm…”, chị Vi Thị Hương bộc bạch.
Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Hoa Ban Xanh là tổ chức đầu tiên ở huyện Kỳ Sơn được thành lập với mục đích giúp phụ nữ địa phương giữ nghề truyền thống và sống được với nghề; đưa thổ cẩm vươn ra khỏi khung bó buộc của mỗi gia đình, cũng từ đó mà giúp chị em kết nối nhiều hơn với thế giới bên ngoài, đặc biệt là chị em dân tộc Mông. Thông qua kết nối của hợp tác xã, hàng trăm hộ gia đình ở huyện Kỳ Sơn có thu nhập ổn định từ 2-4 triệu đồng/tháng, nhiều hộ có thu nhập cao từ 4-6 triệu đồng/tháng.
Nói về sự mở rộng kết nối và có thu nhập từ nghề truyền thống, chị Lầu Y Dếnh ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống (Kỳ Sơn) cho hay: “Phụ nữ đồng bào Mông đổi mới nhiều một phần nhờ vào thêu, dệt thổ cẩm và làm du lịch cộng đồng, trở thành trụ cột gia đình, được gặp nhiều người, đi nhiều nơi nên có thêm hiểu biết xã hội, tiếp thu được nhiều văn minh tiến bộ”.
Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống Vừ Bá Xử cho biết: Xã nay đã có làng nghề thêu ren, là làng nghề đầu tiên của đồng bào Mông ở huyện Kỳ Sơn. Hộ chị Lầu Y Dếnh là 1 trong 135 hộ tham gia Làng nghề thêu ren Mường Lống vừa được UBND tỉnh công nhận vào cuối năm 2023. Việc các chị em “nâng cấp” phong tục thêu ren truyền thống thành nghề nghiệp, thành nguồn phát triển kinh tế mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân.
Các hộ làm nghề chủ yếu tập trung ở bản Mường Lống 1, ban đầu thu nhập nhờ nghề thêu ren mang lại tăng từ 5,3 triệu đồng/hộ/năm (2021) lên 14,5 triệu đồng/hộ/năm (2022). Đây là nguồn thu nhập khá đối với bà con địa phương, giúp chị em vùng cao ngày càng tự tin vươn lên làm ăn hiệu quả.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 15 làng nghề dệt thổ cẩm được UBND tỉnh công nhận, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như Tân Kỳ, Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Châu và Quế Phong. Trong đó, huyện Kỳ Sơn hiện có 10 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, có những làng nghề đã hình thành, phát triển như làng nghề bản Na, xã Hữu Lập; bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn được công nhận từ năm 2010 đến nay và làng nghề thêu ren vừa mới được công nhận trong năm 2023 ở Mường Lống.
Tết đến, Xuân về, cùng với niềm vui xúng xính váy áo truyền thống đón năm mới, phụ nữ các bản làng miền Tây lại có thêm niềm vui từ nghề phát huy bản sắc dân tộc, càng thêm gắn bó với quê hương để lao động, sản xuất.